Râm ran miền chè Gay

05/08/2009 17:54

(Baonghean) - "Từ xưa đến nay, chè Gay chưa bao giờ bị ế. Dân buôn vào tận vườn để mua, còn ra chợ thì giành nhau bằng hết". Ông Cao Xuân Đào, một người trồng chè lâu năm ở xóm 4 (Cao Sơn) vừa mời chúng tôi bát chè Gay thứ thiệt, đặc sánh, ngọt tê đầu lưỡi vừa khoe một cách tự hào.

Quả thật, từ quốc lộ số 7, rẽ qua đất Lĩnh Sơn, gập gềnh trên con đường rải nhựa cấp phối mới mở để vào đất Cao Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), thấy 2 bên miên man những ngọn đồi lúp xúp là mượt mà chè xanh, xe tải, xe máy nối nhau nặng trĩu chè đi ngược lại, mới thấy lời ông Đào quả không ngoa chút nào.


Nhờ vườn chè Gay, chị Trần Thị Phương (xóm 4- xã Cao Sơn) có đủ tiền nuôi 2 con học đại học

Gập gềnh xứ chè

Bây giờ, vị chè Gay đã trở thành một đặc sản của xứ Nghệ. Nhưng để bám rễ vươn mầm, hưởng sương gió, hợp với thổ nhưỡng của đất Cao Sơn để dâng cho đời vị ngọt chát đậm đà, cây chè xứ này cũng qua không ít tao đoạn thăng trầm. Các cụ cao niên của xứ chè cũng không nhớ đất Cao Sơn đã bén duyên với chè, hay chè tìm đến với xứ đất đồi cằn cỗi này để góp chút tình quê cho người đi xa vẫn quay quắt nhớ về. Chỉ biết, ở Cao Sơn bây giờ vẫn có nhiều vườn chè lên đến 40-50 tuổi, và cây chè giờ đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ đồi.

Xưa, 4 xã Cao Sơn, Tào Sơn, Lĩnh Sơn, Lạng Sơn vốn là vùng kinh tế mới, dân các nơi trong huyện đã về đây lập nghiệp trên vùng đất quanh đi quẩn lại vẫn đất đồi hoang hóa, gần như không có lấy một nếp nhà. Trồng được cây lúa lúc đó là cả canh bạc với ông trời. Người Cao Sơn cũng đã tìm đủ cách để mưu sinh, rừng núi nhiều, nhưng "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt", đó không phải là hướng đi lâu dài. Đất Anh Sơn vốn là đất chè, vậy nên người Cao Sơn thủa đó cũng tìm ra vùng ngoài, lấy giống chè về trồng trên đất mình. Chè chỉ được trồng một cách duy nhất từ thời cha ông cho đến giờ vẫn vậy, đó là trồng bằng cách đúc nọc (chọc lỗ tra hạt). Trồng được cây chè ngày đó còn biết bao nhiêu cực khổ. Đất đồi cằn cỗi hạn triền miên, chỉ có cây dại chen chúc. Phải đi thật xa, qua truông, qua hói cả nửa ngày đường mới có chỗ bạt cây, bập lưỡi cuốc vào đất đồi tóe lửa để làm rãnh cho hạt chè yếu ớt chào đời.

Làm chè cực vậy, nên mới có câu: Ai ơi chớ lấy chồng Gay / Cơm đêm 2 bữa, cơm ngày thì không. Bởi đi vào vùng đồi từ lúc trời chưa sáng, về đến nhà thì cũng đỏ đèn từ lâu, có mấy khi người Cao Sơn xưa ăn được bữa cơm lúc trời còn ánh sáng tại nhà mình. Nhưng đúng là đất không phụ công người, cây chè lên với vùng đất này, hợp với thung thổ, khí trời hay sao đó mà đã tạo nên một hương vị thật khác lạ, thật riêng, chỉ có chè Gay mới có. Đi ra khỏi đất Cao Sơn, vị chè đã chuyển khác. Giống như cây cam Xã Đoài, chỉ ở vùng đất đó, cam mới thơm ngọt đến vậy. Cây như đã bén duyên người, hay nhờ tình người nên cây thơm thảo ?


