Trường Sa – mong ngày gặp lại

15/03/2010 17:40

Đã mấy năm trôi qua, kể từ lần đầu tôi đặt chân lên quần đảo Trường Sa đi hướng dẫn học viên hàng hải thực tập, giờ đây, khi con tàu đang rẽ sóng hướng ra biển lớn, cảm giác lâng lâng khi được đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ Quốc như ngày nào đang trỗi dậy trong tôi…

(Baonghean) - Đã mấy năm trôi qua, kể từ lần đầu tôi đặt chân lên quần đảo Trường Sa đi hướng dẫn học viên hàng hải thực tập, giờ đây, khi con tàu đang rẽ sóng hướng ra biển lớn, cảm giác lâng lâng khi được đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ Quốc như ngày nào đang trỗi dậy trong tôi…

Từ quân cảng Nha Trang, trên con tàu HQ-640, chúng tôi đã có một cuộc hành trình đầy thú vị và ý nghĩa: Cuộc hành trình đến với Trường Sa thân yêu. Những gì được trải nghiệm, được tận mắt chứng kiến khiến tôi luôn xúc động, tự hào về sự rộng dài hùng vĩ của biển trời quê hương yêu dấu, về Trường Sa và những người lính kiêu hãnh, hiên ngang nơi địa đầu Tổ quốc.

Đảo chìm Đá Nam.


Đúng 09h, sau ba hồi còi dõng dạc, con tàu chia tay thành phố Nha Trang, hướng ra biển, đưa các học viên năm thứ 3 chuyên ngành hàng hải của Học viện Hải quân đi thực tập kết hợp đưa một số mặt hàng ra đảo. Tất cả chúng tôi đều hồi hộp hướng về phía trước, ngoài ấy là Trường Sa.

Điểm đến đầu tiên của cuộc hành trình là đảo Song Tử Tây, hòn đảo án ngữ phía Bắc quần đảo Trường Sa yêu dấu. Sau đợt áp thấp nhiệt đới, biển vẫn còn động mạnh. Liên tục những con sóng lừng chồm vỗ nơi mạn tàu, tung hoa trắng. Gần hai ngày đêm, vượt qua hơn 300 hải lý với bao khó khăn, vất vả, chúng tôi đã đến được Song Tử Tây. Nhìn từ xa, Song Tử Tây giống như một chiếc đĩa ngọc hình bầu dục khổng lồ giữa mênh mông sóng nước. Ngọn hải đăng cao vợi, lừng lững hiên ngang. Song Tử Tây đang hiển hiện ngay trước mặt mà chợt thấy háo hức lạ lùng …

Những người lính chờ đón chúng tôi ngay cầu cảng. Cảm giác nồng ấm của đất mẹ ùa về làm tôi lâng lâng, nghèn nghẹn. Sau khi đặt chân lên đảo, mọi người chen nhau chụp ảnh lưu niệm nơi cổng chào, cột mốc chủ quyền của Tổ Quốc. Cảm xúc thật thiêng liêng khi được đứng cạnh cột mốc chủ quyền mà trước đây chỉ thấy trên sách, báo. Sau cuộc gặp gỡ giữa cán bộ chỉ huy tàu, giảng viên và học viên thực tập trên tàu với ban chỉ huy đảo tại hội trường là buổi giao lưu văn nghệ và thể thao giữa tàu và đảo. Kế đến là buổi liên hoan gặp mặt giữa đất liền và đảo thể hiện tình cảm rất nồng ấm như thường lệ mỗi khi có tàu từ đất liền ra…

