Sức lan toả của chữ Thái Lai Pao

10/01/2010 08:28

CuốiI năm 2008, khi kết thúc lớp học chữ Thái Lai Pao đầu tiên do Phòng Văn hoá- Thông tin (VH-TT) huyện Tương Dương tổ chức, chúng tôi có dịp tìm hiểu một số đặc điểm của loại chữ này và có bài viết: "Chữ Thái Lai Pao ở Tương Dương: Cơ may được hồi sinh?"(Báo Nghệ An cuối tuần, ra ngày 28/12/2008). Sau một năm trở lại, chúng tôi thực sự bất ngờ trước những kết quả bước đầu trong việc thực hiện đề án.

Lớp dạy chữ Thái Lai Pao ở xã Nga My (Tương Dương)

Đến thời điểm hiện nay, huyện Tương Dương đã tổ chức được 05 lớp học chữ Thái Lai Pao với tổng số hơn 200 học viên trên địa bàn các xã Tam Thái, Yên Na, Yên Hoà, Nga My. Lớp học đầu tiên do cụ Lô Văn Thoại đứng lớp nhằm mục đích đào tạo những "hạt nhân" để thực hiện việc phổ biến khắp toàn huyện. Lớp học chỉ tổ chức trong thời gian 05 ngày nhưng các học viên miệt mài học cách phát âm, ghép từ và luyện chữ. Còn nhớ, tập giáo trình hồi đó còn khá mỏng manh, vốn từ vựng chưa phong phú, đến nay đã trở nên dày dặn với số lượng trên 50 trang giấy A4. Những học viên ngày ấy đang phát huy vai trò "hạt nhân" của mình, nhiều người tự giác truyền dạy cho lớp con cháu và bà con dân bản. Đặc biệt, có hai "học trò" xuất sắc của cụ Lô Văn Thoại là ông Vi Khăm Mun và Lô Khăm Phi có thể tham gia biên soạn giáo trình và giảng dạy cho các khoá học sau. Đặc biệt hơn nữa, thế hệ học trò thứ hai như ông Mộng Văn Hoàn cũng đã đứng lớp để phổ biến chữ Thái Lai Pao. Vừa qua, chúng tôi có dịp lên xã Nga My (Tương Dương) dự lễ khai giảng lớp chữ Thái Lai Pao do ông Vi Khăn Mun và ông Mộng Văn Hoàn đứng lớp. Theo quy định của Phòng VH-TT mỗi lớp học có tối đa 40 học viên nhưng trên thực tế mỗi buổi có khoảng 80 người tham gia lớp học. Dù có mệt hơn nhưng ông Mun và ông Hoàn vẫn vui vẻ bởi bà con người Thái luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Hai ông còn cho biết thêm, hiện nay huyện Kỳ Sơn và Con Cuông đang đặt vấn đề mở một số lớp phổ biến chữ Thái Lai Pao trên địa bàn. Các học viên tham gia lớp học với đầy đủ các lứa tuổi. Khoá học kéo dài trong thời gian một tháng nên dù công việc cuối năm khá bận rộn nhưng mọi người vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đến lớp đều đặn. Em Kiều Thị Chóm (bản Na Ca, xã Nga My) tâm sự: "Nghe nói dân tộc Thái còn có chữ viết, lớp học tổ chức tại xã nên em đăng ký tham gia để về dạy cho các em, góp phần nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc".

Trao đổi với anh Lương Bá Vin, Trưởng phòng VH-TT huyện Tương Dương, anh cho biết thời gian tới huyện sẽ tiếp tục mở các lớp phổ biến chữ Thái Lai Pao ra các xã. Nhưng khó khăn nhất vẫn là kinh phí bồi dưỡng cho các giảng viên và in ấn tài liệu cho học viên... Vì thế, huyện rất mong được sự hỗ trợ kinh phí của các cấp, các ngành liên quan.


Công Kiên