Một hàng chè Gay 4 năm tuổi.


Đến bây giờ, toàn xã có diện tích tự nhiên 2.611 ha, có 228 ha trồng lúa thì đã có đến 387 ha chè (trong đó chè xanh là chủ yếu), hàng năm, lại thêm chừng 20 ha chè nữa được trồng mới. Đồng chí Mai Vương Minh, bí thư Đảng ủy xã không giấu chút tự hào : "Nói thật với các anh, nhờ cây chè, số hộ nghèo (theo chuẩn mới) xã chúng tôi hiện nay chỉ còn 21,7% (riêng 2008 giảm được 4%). Kinh tế xã đến 70% làm nông, lâm nghiệp. Riêng thu nhập về chè xanh bó (còn gọi là chè thực phẩm) lên đến gần 7 tỷ/năm. Mỗi ngày, người Cao Sơn xuất bán cho tư thương tứ xứ từ 8-10.000 bó chè với giá tại gốc 3-4.000 đồng/bó, mà nhiều khi không có để bán". Cũng bởi vậy, mà cây chè thực sự đã "lên đời" trên đất Cao Sơn. Toàn xã có 1062 hộ/1223 hộ làm chè. Có 53 hộ trồng trên 1 ha chè, rất nhiều hộ trồng trên dưới 0,8 ha.

Thương hiệu miền đất đồi

Bây giờ Cao Sơn thường xuyên có 4 xe tải lớn chuyên chở chè đi các vùng xa, có khoảng 27 hộ người Diễn Châu, Yên Thành luôn túc trực để "săn" chè, chè vừa bẻ khỏi cành, chưa ráo nhựa đã được chất lên xe đến với những nơi thèm vị chè Gay. Ngày nào cũng có chè xuất bán, nhưng ngày nào cũng thiếu chè bán. Đó là niềm vui từ mồ hôi chát mặn của người làm chè.


Cán bộ kỹ thuật huyện và người dân Cao Sơn đang bàn cách phát triển cây chè.

Ông Cao Xuân Đào, hiện đang có vườn chè được trồng từ năm 1982, là người có ông cố lên lập ấp trồng chè từ những năm 1945. Ngày đó, cây chè được đưa xuống Động Bến, lên thuyền của các thương lái xuôi về Sa Nam (Nam Đàn), rồi theo dòng Lam đi xa hơn nữa. Ông Đào kể rằng, thực ra, cách gọi chè Gay bắt nguồn từ ngày xưa, chè của Cao Sơn chuyên đưa xuống chợ Gay (thuộc đất Lĩnh Sơn) để bán, bởi ở đó có bến thuyền, dễ cho việc chuyên chở, giao thương. Mà chợ Gay thì chỉ duy nhất trên trời, dưới chè, nên chè Cao Sơn đã "chết" tên chè Gay từ đó. Mà người tiêu dùng cũng chỉ chăm chăm tìm đến với chè Gay mà như đã lãng quên đi đất Cao Sơn, vùng đất đã một nắng hai sương để làm ra loại chè trứ danh đó.

Như đã nói, cây chè xanh Cao Sơn từ xưa đến nay chỉ có một cách canh tác là chọc lỗ, tra hạt. Chè Gay không ươm cành bao giờ, dường như cây chè phải trải nghiệm một cuộc đời cây đúng nghĩa từ lúc chào đời bằng hạt mầm nhỏ nhoi mới có thể cho vị ngon đến vậy. Mỗi năm, cây cũng chỉ cần 2 lần làm cỏ, đào rãnh, bỏ phân. Đến hạn, bà con lại làm tràng cội (loại bỏ những cành không hiệu quả) cho cây. Năm thứ 3, từ lúc gieo hạt, chè bắt đầu được thu hoạch thường xuyên. Cây chè cũng rất đỏng đảnh, bắt người thu hoạch chỉ được dùng tay bẻ cành, không được dùng dao liềm, như là cây không muốn bị đau, chỉ có bàn tay người chăm bón mới được tách những cành, những lá ra khỏi thân cây chè mẹ. Vị chè Gay đã thơm, ngọt, lá cây chè Gay cũng khác. Mỗi phiến lá đều to, óng mượt, gấp lại thì rất giòn và dễ gãy gập.

