Mong có nhà công vụ

24/04/2009 11:24

Tốt nghiệp ra trường, tôi được phân công về công tác tại trường THCS Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Cầm quyết định trên tay cùng với niềm háo hức của tuổi trẻ, bao nhiêu kế hoạch vạch ra trong tôi.

Ngày đầu tiên lên trình quyết định, nghe thầy hiệu trưởng tâm sự: " Trường Nghĩa Yên có 2 phân hiệu, phân hiệu II cách phân hiệu I là 15km, đường sá đi lại khó khăn, thành phần học sinh là dân tộc Thổ, nhà trường không có nhà công vụ cho giáo viên ".


Tôi thẫn thờ: Chả lẽ mình lại về quê sống với bố mẹ bởi nếu ở lại thì trường không có ký túc xá? Nhưng tôi đã quyết định ở lại để thực hiện ước mơ...


Nỗi lo về nhà ở được tháo gỡ, tôi được cô Chủ tịch Công đoàn giới thiệu đến ở cùng một cô giáo từng giảng dạy ở trường nay đã nghỉ hưu, chỗ ấy cách trường khoảng 1 km. Cuộc sống mới của cô giáo trẻ như một vòng tròn khép kín: Sáng đi làm, trưa về ăn, nghỉ, chiều soạn bài, tối lại ngủ. Ngày này qua tháng khác, cuộc sống cứ trôi đi như thế. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ chả lẽ tuổi xuân của mình cứ mãi thế này chăng? Mình cũng phải lấy chồng, sinh con. Nhưng ở chốn xa xôi này lấy ai, ai lấy bây giờ.


Tôi quyết định ra trọ ở vùng trung tâm (nay là Thị xã Thái Hoà). Ở ngoài này tuy vui hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn nhưng mọi chi tiêu của tôi chỉ giới hạn trong 935.000 đồng (hồi ấy còn hợp đồng).


Khó khăn này được giải quyết, khó khăn khác lại tiếp bước. Nơi tôi ở cách trường 15 km, những ngày đi dạy ở phân hiệu II phải đi tới gần 30km. Ngày nắng ráo còn đỡ, những ngày mưa cầu Khe Tọ ngập tôi phải đi đường mòn thêm 25km nữa để đến trường. Rồi những ngày sinh hoạt chuyên môn, thăm lớp dự giờ, các hoạt động Đoàn, Đội, tôi lại phải ở đến chiều mới về. Bữa trưa của tôi trong những ngày ấy là gói mỳ tôm, chiếc bánh mỳ, có khi nắm xôi. Còn chỗ nghỉ ngơi là những chiếc ghế, chiếc bàn trong văn phòng nhà trường. Hoàn cảnh như thế đôi lúc tôi cũng chạnh lòng: lấy đâu tâm huyết với nghề? Nhưng trong tôi vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó trường tôi sẽ có nhà công vụ cho giáo viên.


Một năm, hai năm, rồi ba năm trôi qua, hy vọng ấy cũng dần tan biến... Tôi, cũng như nhiều giáo viên vùng sâu mong muốn tha thiết được sự quan tâm hơn nữa của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Phòng Giáo dục đầu tư xây ký túc xá cho giáo viên. Có như vậy sự nghiệp giáo dục của Nghĩa Yên mới được khởi sắc.


Nguyễn Thu Hà