Cơm lam và lễ cúng rãy

03/07/2009 11:16

Người trồng lúa nương mong ngóng nhất ngày lúa uốn câu, kết sữa. Khi ấy đã sang Thu, khí trời mát dịu, cũng là lúc bắt đầu mùa cơm lam. Những hộ trong bản có rãy cạnh nhau cùng tụ họp lại. Họ chọn một ngày đẹp nhất trong tháng làm lễ cúng rãy.

Cơm lam của dân tộc Tày.

Vào ngày đó, người ta dậy sớm, rời khỏi những chiếc chòi giữ nương cắt mẻ lúa đầu tiên. Họ chọn những đám rãy lúa chưa chắc hạt. Tiếp đó, lúa được phơi khô đến khi hạt lúa trở nên cứng và giòn rồi các bà, các chị lại phải cho vào cối giã thành gạo. Thứ gạo có màu xanh cốm ấy dùng để làm cơm lam.

Người ta cho gạo vào những ống nứa non cùng với một lượng nước vừa đủ rồi nướng trên bếp than củi cho đến khi cơm chín. Thế là có được ống cơm lam. Với cách làm này, khúc cơm lam khi bóc ra có màu xanh nõn, thơm và thật dẻo. Cơm lam ăn kèm thịt gà nướng, chỉ thưởng thức một lần sẽ khiến người ta nhớ rất lâu. Trong ngày cúng rãy, ma rãy được mời uống rượu, ăn cơm lam, thịt gà. Người ta hát lên những điệu dân ca cầu mong mùa màng tươi tốt, lúa ngập rừng nương.


Ngày nay, cơm lam đã xuất hiện ở các khu du lịch miền núi, các nhà hàng bán món ăn của người thiểu số nơi phố thị. Người ta gọi cơm lam là thứ đặc sản cao quý và cũng tốn nhiều giấy mực bàn về món lạ này. Tôi đem những câu chuyện này hỏi lại già bản thì già cười: "Không có câu chuyện gì về cơm lam đâu con à. Chẳng qua ngày xưa người ta thiếu thốn quá không có chiếc nồi để nấu chín gạo nên dùng tạm cây nứa làm nồi. Người ta thấy cơm nướng trong ống nứa cúng ngon nên mới bảo nhau cùng làm. Đó, cội nguồn của cơm lam là vậy..."


Ngày nay người ta chỉ ngâm gạo cho vào ống nứa rồi nướng lên, thậm chí luộc như kiểu luộc bánh chưng nên cơm lam chẳng khác món xôi là bao. Tôi không còn tìm lại được cái vị rất riêng của nếp mới hòa quyện với mùi cây nứa non ở những khúc cơm lam của già ngày nào.


Hữu Vi