Người của tấm lòng nhân ái

17/08/2010 17:44

Được tin anh Lê Trung Thực, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Dạy nghề và Giới thiệu việc làm nhân đạo Đô Lương (TTSXDN>VL nhân đạo Đô Lương) là đại biểu chính thức tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh sắp tới, chúng tôi lên Trung tâm gặp anh.

(Baonghean) - Được tin anh Lê Trung Thực, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Dạy nghề và Giới thiệu việc làm nhân đạo Đô Lương (TTSXDN>VL nhân đạo Đô Lương) là đại biểu chính thức tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh sắp tới, chúng tôi lên Trung tâm gặp anh.


Anh Thực đang chăm sóc trẻ sơ sinh bị tật mới nhận về.

Vẫn tính cách cởi mở, chân tình nhưng dạo này trông anh đỡ mập hơn. Anh cho biết, anh đang thực hiện chế độ ăn chay được hơn một năm, làm việc nghĩa, thanh thản tâm can theo triết lý của Phật giáo.

Rời bỏ quê hương (thành phố Việt Trì, Phú Thọ năm 1993), vào miền Trung nắng cháy để giang rộng vòng tay nhân ái nâng đỡ những cuộc đời bất hạnh. Bắt đầu từ lớp cắt may dạy tự nguyện cho 20 cháu tật nguyền tại Đô Lương. Tưởng là chỉ có tự nguyện dạy nghề, không biết từ bao giờ bọn trẻ đã cảm hóa được anh và siết chặt tấm lòng thương cảm làm anh không sao dứt ra được. Trên cương vị của người thầy truyền nghề anh đã “nhập vai” người cha để rồi tự nguyện lao động với tất cả năng lực, trí tuệ, từ nghề làm đậu phụ, rồi lượm sắt vụn bán cho các tư thương lấy gạo nuôi các con. Rồi những sản phẩm các em làm ra, một tay thầy Thực lại giới thiệu, tìm mối hàng, rồi giới thiệu việc làm cho các em. Cảm nhận được tấm lòng cao cả của thầy Thực, năm 2000, theo đề xuất của thầy, huyện Đô Lương đã dành quỹ đất gần 3 ha cơ sở xí nghiệp sản xuất gốm cũ (tại xã Lưu Sơn) để thầy Thực xây dựng cơ sở nhân đạo và cũng từ đây TTSXND>VL nhân đạo Đô Lương ra đời.


Những đưa trẻ bị bỏ rơi, mồ côi đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm.

Cũng đã tròn 10 năm, từ một vùng đất đổ nát hoang tàn, thầy Thực đã xây dựng nên một trung tâm sản xuất dạy nghề và giới thiệu việc làm nhân đạo quy mô bề thế, đẹp, ấm cúng hơn bất cứ trung tâm nào. Thành tích về đào tạo nghề trong 10 năm của Trung tâm cũng thật kính nể: đã đào tạo 550 học sinh nghề may công nghiệp, may dân dụng, 200 em nghề mộc dân dụng- mộc công nghiệp, 150 em học kỹ thuật trồng nấm, 120 em học điện dân dụng, 120 em học tin học… đã giới thiệu việc làm qua đào tạo cho 500 em đi làm tại các KCN, xuất khẩu lao động được hơn 50 người đi các nước Malaixia, Đài Loan, Ấn Độ…

Đặc biệt Trung tâm đã đón và cưu mang gần 60 trẻ sơ sinh mồ côi về nuôi dưỡng. Gần 10 năm, cũng chừng ấy thời gian thầy Thực ngủ chưa ngon giấc. Đêm đêm, khi tiếng trẻ thơ gào khát sữa mẹ thầy lại bổ nhào tới để chăm ẵm, bón ăn. Có những đợt gió mùa về lũ trẻ bị sưng phổi cấp, rồi lại bị tiêu chảy, thầy Thực gầy rạc, teo tóp hẳn đi sau đợt “thức cùng lũ trẻ”. Thầy vui khi lũ trẻ chơi ngoan, đêm đêm lại quanh quần bên thầy đua nhau cùng gọi thầy là “bố Thực”. Bây giờ, thầy đã có thêm bé Linh Tâm, thầy nhận làm con nuôi mà cách đây hơn 3 năm bị bỏ rơi ở bệnh viện Thành phố Vinh. Có thêm niềm an ủi là đứa con nhỏ những dường như thầy Thực vẫn chưa cảm thấy an lòng. Gặng hỏi mãi thầy mới bộc bạch: mình đang có kế hoạch xây dựng nhà xã hội tại Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu) cho các trẻ mồi côi ở dưới xuôi và xây dựng khu an lão, nuôi trẻ mồ côi kết hợp dạy nghề tại huyện Anh Sơn. Tất cả là do mình huy động từ các nguồn đóng góp từ thiện và đã được các cấp đồng tình ủng hộ.


Anh Thực hướng dẫn từng động tác cho các học viên tại lớp học may của Trung tâm,
bé Linh Tâm (góc phải) không rời bố Thực lấy nửa bước.

Thế đó, 47 tuổi, chưa lập gia đình, không có tài sản của riêng mình, với Lê Trung Thực tài sản là trái tim nhân hậu bao dung chở che những mảnh đời bất hạnh. Niềm vui của anh là được ngắm nhìn những nụ cười vô tư từ lũ trẻ và ấm lòng mỗi khi nghe chúng gọi “bố Thực ơi !”.


Hữu Nghĩa- Trần Hải