Vui - buồn chuyện làm báo mạng

19/06/2009 11:19

Vào dịp kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí Cách mạng VN năm nay, báo Nghệ An điện tử đã được 1 tuổi rưỡi. Quãng thời gian còn quá ít để diện mạo một tờ báo mạng định hình trong lòng bạn đọc. Nhưng với trên 3,6 triệu lượt người đọc trong và ngoài nước cũng là con số rất đáng tự hào.

(Baonghean) - Vào dịp kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí Cách mạng VN năm nay, báo Nghệ An điện tử đã được 1 tuổi rưỡi. Quãng thời gian còn quá ít để diện mạo một tờ báo mạng định hình trong lòng bạn đọc. Nhưng với trên 3,6 triệu lượt người đọc trong và ngoài nước cũng là con số rất đáng tự hào.

Diện mạo ban đầu

Từ đầu năm 2008, khi báo Nghệ an điện tử chính thức ra mắt cho đến nay, phòng báo điện tử chỉ có 5 người (một kỹ thuật viên, một quản trị mạng, hai phóng viên và đồng chí trưởng phòng kiêm luôn biên tập viên). Tất cả đều là những người làm báo điện tử "nghiệp dư", bởi lẽ, chưa một ai qua đào tạo cơ bản về làm báo điện tử; Tất cả đều tự mày mò, học hỏi, tự rút kinh nghiệm và tự làm. Nói như vậy để thấy có được diện mạo, vị trí của tờ báo mạng hiện nay không chỉ là những cố gắng về nghiệp vụ, chuyên môn mà cả lòng đam mê, yêu công việc của những người làm báo điện tử. Chúng tôi đã đảm nhiệm việc duy trì, cập nhật 20-30 (cao điểm lên đến 50) tin, bài, ảnh hàng ngày; tham gia viết bài cho cả báo in... Lượng bạn đọc đến với báo Nghệ An điện tử ngày càng tăng, từ 1.000 - 2.000 lượt/ngày, giờ đây đã lên tới 8.000 - 9.000 lượt truy cập mỗi ngày.

Kỷ niệm ngày của những người làm báo, cũng là một dịp nhìn lại chặng đường đã đi qua, với rất nhiều vui buồn trong công việc mới mẻ này.

Những câu chuyện nghề


PV Thanh Phúc, Mỹ Hà trên đường đi vào lòng hồ bản Vẽ (Tương Dương). Ảnh: TL


Nhớ có lần, lúc xẩy ra sự kiện thương tâm sập mỏ đá D3 tại công trình thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương), nhóm PV chúng tôi mới đi công tác tại Noọng Hét (Lào) về, biết được thông tin đó, ngay lập tức đã điện ngay về tòa soạn và tổ chức tác nghiệp luôn. Địa bàn miền núi vốn dĩ đã khó khăn, lại vào thời điểm "nước sôi lửa bỏng" đó nên việc đảm bảo thông tin nhanh, chính xác về cho tòa soạn không hề đơn giản chút nào. Từ thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) vào đến hiện trường vụ tai nạn khoảng 25 km đường đèo dốc. PV phải bám hiện trường liên tục để lấy thông tin, rồi lại phải xoay sở kiếm phương tiện để ra thị trấn viết bài và truyền về tòa soạn (bởi ở thị trấn mới có đường truyền internet), mà sự kiện thì liên tục xuất hiện mới, nên phóng viên phải quay trở liên tục giữa Bản Vẽ và thị trấn Hòa Bình. Tổng cộng, trong vụ tai nạn này, chúng tôi đã phải đi lại giữa 2 điểm không dưới...30 lần. Nếu nhân lên, trong 3 ngày tác nghiệp, phóng viên đã phải đi chừng trên...700km. Thêm nữa, cơ sở internet chỉ là nơi chuyên dùng cho việc chơi game của thanh niên nên máy thường xuyên báo lỗi và nghẽn mạch. Bởi vậy để truyền được 1 bài viết và ảnh về toà soạn như là một quá trình đánh vật. Trời nắng nóng, phóng viên...cởi trần, mồ hôi nhễ nhại ( may mà không có PV nữ ! ).

Ngay như dịp khai trương mùa du lịch biển, kỷ niệm 15 năm thành lập thị xã Cửa Lò mới đây (30/4/2009), cũng có nhiều chuyện khá thú vị. Nhóm phóng viên chúng tôi (Trần Hải-Thu Hương-Mỹ Hà) được nhà báo Ngô Doanh (Phó Trưởng đại diện thường trực tạp chí Quê hương ngày nay tại miền Trung và Tây Nguyên) đã hào phóng dành xe hơi cho chúng tôi tác nghiệp. Buổi chiều diễn ra các sự kiện, trời mưa khá to, Mỹ Hà đành mở laptop ngay trong xe để viết bài, còn bọn nam chúng tôi chạy đi các điểm để lấy tin chụp ảnh mang về xe cho Hà tổng hợp lại. Phóng viên báo Dân Trí điện tử đi qua thấy, tỵ nạnh "Nghệ An điện tử chơi sang quá, có cả ô tô tránh mưa cho phóng viên viết bài". Chiều ấy, chùm phóng sự ảnh "Cửa Lò náo nức vào hội" lên mạng trước giờ khai mạc "Lễ hội sông nước Cửa Lò" đúng một giờ ! Nhóm thứ 2 là PV thời sự tiếp cận quảng trường Bình Minh từ chiều để đón thời khắc khai mạc "Lễ hội sông nước Cửa Lò". Màn pháo hoa kết thúc lễ khai mạc chưa kịp tắt thì xe của nhóm PV Sỹ Minh - Trần Hùng - Thanh Lê đã kẹt giữa biển người, không phải hàng nghìn, mà là hàng....vạn ! Đêm đó, khi nhóm PV đưa được tin ảnh về, phòng báo điện tử biên tập bài xử lý ảnh và truy nhập lên mạng xong thì đồng hồ chỉ... 2 giờ sáng !

