Tết của người Mông ở Đoọc Mạy

12/03/2010 21:11

(Baonghean) - Những ngày áp Tết, lên với đồng bào Mông ở Đoọc Mạy (xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), không khí chuẩn bị đón Xuân mới cũng rộn ràng không kém gì miền xuôi. Những chuyến xe máy chở lá dong, đào đá, phong lan rừng, gà đen, gừng, khoai sọ, rau cải, măng rừng hối hả xuống thị trấn Mường Xén, rối lại hối hả quay về với mắm, muối, mì chính, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt gia đình...

Từ thị trấn Mường Xén vào đến Đoọc Mạy phải mất 60 cây số. Dịp tết, các thương lái cho xe tải vào tận các bản, đổ hàng xuống bán cho người dân rồi quay ra với những đặc sản của núi rừng để bán cho người dưới xuôi lên.


Những cô gái Mông rực rỡ trong trang phục truyền thống. Ảnh: K.L


Tết đến, Xuân về, đàn ông, con trai Mông ở Đoọc Mạy lo sửa sang nhà cửa, mâm cúng tổ tiên, xuống chợ thị trấn mua lương thực, thực phẩm. Nhà nào khá giả hơn thì mổ lợn, làm thịt trâu bò. Đàn bà con gái quét dọn sân vườn, chuẩn bị củi đun, mua sắm quần áo mới cho trẻ con, chọn váy áo, trang sức đẹp nhất dành mặc đi chơi xuân và đón khách quí tới uống rượu, chúc tết gia đình. Nhà nào có con gái trên 15 tuổi thì người mẹ phải chuẩn bị quả còn cho con đi hội ném còn để chọn người thương. Người Mông không gói bánh chưng như ở dưới xuôi, món ăn đặc trưng của họ trong dịp tết chính là bánh nếp. Lúc đầu là gạo nếp hông thành xôi,, sau đó giã nhuyễn, gấp trong lá giong hoặc lá chuối.

Trưởng bản Noong Hán Lỳ Chin Chư chia sẻ: “Nếu như người kinh ăn tết trong 3 ngày thì tết của đồng bào Mông ta kéo dài tới tận 15 ngày (từ mồng 1 đến 15 âm lịch) …Nhưng đối với những hộ nghèo, thiếu đói thì có khi chỉ ăn tết 1-2 ngày là lại đi lên nương, lên rẫy thôi…”

Còn Bí thư Đảng ủy xã Già Chồng Nênh cho biết : Đoọc May có 362 hộ, 1.998 khẩu ở 6 bản với 6 dòng họ chính là: Già, Lầu, Sồng, Thò, Hờ, Lỳ. Ngày tết thông thường người Mông đi chúc tết già làng, trưởng bản trong họ, tiếp đó mới đến bố mẹ, anh em, láng giềng và người các họ khác. Trong những ngày tết, người trong các họ lần lượt đến nhà nhau chơi, uống rượu, chúc tết, hát cự xia mừng năm mới. Trai gái chưa vợ, chưa chồng xúng xính trong những bộ trang phục rực rỡ đặc trưng của người Mông, tham gia hội ném còn, bày tỏ tình cảm qua những bài hát về tình yêu, qua tiếng khèn, tiếng sáo. Thông thường các cô gái ném còn (làm bằng hạt giống) với nhau, các chàng trai đứng ngoài xem. Thấy cô nào vừa con mắt thì nhảy vào bắt còn. Nếu cô gái cũng thuận bụng thì không xin lại còn, không thuận bụng thì sẽ đến xin còn. “Trước đây, con gái Mông ném còn chọn chồng, giờ chỉ chọn người thương thôi. Đang phải học mà…”. Cô bé Già Y Mái (18 tuổi, đang học cấp ba ở Trường Dân Tộc nội trú) mạnh dạn bày tỏ.

Vui nhất trong ngày tết của đồng bào Mông ở Đoọc Mạy là lễ hội chặn trâu, chặn bò, thường được tổ chức vào ngày mồng 2 hoặc mồng 30. Nhà nào có trâu, bò to khỏe thì mang đi thi đấu. Trâu bò thắng cuộc người chủ sẽ được nhận phần thưởng của ban tổ chức. Phần thưởng có khi chỉ là phích nước, bát đũa, kẹo bánh… nhưng bà con các dân bản vẫn hào hứng tham gia. Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn ( toàn xã còn 217 hộ nghèo), thời tiết khắc nghiệt, đường sá đi lại không thuận tiện nhưng đồng bào Mông ở Đoọc Mạy vẫn đón tết trong không khí vui vẻ, đoàn kết, đùm bọc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Khánh Ly