Ngọt vị chè quê

Để có nồi chè Gay ngon, trước hết, người ta chọn thứ lá chè dày và mơn mởn (không già quá mà cũng không non quá). Nếu già quá thì nước bầm đen trông không ngon, không thơm. Nếu chè non quá thì nước chóng nhạt, không đượm. Nước nấu chè phải là thứ nước tinh khiết của trời. Thường là nước mưa hay nước giếng khơi thì nước chè mới xanh, mới thơm ngọt. Nấu chè thường dùng nồi bù hay ấm đất.


Bí thư đảng ủy Mai Vương Minh, người "nặng lòng" với cây chè:" Tôi luôn cố gắng để chè Gay có thương hiệu được đăng ký !". Ảnh: Trần Hải

Nhận chè vào phải đúng kỹ thuật, không vò nát chè, mà cũng không để nguyên lá chè vì lâu ngấm mà phải vò nhè nhẹ, tỉa nhặt những lá vàng, lá sâu. Nấu lửa đỏ đều, không to quá mà cũng không nhỏ quá. Phải dùng thứ củi nấu không mùi lạ như: củi bạch đàn, củi xoan đâu, củi tre...Khi nồi nước chè đã sôi, lấy gáo dừa nhận chè cho chìm xuống, sau đó đổ thêm vài ba gáo nước lã vào rồi hạ lửa, ít phút sau sẽ có ấm nước chè vừa chát, vừa thơm, vừa nóng, vừa xanh.

Những người nghiện nước chè xanh thường nói vui là uống nước "năm cho", nói trệch là "năm trò" tức là: cho chát, cho xanh, cho thơm, cho nóng, cho vui. Nước chè ngon là nước uống vào lúc đầu nghe chát, chốc ngấm vào thấy ngòn ngọt, có màu xanh nái trông thật sướng mắt, thật khoái miệng, thoảng hương chè tươi thơm ngái khá hấp dẫn. Khi uống phải đông mới vui, vừa uống vừa chuyện rôm rả. Người nghiện chè xanh sáng sớm chưa ăn gì, chỉ uống 3 - 4 bát rồi đi làm việc. Người đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, họ pha mật mía với chè xanh đặc uống vào thấy khoẻ ngay, nếu có điều kiện hơn cho thêm một thìa mật o­ng thì như một “thần dược” vậy.

Rời Cao Sơn. Tạm biệt xứ chè Gay, chúng tôi vẫn nặng lòng với tâm sự của những người tâm huyết với cây chè đã thành hương vị riêng của xứ Nghệ: " Vẫn rất muốn phát triển chè hơn nữa, nhưng vốn đầu tư ít quá. Ngay như để xây hồ đập nhỏ giữ ẩm các đồi chè chúng tôi cũng chưa có kinh phí. Xã cũng đang đề nghị huyện xây dựng thương hiệu chè Gay, để có thể đóng gói, tạo mẫu mã thương hiệu hàng hoá, bảo quản hương vị, đưa chè Gay đến những vùng xa hơn".

Nhìn những đồi chè trải dài trong nắng chiều hôm, tôi chợt nghĩ, cây chè Cao Sơn đã cho đời vị chát, vị thơm, dâng hết tinh túy của một đời cây, đã góp phần nuôi sống biết bao người, nay chè đang muốn người đặt tên, định hình lưu giữ cho chính sự hy sinh lặng thầm đó.

Trần Hải - Có tư liệu của Nguyễn Công Hiền