Người trồng hoa và cách nhìn mới
Có thể khẳng định sau Thành phố Vinh, nhiều địa phường như Thái Hòa, Đô Lương bây giờ cũng không kém gì về thú chơi cây cảnh. Ông Phạm Đình Thanh ở khối 8, thị trấn Đô Lương là bộ đội phục viên nay về hưu cũng đã bộc bạch về nỗi niềm đam mê nung nấu cháy bỏng với thú chơi cây cảnh đã vài chục năm nay. Căn nhà nằm sâu trong lối nhỏ như lộng lẫy thêm bởi gần 100 cây cảnh trong vườn. Bộ sưu tầm cây cảnh của anh có Lộc Mưng, Sanh, Đa Liễu, Cần Thăng... Nhiều cây Lộc Mưng khá đẹp, hình dáng cân đối và theo như lời kể của ông thì không dưới 30 triệu đồng, cây ít cũng vài ba triệu.
Vườn hoa cúc của ông Trần Sỹ Ngọc. Ảnh: Nguyễn Minh Thảo |
Nhà vườn Hội sinh vật cảnh thị trấn Đô Lương có khuôn viên trên 2.000 m2 cũng đang sở hữu trên 200 cây cảnh nghệ thuật và hàng nghìn cây giống. Vườn cảnh được Hội giao khoán cho 4 hộ hội viên. Ông Trần Đức Quang - Hội trưởng Hội sinh vật cảnh thị trấn Đô Lương cho biết rất nhiều cây trong vườn cảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng. Các hội viên không những thỏa mãn niềm đam mê với thú chơi cây cảnh mà còn có thêm được nguồn thu nhập đáng kể từ 20 đến 40 triệu đồng/năm. Riêng hội trưởng cũng đã có bộ sưu tập 5 cây Sanh, có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Còn tại doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trang trại An Lương, mùa xuân này vườn ươm cao su giống gần 10.000 cây đã ở độ tuổi 1 năm, nay đã ghép xong nay chuẩn bị cho trồng cao su vụ xuân cung cấp cho thị trường Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp. Gần 1.000 bầu ươm tiêu, gần 6.000 cây ngâu, các loại hoa theo mùa, các loại cây cảnh cũng đang ở độ tuổi xuất bán. Doanh nghiệp vừa góp một lượng cây cảnh như cau vua, cau trắng, hoa ban tím không nhỏ làm đẹp cho khu đô thị vườn xanh Nam thị trấn Đô Lương với tổng giá trịhàng trăm triệu đồng.
Thú vui cây cảnh là thú vui tao nhã, văn nhân. Là thú vui của những người yêu thích cái đẹp vừa góp phần tô điểm cuộc sống gia đình và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ công trình văn hoá khác với trước đây niềm đam mê về thú chơi cây cảnh đã đến trong cả người giàu, người nghèo, người trong độ tuổi lao động, cả hết tuổi lao động.
Khi cuộc sống của đa số người dân đã đủ đầy, cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo và nhất là khi Thái Hoà đã bước vào năm thứ hai đón tết kể từ ngày lên thị xã thì chơi hoa đã thành một nét văn hóa của dân phố núi bởi vậy có người cho rằng "phi thương bất phú" nhanh hơn cả vẫn là dịch vụ hoa tết.
Tuy nhiên từ vài năm nay, bên cạnh những người dịch vụ hoa thì cũng đã có nhiều nhà vườn ý thức được việc mở ra nghề trồng hoa, làm cây cảnh mới là cách đón đầu đô thị ăn chắc và mang tính bền vững. Nếu một thời người ta chỉ nghĩ đến hoa nhập của ngoại tỉnh từ đào Nhật Tân, quất Hà Tây, Nam Định hay có cả mai vàng miền Nam ra thì bây giờ đào núi, hoa đồng tiền, hoa cúc... trồng tại các làng ven thị xã Thái Hoà lại tỏ ra ngày càng được nhiều người ưa chuộng, về phía đa số người tiêu dùng thì có thể vì giá cả hợp với túi tiền hơn hoa dịch vụ và lại được mua tại vườn, khách hang tùy ý lựa chọn. Về phía người sản xuất thì luôn có hoa tươi không chỉ tết đến mà những ngày rằm, mồng một hàng tháng, sinh nhật, lễ hội khai trương nhà hàng, khách sạn, công ty...đều có cầu là có cung. Theo hội làm vườn thì Thái Hòa giờ đã có dăm ba chục người làm hoa nhưng nếu nói về thâm niên thì còn rất ít, một trong số đó là ông Trần Sĩ Ngọc ở Nghĩa Thuận, nơi được coi là sớm đưa cây rau màu và hoa vào cơ cấu cây trong vụ đông có giá trị kinh tế cao. Ông Ngọc đã có trọn 10 năm trồng hoa bằng sự mày mò, học hỏi, để tìm cho mình một cách làm phù hợp mang tính bền vững. Mấy năm trước ông chỉ chuyên đưa cúc Đà Lạt ra, cây giống mua về được trồng vào cuối tháng 9, đầu tư chăm sóc nhẩm tính từng ngày, có niềm vui mong đợi mà cũng có cả những nét lo âu bới có thể trúng mùa thắng đậm nhưng cũng có thể chịu thất bát, lỗ lớn. Năm 2006 là năm thắng lợi so với các năm trước, ông đã thu được gần 100 triệu đồng nhưng năm 2008 với 15 vạn cúc chỉ có 6 vạn là bán được, chỉ thu được 28 triệu đồng vì hoa nở không theo ý mình, lý do là khí hậu Đà Lạt so với vùng Thái Hòa có sự khác biệt nhau trong mùa đông, ngược lại thời tiết của phía Bắc lại gần với điều kiện ở đây hơn mà người trồng hoa hiện nay chủ yếu là vẫn dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa thể ứng dụng các tiến bộ khoa học vào nghề trồng hoa như ở Đà Lạt. Từ ý nghĩ đó, ông đã chuyển hướng là đưa hoa từ Tây tựu Hà Nội về, trong 10 vạn cây cúc giống thì có hơn 2 vạn là cúc đại đóa, loại này đang được thị trường ưa chuộng, ngoài ra là cúc 7 màu.
Người trồng hoa cũng nhận ra một điều rất cơ bản, đó là trồng hoa làm kinh tế, kinh nghiệm là chưa đủ mà phải có kiến thức khoa học từ việc chọn giống, xác định thời vụ trồng, loại phân bón, sử dụng chất kích thích sinh trưởng và cho hoa nở lúc nào mình mong muốn... Một cái mới đối với ông Ngọc là phải nghiên cứu thị trường, để luôn theo dõi các thông tin về loại hoa, giá cả từng thời điểm đặc biệt là phải gắn việc sản xuất với quan hệ các đại lý như Quỳnh Lưu, Diễn Châu.. Ông bảo "rồi nghề trồng hoa cũng phải liên kết 3, 4 nhà như các loại nông sản hàng hoá khác.
Lương Mai - Lê Định