Cũng như nhiều đảo khác trong huyện đảo Trường Sa, Song Tử Tây có nhiều cây phong ba. Lớp lớp phong ba trỗi dậy vượt ra khỏi những triền cây bão táp, tán bàng vuông vươn mình sừng sững như thách thức với gió trời và biển cả. Phong ba với dáng vẻ vừa cổ kính, vừa phong trần thật kiêu hùng, kỳ vĩ. Tôi tự hỏi, ở đâu ra cái sức sống diệu kỳ, dẻo dai, mạnh mẽ trên cái nền khô cằn đầy sỏi đá?! Phong Ba quả xứng danh là loài cây chúa tể, là biểu tượng của lính đảo Trường Sa. Đến Song Tử Tây, được chuyện trò và tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính, tôi thầm nghĩ, mỗi người lính đảo Trường Sa chính là những cây phong ba bất khuất không sợ gian khó, hiểm nguy, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió để gìn giữ tầng tấc đấc thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia tay đảo Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục đến điểm đảo Đá Nam. Đá Nam là 1 trong 22 hòn đảo chìm tại quần đảo Trường Sa, nằm ở cụm đảo phía bắc. Theo chỉ dẫn của các đồng chí trên đảo, các đảo chìm của Trường Sa đều có diện tích bề nổi gần như nhau: khoảng 300m2 đến 500m2. Cũng như các đảo chìm khác, đảo Đá Nam dành hơn nửa diện tích cho việc chứa các bồn nước bằng Inox để đựng nước mưa. Phần đất ưu tiên còn để trồng rau xanh, chăn nuôi heo. Nhà ở được xây dựng kiên cố, cao ba tầng. Tất cả đồ đạc, lương thực, thực phẩm, máy phát điện, sinh hoạt chung và ăn nghỉ của các chiến sĩ đều trong ngôi nhà này.

Điều chúng tôi dễ nhận ra là đời sống của lính ở đảo chìm này vất vả hơn nhiều so với những đảo nổi. Dẫu vẫn biết ở đảo chìm cá nhiều vô kể, chỉ cần bỏ ra mấy tiếng đồng hồ là có thể kiếm được vài ba chục ký, nhưng cá không thay cơm, thay rau được mãi. Lính Trường Sa, da đen nhẻm vì nắng gió, nhưng riêng lính đảo chìm da ai cũng bóng nhẫy, chẳng thể trộn lẫn vào đâu được. Sống trong những bức tường bê tông vẻn vẹn mấy chục mét vuông, không một bóng cây xanh che chắn, quanh năm suốt tháng lính đảo chìm phải trần mình hứng trọn nắng, gió và thời tiết khắc nghiệt của Trường Sa.

Bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng
của Tổ Quốc


Đảo trưởng tâm sự với chúng tôi: “Cơ ngơi đảo được như hôm nay là quý lắm rồi, chắc chắn lắm rồi, chứ hơn chục năm trước chỉ là những nhà chòi dã chiến chơi vơi giữa biển, chỉ cần sóng to, gió lớn một chút là mọi thứ đều rung lên, nghiêng ngả !”. Chuyện thèm rau xanh đến nỗi đêm nằm mơ thấy “đời toàn rau xanh”, rồi chuyện cá độ: ai thua phải nhượng phần rau xanh ít ỏi trong bữa ăn cho người thắng cuộc…Nghe lính kể mà cười trào nước mắt. Mùa biển lặng là mùa hội, mùa “mong ngóng” của lính đảo chìm. Được đón các đoàn khách từ đất liền ra thăm, nhất là trong đoàn có văn công, có con gái thì cả đảo vui hơn tết. Lính đảo cứ ngắm cứ nhìn như để vợi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ vợ, nhớ người yêu. Trong ngôi nhà chật hẹp giữa biển nước, ngửa mặt chỉ thấy mây, nhìn ra chỉ thấy sóng, có nỗi niềm thầm kín “không thể dãi bày” chỉ biết thả hồn vào những viên đá mồ côi, hay dõi nhìn theo từng con sóng đang chập chờn đuổi nhau về phía chân trời tít tắp…

Công việc hàng ngày của người lính ở Trường Sa rất bận rộn: ngày đêm tuần tra bảo vệ biển, đảo và vùng trời biên cương Tổ quốc, xây dựng các hòn đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Ngoài ra, lính ở Trường Sa còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là giúp đỡ, cứu nạn ngư dân trong bão tố và khi gặp nạn trên biển. Nơi đảo xa, cuộc sống thường ngày của người lính thiếu thốn mọi thứ. Nhưng họ vẫn bình dị, hồn nhiên, tươi trẻ, rèn luyên, chiến đấu và trưởng thành.

Chia tay Trường Sa, tạm biệt những người lính, trong lòng tôi dâng tràn cảm xúc không nói lên lời.

Tạm biệt Trường Sa thân yêu, mong ngày gặp lại !

Nguyễn Thanh Điệp