Nỗi suy tư của một "Ông đồ Nghệ"

12/02/2010 18:47

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, mỗi khi tiếp cận với các học phần, chuyên đề và các tư liệu liên quan đến vấn đề tư tưởng phương Đông, văn học Việt Nam trung đại và hiện đại hầu như không một giảng viên hay một tác giả nào không nhắc tới GS Trần Đình Hượu. Điều này buộc chúng tôi không thể không tìm hiểu về con người và trước tác khoa học của ông. Và thật thú vị, càng tìm hiểu người đọc càng bị cuốn hút bởi tầm kiến văn và những kiến giải sắc sảo của "Ông đồ Nghệ" này.

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, mỗi khi tiếp cận với các học phần, chuyên đề và các tư liệu liên quan đến vấn đề tư tưởng phương Đông, văn học Việt Nam trung đại và hiện đại hầu như không một giảng viên hay một tác giả nào không nhắc tới GS Trần Đình Hượu. Điều này buộc chúng tôi không thể không tìm hiểu về con người và trước tác khoa học của ông. Và thật thú vị, càng tìm hiểu người đọc càng bị cuốn hút bởi tầm kiến văn và những kiến giải sắc sảo của "Ông đồ Nghệ" này.

GS. Trần Đình Hượu (1926 - 1995)

Giáo sư Trần Đình Hượu (1926- 1995) sinh trưởng trong một gia đình nhà nho ở làng Võ Liệt (huyện Thanh Chương). Thân phụ của ông thuộc lớp học trò của cụ Phan Bội Châu, một thế hệ nhà nho giàu khí tiết và tâm huyết với thời vận đất nước. Thân phụ mất lúc Trần Đình Hượu mới 14 tuổi. Để ông có điều kiện theo học bậc thành chung ở Huế, thân mẫu của ông phải bán đi những thửa ruộng cuối cùng của gia đình. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Trần Đình Hượu về quê tham gia hoạt động của tổ chức Việt Minh từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp khu và trở thành người lãnh đạo phân hội "Những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác" ở Nghệ An. Sau đó ông được cử đi học tại Trường Đào Duy Từ (Thanh Hoá) để hoàn thiện bậc tú tài. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sau đó được cử đi học hệ dự bị của Đại học Kháng chiến. Nơi đây ông được thụ giáo bởi những người thầy mà nhân cách và uy tín khoa học đã trở nên bất hủ như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh,... Học xong đại học, Trần Đình Hượu được cử về giảng dạy tại Trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An). Sau một thời gian công tác, năm 1959 ông được cử sang Matxcơva (Liên Xô), chính thức trở thành một trong những nghiên cứu sinh triết học thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam mới. Tại Trường đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU), Trần Đình Hượu được hướng dẫn nghiên cứu về đề tài triết học cổ đại Trung Quốc. Sau mấy năm học tập, nghiên cứu, do những định kiến lúc bấy giờ, ông phải trở về nước khi công việc còn dang dở. Do trong nước lúc ấy chưa có các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành triết học, Trần Đình Hượu xin về công tác tại khoa Ngữ Văn- Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu (từ 1963-1993). Suốt 30 năm đứng trên giảng đường, GS Trần Đình Hượu góp phần không nhỏ trong việc đào tạo bao thế hệ học trò xuất sắc, sau này trở thành những tên tuổi lớn trong ngành KHXH.


