Giữ một tiếng tuồng
Nằm bên cạnh Quốc lộ 46, xóm 4B - xã Hưng Đạo cũng bình dị như bao làng quê khác, từ những mái ngói rêu phong đến những con đường nhỏ vương bùn đất, rơm rạ, nhưng đây là một trong những xóm văn hóa đầu tiên của huyện Hưng Nguyên, đã 10 năm liền giữ vững danh hiệu này. Xóm có một đội tuồng của những người thuộc lớp "gần đất xa trời" nhưng luôn đau đáu một nỗi niềm hoài cổ.
Nằm bên cạnh Quốc lộ 46, xóm 4B - xã Hưng Đạo cũng bình dị như bao làng quê khác, từ những mái ngói rêu phong đến những con đường nhỏ vương bùn đất, rơm rạ, nhưng đây là một trong những xóm văn hóa đầu tiên của huyện Hưng Nguyên, đã 10 năm liền giữ vững danh hiệu này. Xóm có một đội tuồng của những người thuộc lớp "gần đất xa trời" nhưng luôn đau đáu một nỗi niềm hoài cổ.
Năm 2004, xóm 4B có một đội tuồng được lập ra bởi Chi hội Người cao tuổi xóm và hàng năm vẫn biểu diễn vào các dịp lễ, tết. Đây không phải là đội tuồng đầu tiên, bởi hơn nửa thập kỷ trước, nơi ở đây đã có một đội tuồng nổi danh khắp vùng, gọi là "tuồng Kẻ Thái". Cụ Nguyễn Xuân Ký - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, một thành viên đội tuồng cho biết: "Phong trào hát tuồng có ở làng từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Tuy không phải là quê hương của tuồng nhưng tuồng cổ du nhập vào đây và đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của làng quê. Ngày đó cả huyện Hưng Nguyên chỉ có làng Thái Xá là có phong trào hát tuồng".
Một diễn viên khác của đội tuồng, cụ Nguyễn Xuân Bình kể lại: "Thời kỳ "huy hoàng" nhất của tuồng Kẻ Thái là vào đầu những năm 1960. Ngày hội, ngày tết, cả làng tham gia dựng rạp, đốt đèn cho đội tuồng biểu diễn. Trướcngày diễn, bất kể trời mưa dầm, gió rét, các diễn viên tuồng vẫn say sưa tập luyện cả ngày lẫn đêm. Có những tháng lụt, nước ngập trắng đồng, trắng cả đường làng nhưng trước nhu cầu của người dân, đội tuồng vẫn dựng rạp biểu diễn trên bãi đất cao giữa làng. Người dân chèo cả thuyền đi xem. Không chỉ có dân quanh vùng mà cả người dân Nam Giang - Nam Đàn cũng đến xem rất đông".
Cụ Bình năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn còn rất say mê văn nghệ. Cụ cho biết, ngày ấy, ngắm những "diễn viên" trong làng biểu diễn, cụ mê những đường đảo tay, co chân, mê cái phong thái lộng lẫy và uy dũng trong một thế giới khác với vẻ quê dung dị, thô ráp thường nhật của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, mê tiếng trống cái, trống con khi thì túc tắc vui nhộn, lúc lại ào lên dồn dập, hùng tráng theo điệu bộ của các diễn viên. Rồi cụ xung phong vào đội tuồng cùng với cụ Nguyễn Xuân Ký, cụ Phạm Văn Cừ, cụ Trường Văn Châu, cụ Ngũ Thị Hợi... những bầu bạn cùng lứa. Đội tuồng hoạt động được hơn 10 năm, khi chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt thì đội dần giải tán do không có nhiều dịp để biểu diễn.
Đằng đΩng gần nửa thế kỷ, làng Thái Xá xưa giờ đã thay da đổi thịt, trở thành một làng quê trù phú, hiện đại. Những người mê xem tuồng và các diễn viên tuồng ngày xưa, người còn, kẻ mất. Với những người còn sống, điệu tuồng xưa vẫn ngân nga, văng vẳng trong tâm hồn họ. Cụ Bình vẫn có thể thức thâu đêm hát xướng cùng con cháu trong các dịp lễ tết, hội hè. Chính cụ cùng với cụ Ký, cụ Châu khởi xướng khôi phục đội tuồng.
Những người tham gia hát tuồng ngày xưa giờ còn khoảng 15 - 16 người. Nhưng cũng vì nhiều cụ đã già yếu lắm rồi nên đội tuồng hiện nay chỉ còn chưa đầy 10 người, gồm các kép hát, người chạy màn, người đánh trống chầu. Hơn năm năm qua, những người ở cái tuổi xưa nay hiếm ấy tích cực luyện tập và học lại những vai diễn cũ trong các tích tuồng cổ như Trưng Trắc - Trưng Nhị, Trương Viên, Tống Trân - Cúc Hoa, Thù nhà nợ nước... Những việc làm này quả thực không hề đơn giản khi những người hiểu sâu sắc về tuồng hiện không còn nhiều. Họ phải tìm và viết lại kịch bản, rồi luyện hát, luyện múa, sắm trang phục, đạo cụ... Tất cả các cụ đều phải cố gắng đóng góp tiền thuê từng món đạo cụ, phông màn. Nhưng bù lại, đội tuồng ít nhiều tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa mới, một không khí mới cho xóm vào những ngày lễ, ngày tết, ngày hội. Mỗi khi đội tuồng dựng vở, nhân dân trong xã đến cổ vũ rất đông. Trong dịp tổng kết 10 năm xây dựng làng văn hóa của huyện Hưng Nguyên vừa qua, đội tuồng của xóm đã được chọn để biểu diễn ở Trung tâm Văn hóa huyện.
Tuổi cao, niềm đam mê tuồng của các cụ vẫn không hề vơi cạn. Cụ Châu, người được "thừa kế" các trang phục, đạo cụ của đội tuồng từ người bố (cũng là một diễn viên đội tuồng), dù đã mắt mờ, tay run nhưng thỉnh thoảng cụ vẫn lôi những bộ trang phục tuồng ngày xưa ra ngắm, hồi tưởng lại "một thời vang bóng" của đội tuồng. Những ngày thường, không có dịp diễn, các cụ thỉnh thoảng lại ngồi cùng nhau bên chén chè xanh, nghêu ngao hát cho nhau nghe. Trong tiếng hát cũng lắm nỗi niềm. Cụ Bình bùi ngùi tâm sự: "Lớp trẻ giờ không còn thích chèo, tuồng như ngày xưa. Mà nếu thích thì cũng chỉ nghe cho vui chứ chẳng còn thời gian đâu mà tập hát tuồng. Tui có 6 người con, đứa nào cũng thích nghe tuồng nhưng rủ tham gia vào đội tuồng thì lắc đầu quầy quậy...". Tuy vậy, xuân này có một tín hiệu vui, theo lãnh đạo phòng Văn hóa thì UBND huyện Hưng Nguyên đã duyệt kinh phí cho đề án bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống trên địa bàn huyện, trong đó có tuồng và các nghệ thuật dân gian khác. Hy vọng rồi đây ở Thái Xá sẽ có một câu lạc bộ tuồng theo đúng nghĩa. Không biết đến lúc đó đội tuồng sẽ còn bao nhiêu cụ, và lớp trẻ, nếu có tham gia câu lạc bộ tuồng, có được niềm đam mê như các cụ hay không?.
Minh Quân