Mùa măng nứa Nam Sơn
Chủ tịch xã Nam Sơn (huyện Quỳ Hợp) Lương Văn Long quả quyết với tôi rằng từ tháng Tư âm lịch đến nay tính "khiêm tốn" thì bà con trong xã cũng đã thu được trên một tỷ đồng tiền bán măng khô.
|
Nam Sơn có 5.800ha rừng tự nhiên. Sau cả một quá trình tuyên truyền vận động, năm 1995 tình trạng phát rừng làm rẫy mới thưa dần và đến năm 2000 thì mới hoàn toàn chấm dứt, từ đó đến nay rừng Nam Sơn mới trở lại màu xanh và bắt đầu "tri ân" dân bản. Ngoài những cái lợi khác thì các cánh rừng xanh những nứa ấy bắt đầu cho những mùa măng mà sản lượng thu hoạch năm sau luôn nhiều hơn năm trước.
Rừng ở Nam Sơn đã được chia cho từng bản và từng hộ dân nên việc lấy măng cũng mặc nhiên trở thành quy củ, bà con bản Quảng, bản Khiết lấy măng ở Pu Huống; bản Cha Hang lấy măng ở Pu Còn; bản Tăng lấy măng ở rừng Khe Cọ... Những cánh rừng gần thì bà con đi lấy rồi mang về luộc phơi trong ngày, còn những cánh rừng xa thì bà con đi thành tốp từ 5 đến 10 người mang theo gạo muối và dựng lán trong rừng 4 đến 5 ngày mới cõng măng khô về luôn một thể.
Do đất rừng ở Nam Sơn phì nhiêu nên so với măng nứa ở nơi khác thì măng nứa ở Nam Sơn thường to hơn và cùi dày hơn vì vậy rất được giá. Suốt mùa măng này giá măng khô được thu mua tại các bản trong xã luôn ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg, dịp thời tiết thuận lợi thì một người một ngày vào rừng hái măng thu về một trăm ngàn đồng.
Cao Duy Thái