Đóng góp khoa học của GS Trần Đình Hượu thể hiện trên hai lĩnh vực: Triết học và Văn học.Trong lĩnh vực Văn học, với tư duy của một người làm triết học, ông chọn cho mình hướng xem xét, soi chiếu đối tượng dưới góc nhìn văn hoá. Điều này thể hiện rõ trong công trình "Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại". Khi giới nghiên cứu văn học còn đang lúng túng trong vấn đề định danh giai đoạn văn học 1900- 1930, bằng cách soi chiếu đối tượng dưới góc nhìn văn hoá, GS Trần Đình Hượu nhận thấy giai đoạn văn học này là một sinh thể đang vận động để từng bước hoà nhập vào quỹ đạo văn học hiện đại thế giới và ông gọi nó là "Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời" (tên một cuốn giáo trình của ông). Cách gọi này đã tạo được sự đồng thuận của giới nghiên cứu. Với cách làm này, Trần Đình Hượu đã xác định được căn rễ và tìm ra bản chất của mỗi hiện tượng văn học, từ đó tìm cho mình một cách lí giải chính xác, khách quan. Quan trọng hơn, từ hướng đi này, Trần Đình Hượu đã tìm thấy được những "môn đệ" xuất sắc để thực hiện tiếp những dự định còn dang dở. Đó là những tên tuổi như Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Lại Nguyên Ân...


Trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng và triết học phương Đông, GS Trần Đình Hượu cũng đạt được những thành tựu nổi bật. Ở mảng đề tài này, ông có những công trình "để đời" như "Các bài giảng về tư tưởng phương Đông", "Đến hiện đại từ truyền thống" và các bài tham luận tại các hội thảo khoa học. Qua đó, người đọc dễ dàng nhận thấy sự uyên thâm, quảng bác về tư tưởng phương Đông, đặc biệt là Nho giáo của "ông đồ Nghệ". Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là chuyên ngành ông được đào tạo, lại được hấp thu truyền thống văn hoá "ngang- bằng- sổ- ngay" của gia đình. Trong các học thuyết phương Đông cổ đại, Trần Đình Hượu dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu Nho giáo. Ông chủ trương: "Xem xét Nho giáo trong trạng thái độc lập tương đối với thực tiễn chính trị của mô hình nhà nước chuyên chế" (Trần Ngọc Vương). Tài năng hơn người của "ông đồ Nghệ" Trần Đình Hượu là không để các hệ thống lí thuyết "trở thành màu xám" mà hơn thế, ông còn có khả năng làm cho "cây đời mãi mãi xanh tươi". Nghĩa là thông qua việc nghiên cứu, Trần Đình Hượu đề xuất chủ trương gạn đục khơi trong, vận dụng những khía cạnh hợp lí để xây dựng xã hội hiện đại.


Đề xuất phương châm "Đến hiện đại từ truyền thống", "ông đồ Nghệ" Trần Đình Hượu ra sức tìm hiểu, xem xét các yếu tố cấu thành xã hội và đặt chúng trong dòng chảy nhất quán từ quá khứ- hiện tại- tương lai. Điều đáng nói là công trình này viết cách nay đã trên dưới 20 năm (trước lúc ông qua đời) nhưng những vấn đề đặt ra đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Bài viết "Làng- họ: Những vấn đề của quá khứ và hiện tại", Trần Đình Hượu đã chỉ ra quá trình vận động của hai tổ chức mang tính cộng đồng của cư dân Việt để rồi đưa ra ý kiến về cách ứng xử trong quá trình hiện đại hoá đất nước: "Vấn đề làng xã không chỉ đóng khung trong làng xã. Tổ chức kiểu làng xã, cách làm việc làng... đã ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hoá chung. Cho nên, giải quyết vấn đề làng xã không chỉ là tổ chức lại làng xã, tổ chức lại nông thôn mà còn phải nghĩ đến hậu quả "làng xã" rộng hơn, ngoài làng xã nữa".


Vấn đề gia đình trong xã hội hiện đại lâu nay được giới xã hội học và báo chí bàn bạc khá nhiều. Nhưng từ năm 1989, Trần Đình Hượu có bài viết "Gia đình truyền thống Việt Nam với ảnh hưởng Nho giáo" đã chỉ ra các mối quan hệ và các loại hình gia đình truyền thống và đặt ra yêu cầu tìm hướng đi cho gia đình thời hiện đại.


Trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vấn đề xây dựng mô hình nhân cách cho con người giữ một vai trò quan trọng. Với tinh thần trách nhiệm của một trí thức, "ông đồ Nghệ" đã phân tích các mô hình nhân cách trong quá khứ và khẳng định mô hình nào cũng nhằm đạt đến chân- thiện- mỹ, dù những giá trị này có thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Từ đó ông khẳng định: "Để xây dựng mô hình nhân cách mới, phải tính đến trình độ phát triển của thế giới hiện đại, đến tương lai nước ta, đồng thời cũng phải quan tâm đến những giá trị nhân bản, những giá trị phương Đông, những giá trị dân tộc. Để làm việc đó, không thể không phân tích thấu đáo những mô hình nhân cách tồn tại trong lịch sử..." và "Cũng không thể không chú ý đến những khuynh hướng đang hình thành trong thanh niên ngày nay".


Học trò chúc mừng GS Trần Đình Hượu (người đứng thứ 4 từ trái qua) nhân dịp 60 tuổi


Và trong chiến lược phát triển, chúng ta không thể không lưu ý tới việc tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc dân tộc. Bằng con mắt tinh tường của người nghiên cứu và giảng dạy triết học phương Đông, GS Trần Đình Hượu đã có những kiến giải sâu sắc về văn hoá và bản sắc văn hoá dân tộc qua từng chặng đường lịch sử, mà đặc trưng bao trùm là nét văn hoá của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ở đó, đời sống con người bị chi phối bởi các mối quan hệ gia đình, họ tộc, làng xã và hệ tư tưởng Nho giáo và ít nhiều nhân sinh quan Phật giáo.


Trong hoàn cảnh hiện nay có khá nhiều người bàn về vấn đề "dân trí" và "dân khí". Từ năm 1993, GS Trần Đình Hượu đã tập trung luận giải hai khái niệm này và đặt chúng trong dòng chảy lịch sử dân tộc, từ đầu thế kỷ XX, qua thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới. Có những lúc trình độ dân trí của ta chưa cao nhưng những người lãnh đạo biết tập hợp, phát huy dân khí nên đã lập được những kỳ tích mang tầm nhân loại. Và ông chỉ ra mối quan hệ giữa hai khái niệm này: "... chúng ta cần thấm thía bài học của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh, ba nhân vật lớn tiếp sức nhau chấn hưng dân khí nước ta để có thắng lợi ngày hôm nay. Cả ba đều là những nhân cách lớn. Khai dân trí có lẽ cần đến những đầu óc uyên bác, một đội ngũ trí thức giỏi. Còn chấn dân khí lại cần đến những con người "đặc biệt" mà nhân cách có sức chinh phục, gây lòng tin cho mọi người. Có dân khí mới làm cho dân trí phát huy được sức mạnh, đồng thời tránh được những chao đảo trước hoàn cảnh...". Bên cạnh Nho giáo, Trần Đình Hượu cũng dành nhiều quan tâm tới Phật giáo. Nghiên cứu từ góc độ tư tưởng và đạo đức học, GS Trần Đình Hượu đề xuất việc ứng dụng nhân sinh quan nhà Phật vào cuộc sống hiện tại.


Ngót 15 năm GS Trần Đình Hượu đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những suy tư, trăn trở, thậm chí là nỗi khắc khoải của ông hãy còn đó và rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm và tìm cách giải quyết. Để thay lời kết, xin được dẫn lời PGS-TS Trần Ngọc Vương, một học trò xuất sắc viết về thầy của mình: "Không bao giờ đặt mình vào vị trí một nhà tương lai học, vậy mà ông lúc nào cũng đau đáu tới tương lai. Chính một thái độ sống như thế đã khiến Trần Đình Hượu, ít nhất cho đến những năm tháng này, vẫn đồng hành với rất nhiều thức giả, với nhiều hơn nữa những ai muốn sống thực và nỗ lực để hiểu cuộc sống của mình, để hiểu "cuộc sống quanh ta".


Bùi Công Kiên