Những lúc BBT yêu cầu tường thuật một sự kiện nóng hổi nào đó, thực sự là một thử thách đối với những người làm báo mạng. Thí dụ như chuyến tường thuật trận bóng giữa SLNA và SHB Đà Nẵng tại sân Chi Lăng (Đà Nẵng), phóng viên Hoàng Hảo đã phải tác nghiệp theo kiểu du kích. Bởi ở sân không có đường truyền internet nên Hoàng Hảo đã phải dùng điện thoại di động để đọc tường thuật diễn biến trận đấu về tòa soạn. Bộ phận ở nhà đánh máy lại. Lúc trên sân quá ồn ào nên tên cầu thủ nước ngoài nghe không rõ, thế là lại phải dùng...nhắn tin. Gần hết hiệp 1 thì điện thoại hết pin. Hoàng Hảo đành chạy đôn đáo để kiếm chỗ xạc pin. Dứt trận, phóng viên phải chen ra sân thật nhanh, kiếm chỗ truyền ảnh về tòa soạn. Mệt, nhưng được BBT và mọi người ở nhà khen, thế là cũng đủ để vui !

Một bộ phận rất quan trọng, đó là biên tập viên và kỹ thuật viên ở nhà. Nếu coi sự kiện và bài viết trên mạng nối nhau như một cầu truyền hình thì đầu cầu tiền tuyến là phóng viên, đầu cầu hậu phương là biên tập viên và kỹ thuật viên. Việc xử lý hình ảnh, tin bài để cập nhật nhanh nhất chính là nhờ vào những người làm báo thầm lặng này. Bài viết, ảnh của phóng viên có thể xem như nguyên liệu mới đem về. Qua bàn tay của những đầu bếp khéo léo, bạn đọc thực sự mới có được món ăn với đầy đủ màu sắc, hương vị. Phía sau cánh gà họ thường xuyên làm báo thầm lặng, bền bỉ, rất khẩn trương nhưng cũng rất khoa học, tỷ mỷ từng dấu phẩy, chính xác đến từng giây....

Vui - buồn báo mạng

Làm báo mạng, lại là những năm tháng đầu tiên, nên chúng tôi cũng có không ít chuyện..."cười ra nước mắt " !

Đi công tác ở huyện, nhất là vùng cao vùng sâu, báo mạng rất cần đường truyền để gửi bài ảnh, càng cần truyền nhanh vì tính thời sự của thông tin. Nhớ dịp ở Tương Dương, mỗi lần gửi ảnh về lại một lần lo ngay ngáy, bởi đường truyền hết sức chậm lại hay tắc nghẽn. Hôm ấy, ì ạch mãi rồi cũng truyền xong, điện về thì biên tập viên trả lời: chỉ nhận được bài thôi, còn ảnh thì chỉ thấy... một nửa ! Đành làm lại, sốt cả ruột. Thôi thì cũng nhịn qua bữa trưa để truyền cho xong ảnh. Chậm, nhưng truyền về được còn may !


PV Trần Hải tác nghiệp ở Quần đảo Trường Sa. Ảnh: TL


Ngay tại TX Cửa Lò dịp 30/4 năm nay, viết bài chụp ảnh xong, chúng tôi đi tìm điểm internet để truyền bài về, nhưng khắp cả TX đều không có, tìm đến các khách sạn "nhiều sao" cũng vậy. Hy vọng nhất là đến bưu điện TX, nhưng các cô giao dịch viên lắc đầu "Máy hỏng rồi anh ạ !". Bó tay ! Cuối cùng, sau gần 30 phút sục sạo khắp nơi, chúng tôi liều lần theo những lời chỉ dẫn vu vơ, và cũng tìm được một quán game o­nline thuộc "vùng sâu, vùng xa" của thị xã, gần chợ Sơn, cách quảng trường gần 3 km. Ậm ạch mãi rồi cũng truyền xong bài đầu tiên, quay ngay về trung tâm đón sự kiện tiếp, rồi quay lại "vùng sâu vùng xa" ấy để chuyển bài về... Nên nhiều khi, để thông tin đến với bạn đọc nhanh hơn 5-7 phút, phóng viên phải mất cả ngày trời.

Nói chung, "vấn đề internet" là chuyện thường ngày ở...đa số huyện. Nhưng phương tiện tác nghiệp của phóng viên cũng là điều rất đáng nói, chủ yếu tự sắm lấy, mà tự sắm thì "liệu cơm gắp mắm" nên cũng... tàm tạm, đành bị chê là thiếu chuyên nghiệp.

Thế nhưng không hẳn là ít chuyện vui. Xin dẫn lại 2 mẩu nho nhỏ: Có bạn đọc gặp chúng tôi, hỏi: - Dạo này hay viết cho báo nào mà ít thấy trên báo Nghệ An thế ? - À ! Mình hay viết cho báo Nghệ An điện tử ! - Thế à ? Hôm nào có bài đăng, nhớ gửi cho tớ vài tờ đọc nhé ! (Báo mạng thì làm sao mà gửi biếu vài tờ hả trời ?!). Còn dịp khác, khi chúng tôi đăng tin thông báo sẽ tường thuật trực tiếp trận SLNA và XMHP vào hồi...giờ...ngày...Có bạn đọc đã rất sốt sắng gửi thư hỏi ngay: Xin cho hỏi: báo Nghệ An điện tử sẽ tường thuật trận bóng này trên kênh mấy để biết mà theo dõi...(!).

Trần Hải