Người tâm huyết với tiếng cồng

10/01/2010 08:30

Cứ mỗi tối chủ nhật hàng tuần, các bạn trẻ yêu thích cồng chiêng làng Đong xã Nghĩa Tiến (Nghĩa Đàn) lại sang nhà chị Hồ Thị Thanh để học kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng.

Với người Thổ, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ để giải trí, mà còn được xem như vật linh thiêng của làng. Nó luôn có mặt trong các lễ mừng sức khỏe, mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... Âm thanh của cồng chiêng còn được xem như là tiếng nói của con người gửi đến thần linh, mang theo những ước mơ, khát vọng và kết nối bao thế hệ. Do vậy, chỉ có những người lớn tuổi mới được quyền đánh chiêng trống. Tuy nhiên, với chị Thanh, nhờ năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê nên từ rất trẻ chị đã tham gia vào đội cồng chiêng của xã. Đến bây giờ, ở tuổi 45, chị đã trở thành một người lão luyện và có uy tín về văn hóa cồng chiêng của người Thổ tại xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa.

Nhờ cách truyền giảng nhiệt tình, tâm huyết và tỉ mỉ của chị Thanh nên thế hệ trẻ trong làng giờ đây đã có nhiều người đánh chiêng giỏi và chơi được các nhạc cụ truyền thống của người Thổ. Làng Đong có đội văn nghệ cồng chiêng với 25 thành viên, hàng năm đi tham gia biểu diễn trong các ngày hội của làng, được mời tham gia chương trình văn nghệ do thị xã tổ chức, góp phần làm phong phú thêm nét bản sắc văn hóa trong lễ hội Làng Vạc diễn ra hàng năm. Với cương vị bí thư chi bộ xóm, hàng ngày chị sắp xếp thời gian hợp lý để vừa công tác, vừa phụ giúp gia đình.

Lúc rảnh chị tranh thủ đọc các tờ báo của Đảng để nâng cao hiểu biết phục vụ tốt hơn cho công tác. Chị có thói quen sưu tầm các bài viết về gương điển hình làm kinh tế giỏi từ đó để áp dụng làm kinh tế cho gia đình, đồng thời tuyên truyền cho bà con trong vùng biết cách làm ăn, nuôi trồng những loại cây con có hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiệt tình, năng nổ, thân thiện là những nét có thể khắc họa về chị trong công việc. Là nữ bí thư chi bộ tại một địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều năm liền xóm 4 đạt chi bộ vững mạnh toàn diện. Bận rộn với việc xóm, việc làng, với niềm đam mê cồng chiêng nhưng ở nhà, chị là một phụ nữ làm kinh tế giỏi. Với hơn 2 ha đất vườn, nhờ học hỏi tích lũy được kinh nghiệm làm ăn có hiệu quả chị đã cùng chồng và các con trồng cam, quýt và cà phê mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm hơn 80 triệu đồng.


Sỹ Thành