Kể chuyện Điện Biên: Hỏi cung tù binh Pháp giữa các trận đánh

10/04/2009 17:27

Ông Nguyễn Xuân Tính, nguyên là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà ông và các đồng đội đã trải qua trong suốt "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm" ở Điện Biên Phủ:

Ông Nguyễn Xuân Tính
với những kỷ vật chiến trường.

Bước vào đầu những năm 1950, trên nhiều mặt trận, quân ta từng bước giành được nhiều thắng lợi, góp phần tạo ra những bước ngoặt quan trọng, buộc thực dân Pháp phải cố thủ, xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cũng từ đó số tù binh Pháp sau mỗi trận thắng ta bắt được nhiều hơn, đòi hỏi phải có nhiều người biết tiếng Pháp để tiến hành khai thác. Là người đã được học tiếng Pháp, vì thế ông được cấp trên giao nhiệm vụ thẩm vấn tù binh.


Việc lấy lời khai khá quan trọng, nó giúp chúng ta nắm bắt được thông tin cụ thể từ phía quân địch, chủ động được trước một số tình huống. Sau mỗi trận đánh, số tù binh bị bắt được tập hợp lại để tiến hành khai thác ngay tại trận. Thông thường đối với lính thì chỉ cần lấy lời khai về: tên, tuổi, quê quán, đơn vị. Nhưng với tầng lớp sĩ quan thì phải có những biện pháp khai thác khác, nhằm thu được những thông tin có giá trị về cách bố trí trận địa, bản đồ trận địa của địch.


Những ngày đầu tham gia thẩm vấn, do số tù binh đến từ nhiều nơi, nói tiếng bản địa, lại nói nhanh nên rất khó nghe, thế nên cán bộ của ta phải vừa nghe vừa đoán. Hơn nữa có nhiều tên không chịu khai, hoặc khai man, khiến cho phía ta phải mất công xác minh lại.

Ngoài việc lấy lời khai, còn phải xác minh và sàng lọc từng đối tượng, phân loại những lính có trình độ, lính có cảm tình với phía ta (có nhiều trường hợp người dân nô lệ ở các nước châu Phi bị bắt đi lính). Phải chia lính và sĩ quan ra hai nơi, nhằm không cho chúng có những liên hệ, tác động với nhau, sau đó được giải về từng cấp xử lý. Việc thẩm định thương binh, thẩm định giá trị thông tin khai thác của từng tù binh đều được tiến hành ngay, nhằm phát hiện những tên giả bị thương để trốn chạy. Sau khi thẩm vấn, số tù binh này được tập hợp, chia nhỏ thành từng tốp 100 tên, được 5 chiến sĩ của ta áp giải đưa về căn cứ tận Thanh Hóa, Nghệ An.


Kỷ niệm khiến ông nhớ nhất vẫn là lần tham gia hỏi cung tướng Đờ Cát. Đờ Cát và Bộ Tổng tham mưu của chúng bị bắt sống, sau đó được giải về Sở chỉ huy Đại đoàn 312.! Ban đầu Bộ chỉ huy gọi điện liên tục về Đại đoàn hỏi xem có bắt được đúng tướng Đờ Cát không, và dặn phải kiểm tra thật kỹ. Lúc này Bộ tổng Tham mưu của địch đã đầu hàng, nên việc hỏi cung Đờ Cát là làm rõ những suy nghĩ về thất bại của quân viễn chinh. Viên tướng kiêu căng cũng như binh lính Pháp đều không ngờ quân ta lại có thể đem được pháo hạng nặng lên bố trí xung quanh Điện Biên Phủ; cũng không ngờ khi mọi đường rút lui của chúng đã bị quân ta thắt chặt; càng không ngờ khi khối bộc phá trên đồi A1 phát nổ, cũng là lúc đánh dấu cho sự thất bại thảm hại của đội quân viễn chinh trên mảnh đất nước Việt Nam anh hùng.


Đặng Cường