Nuôi nhím sinh sản cho thu nhập cao

17/03/2010 11:02

Những năm gần đây, ngoài việc phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm nhiều nông dân đã thử nghiệm nuôi một số động vật hoang dã cung cấp thịt cho thị trường, trong đó có loài nhím. Một trong những người dân nuôi thành công giống nhím ở môi trường nhân tạo là anh Lê Văn Nhâm, ở xóm Phúc Sơn, xã Nghi Vạn- Nghi Lộc.

Những năm gần đây, ngoài việc phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm nhiều nông dân đã thử nghiệm nuôi một số động vật hoang dã cung cấp thịt cho thị trường, trong đó có loài nhím. Một trong những người dân nuôi thành công giống nhím ở môi trường nhân tạo là anh Lê Văn Nhâm, ở xóm Phúc Sơn, xã Nghi Vạn- Nghi Lộc.

Được biết năm 2004, nhân dịp ra Ninh Bình thăm bạn bè, anh Nhâm được giới thiệu mô hình nuôi nhím mà bạn anh đã nuôi đạt hiệu quả kinh tế trong nhiều năm liền.

Qua tham quan và được chỉ dẫn cách nuôi tỉ mỉ, anh nhận thấy đây là cách làm kinh tế mới mà mình đang cần tìm. Anh mạnh dạn chọn mua 2 cặp nhím đã sinh sản (trọng lượng mỗi con khoảng 10-12kg/con) đưa về tăng gia sản xuất. Sau một năm nuôi thử nghiệm, 2 cặp nhím bố mẹ đã nhanh chóng thích nghi môi trường, phát triển tốt và đẻ ra 4 cặp nhím con.

Chúng tôi theo anh Nhâm ra chuồng nhím được rào cẩn thận bằng lưới B40; những con nhím đực mỏ dài, đầu nhọn, thân hình thon dài đứng ve vẩy lông cạnh nhím cái có mỏ ngắn, đầu hơi tròn, thân hình quả trám.

Theo anh Nhâm thì nuôi nhím không đòi hỏi nhiều công sức và chi phí, thức ăn của chúng rất phong phú và đa dạng; có thể tận dụng rau, củ quả các loại và bổ sung thêm thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn... tất cả đều ăn sống. Về chuồng trại cũng không cầu kỳ, chỉ cần thông thoáng và đầy đủ ánh sáng, nhím đi ăn phụ thuộc vào chu kỳ trăng, thường là lúc tối trời. Một số nơi vẫn xây hang nhưng anh thì cho rằng muốn thuần hoá chúng phải nuôi trong chuồng. Mỗi chuồng anh nuôi từ 2- 4 con nhím để giữ tập tính hoang dã cho chúng.

Về hiệu quả, một năm 1 con nhím cái đẻ được 2 lứa, trung bình mỗi lứa 1-3 con; trọng lượng khi mới đẻ từ 0,2- 0,3kg/con, nhím con sau 2 tháng là có thể cai sữa, sau 3 tháng là đến giai đoạn vỗ lớn. Nhím lớn nhanh, chỉ 2 tháng tuổi đã nặng 2,5 - 3 kg/con. Mùa sinh sản của chúng thường vào tháng 3, 4 và tháng 10, 11 dương lịch; nhím đực trưởng thành sinh dục sau 1 năm, còn nhím cái sau 14- 16 tháng.

Về kỹ thuật nuôi, anh Nhâm chia sẻ kinh nghiệm: "Nhím thường hoạt động và ăn mạnh vào ban đêm nên cho lượng thức ăn buổi tối nhiều hơn ban ngày. Chúng là loài ăn tạp, dễ nuôi nhưng rất nhát người, không dễ dàng tiếp xúc; khi bị bắt chúng tỏ ra hung dữ, chạy lao thẳng vào tường, không cẩn thận rất dễ bị thương vì vậy tránh bắt trong giai đoạn sinh sản.

Sau mỗi lần phối giống cần bổ sung thêm thức ăn giàu đạm, chất béo; luôn luân chuyển con đực để tránh cận huyết. Chuồng nuôi xây dựng đơn giản (mỗi ô chuồng rộng khoảng 1,5- 2m2), lát nền xi măng, có độ dốc và phải luôn giữ chuồng sạch sẽ, thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng để hạn chế bệnh tiêu chảy. Nhím có nhiều loại như nhím bờm, nhím crốc, chuột nhím nhưng nuôi nhím bờm là phù hợp nhất vì loại này dễ thích nghi môi trường, thịt thơm ngon". Từ 2 cặp nhím nuôi ban đầu đến nay anh Nhâm đã có trong tay 8 cặp nhím bố mẹ, mỗi năm cung cấp cho khách hàng (chủ yếu là ở Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành...) được 16 cặp con giống.

Hiện nay nhím nuôi còn khan hiếm nên anh chỉ bán con giống chứ chưa có nhím thương phẩm; với giá bán 12 triệu đồng/cặp, thu về trên 150 triệu đồng/năm tiền lãi.

Năm nay anh Nhâm dự định sẽ đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để nhân đàn. Bên cạnh đó anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người để cùng làm giàu từ nghề nuôi nhím.


Ngọc Anh