Những món ăn ngày Tết của đồng bào Thái Nghệ An

20/01/2009 17:16

(Baonghean.vn) - Đồng bào Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) thờ cúng tổ tiên vào ngày mồng một Tết, họ giết lợn, mổ bò làm nhiều món ăn và hông xôi nếp để thờ cúng các bậc thần đã cho họ sức khoẻ và mùa màng bội thu.


Soạn mâm cúng.


Vào các ngày Tết, cơm nếp được thay cơm tẻ và nấu theo tập tục tổ tiên như món: khau cờ lam (làm cơm lam), nưng khau (hông xôi) và làm các loại bánh nếp không nhân. Các món: cá nướng, cá chua, cá làm các loại họ mọc là không thể thiếu và đặc biệt là món làm từ cá trê. Sáng mồng một Tết, mâm cúng nhà nào cũng phải có hai con cá trê nướng để thờ cúng Pù đu quai (thần trông giữ trâu bò) để thần phù hộ một năm mới chăn nuôi phát triển.

Thịt cũng là món ăn chủ yếu trong ngày Tết, nhất là các loại: chỉn xồm (thịt chua), chỉn giang (thịt xông trên bếp). Trước Tết 3 - 4 ngày, họ chọn mua những miếng thịt trâu, bò, nạc đặc không có mỡ đem về nhúng qua nước sôi cho tái mặt ngoài, để ráo và dùng dao sắc cắt ngang thớ thịt thành từng miếng mỏng rồi trộn với một ít cơm nguội (để gây men), ít muối tinh, sau đó đem nén vào ống lùng tươi hơ trên gác bếp. Thịt xông khói được cắt miếng to hơn và phải cắt theo chiều dài thớ thịt khỏang 8 - 10 cm, ướp với gia vị, nứơc mắm, ớt tỏi vừa đủ đem hơ qua lửa cho khô rồi đem treo trên bếp nấu.

Trong những ngày Tết, khách đến thăm nhà, chỉ cần đem ra ống thịt chua, hoặc vài miếng thịt xông khói đã hơ qua than nóng, đĩa rau thơm, ít nước chấm là đã có một món nhâm nhi với bạn hiền.


Món thịt xông khói bếp.

Món lạp (thực ra lạp là một loại nộm thịt gia súc ăn cỏ nhai lại như trâu bò, dê...) Làm thịt, chọn những chổ nạc thái thật mỏng to rồi cho vào gạo nếp để vuốt cho sạch nhớt, để khô ráo, sau đó thái thành từng miếng nhỏ để sẵn vào bát, khi bắt đầu ăn thì đổ vào bát nộm chế biến từ nặm mảy xổm (nước măng chua) trộn với các gia vị như rau húng, mùi, tỏi, răm, ớt sẽ nổi mùi khoái khẩu, nếu không làm lạp sống thì họ làm thịt băm nhỏ, rang cho thật khô dậy mùi, đổ nộm vào thành lạp chín (thường dành cho phụ nữ và trẻ em và cho những người không quen dùng sống).

Cùng với các món ăn trên, đồng bào còn làm các món được nấu theo tập tục lâu đời: thịt, cá bao giờ cũng được nấu chung với bột gạo, các loại rau đã được giã nhỏ tạo thành một món sền sệt đặc như cháo (thường gọi là canh ột, canh nhọoc...)

Món ăn trong ngày Tết của đồng bào Thái ở Nghệ An không tách khỏi phần tâm linh, tín ngưỡng, kết nối giữa người sống với người chết, giữa con người với thần linh. Chính vì vậy những món ăn này mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng và trang trọng.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Lan