"Thợ" leo... cau

09/10/2009 10:25

Quê tôi, những người có thói quen ăn trầu đã dần thưa vắng. Những vườn cau tươi tốt, trĩu buồng không ai buồn hái. Bởi hái bán chẳng ai mua, chỉ vào dịp lễ tết, cưới hỏi hay tang ma may chăng mới cần đến một ít gọi là tượng trưng.

Nhưng hầu như không nhà nào nỡ đốn hạ vườn cau, bởi ai cũng nghĩ rằng vườn cau có tự bao đời, là "di sản" của ông bà để lại nên phảng phất ý vị thiêng liêng. Hơn nữa, cây cau vươn cao, chiếm phần diện tích đất không đáng kể, lại điểm tô vẻ đẹp của cảnh vườn nhà, làng mạc một sắc màu cổ kính. Cau cứ sai buồng, trĩu quả mà không ai hái, bẹ cau khô rơi lả tả xuống vườn. Thế rồi, vài năm gần đây, có những người từ xa đến mua cau...


Họ đến từ các huyện vùng xuôi (Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương) lên mạn Anh Sơn tìm mua cau. Phương tiện hành nghề của họ là chiếc xe máy có gắn giá chở hàng bằng sắt và sợi dây thừng để rong ruổi khắp làng này qua xã khác. Từ xa, thấy nhà nào có vườn cau đẹp, họ thường phi thẳng theo hướng đó. Họ mua cau với giá khá rẻ, 10 kg cau tươi chỉ nằm ở mức giá từ 8.000- 10.000 đồng. Ban đầu, một số người làng định không bán, bởi cau giá rẻ thế, thà để trên cây mãi đến lúc tự nó rơi rụng còn hơn! Nhưng rồi, bằng "tài nghệ" cần có, người mua cau từng bước thuyết phục được những gia chủ khó tính. Buộc sợi dây thừng vào hai cổ chân (ở vị trí sát mắt cá chân) rồi áp vào thân cau, dùng toàn lực leo dần lên tít tắp trên ngọn, nơi những buồng cau non đang đón chờ. Sợi dây thừng ở đây giữ vai trò là "điểm tựa" để tạo sức bật cho người leo cau leo lên từng nấc một. Giữa chừng, nếu quá mệt, người leo có thể tạm dừng để nghỉ lấy sức mà không lo bị hụt hơi hoặc tụt xuống gốc.

Leo lên tận ngọn, với tay bẻ một lúc 2-3 buồng cau rồi ôm "chiến lợi phẩm" tụt xuống. Cứ thế, xuống rồi lại lên, lên rồi lại xuống khắp các cây cau trong vườn. Có những người tài nghệ đến mức từ ngọn cau này dùng tay với tàu lá cau rồi vít ngọn của cây cau bên kia sang, sau đó tìm cách bẻ buồng cau bên ấy. Thậm chí, có người còn vít ngọn cây cau bên kia rồi đu mình sang. Nếu vườn cây trồng tập trung, khoảng cách giữa các cây cau chừng 1 đến 1,5m thì những tay "thợ" leo cau có thể đu lần lượt từ cây này sang cây khác cho đến lúc hết cả vườn cau, trông như một chú khỉ chuyền cành. Từ sân nhà nhìn lên những ngọn cau chót vót, thấy những tay "thợ" này hành nghề, không ít người phải thót tim, nổi da gà và cầu mong cho họ tiếp đất được an toàn. Chứng kiến cảnh này, hầu hết chủ các vườn cau đều nghĩ lại rằng, sở dĩ giá cau "mềm" như thế là bởi công sức của người leo cau đổ ra rất lớn, và đôi khi không khéo sinh mạng còn treo lơ lửng trên... tàu cau.


Bẻ hết vườn này, những tay "thợ" leo cau lại tìm đến vườn khác hỏi mua. Đến lúc mỗi người gom được chừng 300 kg cau sẽ chất lên giá xe, buộc chặt và chở về điểm tập kết. Gom đủ hàng, họ lại chở về tập kết ở Đô Lương, sau đó ô tô chở qua cửa khẩu Lạng Sơn, xuất sang Trung Quốc để chế biến một loại thực phẩm nào đó.


Sau khi tung hoành khắp một vườn cau, Nguyễn Văn Chiến (xã Công Thành, Yên Thành) mệt đừ, nước da tái mét. Anh cho biết, hôm nay thế là còn đỡ, có hôm leo lên bị kiến cắn, o­ng đốt rất đau nhưng vẫn phải nghiến răng chịu đựng để bẻ được vài buồng cau rồi mới tụt xuống phủi kiến, đuổi o­ng. Những hôm trời mưa, thân cau ướt, trơn trượt leo lên rất khó khăn. Có khi tiếp đất thì cũng là lúc áo quần rách bươm, da thịt bầm dập, xây xát vì tiếp xúc quá sát với thân cau. Hỏi chuyện lời lãi, anh trả lời: Hầu hết mọi người đến với "nghề" leo cau không phải vì thích thú, chẳng qua mấy sào ruộng ở quê không nuôi đủ đàn con ăn học nên phải vất vả mưu sinh. Đồng lãi ít nhiều cũng có, nhưng bù vào chi phí xăng xe và công sức leo trèo tính ra chẳng còn được là bao.


Những vườn cau rung rinh trong nắng Thu vàng như nét phác hoạ cho một vùng đất cổ. Chắc cau hiểu hết những nỗi mệt nhọc, vất vả và hiểm nguy của những người "thợ" leo cau này?


Công Kiên