Đặc sản miền Tây xứ Nghệ: Sa nhân

17/09/2010 10:59

Cây dương xuân sa tên khoa học là Amomun Villosum, thuộc họ gừng nhưng lại có quả, gọi là xác sa. Trong quả có hạt giống như viên sỏi nên gọi là sa nhân.

Đất rừng Nghệ An tươi xốp, nhiều nơi có pha lẫn chất bazan, rất thích hợp cho sự sinh trưởng của cây dương xuân sa. Trong những khu rừng già thường mọc lưu niên nhiều dương xuân sa có chất lượng cao. Tuy nhiên, ta khó mà thu hái được thứ quả đó. Trước kia chỉ có đồng bào Mông và đồng bào Thái là quen với công việc này. Mùa thu hoạch là từ nửa đầu tháng bảy cho đến cuối năm âm lịch. Gần đây người ta đã trồng nhiều dương xuân sa ở các nương rẫy. Cách làm là tách nhánh từ cây chủ đem về trồng như trồng dâu, trồng mía.

Sa nhân hái đem về nhà là phải phơi ngay để chất lượng được bảo đảm, nếu gặp mưa thì phải sấy.

Sa nhân loại hạt to, mẩy, lúc đã phơi khô thì cứng, không bị nhăn nheo, màu nâu sẫm như hạt cau và có vị cay nồng là loại tốt nhất.

Người phương Tây cũng dùng sa nhân làm gia vị trong các loại bánh, các thức ăn cao cấp và pha chế rượu mùi. Các nhà y học cổ truyền tìm thấy trong sa nhân khả năng bổ thận, kiện tỳ, trừ sâu răng, rất lợi cho tiêu hóa.

Trước đây, hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng từ 250 đến 400 tấn hạt sa nhân. Cùng với nước ta, sa nhân có ở trong rừng của các nước Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Ấn Độ. Tại Trung Quốc, ở Hải Nam và Phúc Kiến cũng mọc nhiều thứ cây này, họ gọi là thổ sa nhân.

Sản xuất và thu hái được nhiều sa nhân, chúng ta sẽ có thêm lợi thế trong xuất khẩu, cung cấp sản phẩm cho thị trường phương Tây.


Chu Trọng Huyến