Để sống đúng là người lính cụ Hồ

07/07/2010 17:24

(Baonghean) - Bước đi khó nhọc vì một chân của ông đã gửi lại chiến trường, vậy nhưng gần mười lăm năm qua bằng tâm huyết của một người lính cụ Hồ ông đã đi nhiều nơi, gõ cửa nhiểu cơ quan để tìm quyền lợi cho những người kém may mắn…

Sau gần năm năm vào B chiến đấu và trải qua những tháng ngày gian khổ ở nhà tù Đà Nẵng, Phú Quốc, tháng 3/1973 cựu tù mang bí danh 1085 Lê Văn Long được trao trả tại bến sông Thạch Hãn và trở về địa phương với chiếc chân trái bị mất vĩnh viễn.

Bác Long (thứ nhất, trái sang) với đồng đội ở Ban liên lạc Chiến sỹ
bị địch bắt tù đày.


Về quê lúc đó ông rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân bị thương tật không có công ăn việc làm, vợ cũng là thương binh, sức khỏe không đảm bảo. Vậy nhưng, với tố chất của một người lính cụ Hồ, bản lĩnh của một người cựu tù đã "vào sinh ra tử" nhiều lần ông quyết tâm làm giàu ngày trên mảnh đất Hưng Đạo (Hưng Nguyên) - quê hương của mình. Không có vốn, ông bắt đầu bằng nghề thợ xây - cái nghề vốn quá vất vả với một người không lành lặn như ông.

Vậy mà, bền bỉ 20 năm trong nghề, từ làm thợ ông trở thành một người chủ xây dựng có uy tín với nhiều công trình có giá trị. Không dừng lại ở đó, khi công việc đã bắt đầu ổn định, con cái trưởng thành ông bất ngờ chuyển hướng, từ chủ thầu xây dựng sang phát triển trang trại. Đến nay, trang trại của ông với gần 100 con lợn nái, 400 con lợn thịt và hơn 1,2 ha ao cá.

Nói về công việc mới này, ông Long vui vẻ: Làm nông tuy vất vả hơn nhưng được cái gần ao, gần hồ mát mẻ. Với lại, làm việc này tôi chủ động dành thời gian để làm nhiều việc khác.

"Việc khác" mà ông nói đến thực ra lại là một việc rất có ý nghĩa. Vốn là một người lính, điều ông xót xa nhất là những đồng đội, đồng chí của mình đã ngã xuống bao nhiêu năm nay nhưng chưa được nhà nước ghi công.

Đó là trường hợp của ông Lê Công Thông, Lê Lương, Phan Nghinh... đều quê ở huyện Hưng Nguyên, có tên trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Nguyên, có tên trong Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh...nhưng đã hơn 70 năm chưa được nhận chế độ, chưa được công nhận liệt sỹ... Trước những điều trớ trêu này, ông "năm lần bảy lượt" gõ cửa nhiều cơ quan để làm thủ tục, lấy hồ sơ nhân chứng, chụp ảnh, nhờ những người có uy tín "lên tiếng" để đòi quyền lợi cho các thân nhân liệt sỹ. Qua bao nhiêu vất vả vì trắc trở, đến năm 2004, những đồng đội nói trên của ông đều đã được công nhận là liệt sỹ .

Có những kết quả đầu tiên, ông càng được nhiều bạn bè cũ tin tưởng, gửi gắm. Ngoài đi làm chế độ chất độc da cam, chế độ thương binh cho đồng đội, trên cương vị là Phó Ban liên lạc Chiến sỹ bị tù đày huyện Hưng Nguyên, ông đã cùng với các đồng chí của mình tổ chức để các cựu tù được gặp gỡ, lập hồ sơ để được nhận kỉ niệm chương, nhận chế độ. Không dừng lại ở đó, ông tích cực làm tự thiện. Những năm qua ông đã ủng hộ cho địa phương hơn 10 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ nhiều gia đình thương binh, có con bị nhiễm chất độc màu da cam.

Làm nhiều nhưng ông ngại nói về mình, dù ông đã nhiều lần được đi dự Hội nghị điển hình người có công, đi đự Đại hội điển hình thi đua yêu nước, được Bộ Lao động- Thương binh và xã hội tặng bằng khen.

Với ông, được sống, được khẳng định mình, được giúp đỡ bạn bè chính là lẽ sống của người lính cụ Hồ hôm nay.


Mỹ Hà