Sự tích đền Cửa Luỹ
Về Anh Sơn lần này, chúng tôi tìm đến cụ Nguyễn Sỹ Tá (80 tuổi), xã Hoa Sơn để tìm hiểu sự tích đền Cửa Luỹ.
Theo lời cụ Tá, ông bà xưa kể lại rằng, vào thời khởi nghĩa Lam Sơn, khi nghĩa quân Lê Lợi theo đường thượng đạo tiến vào Nghệ An, tức tốc hạ thành Trà Lân (xã Bồng Khê, Con Cuông ngày nay) rồi cử một vị tướng (không nhớ rõ danh tính) chỉ huy một đạo quân vượt sông Cả xuống đóng quân tại vùng núi Kim Nhan (huyện Anh Sơn ngày nay). Đây là một vùng hiểm yếu với núi đồi bao quanh, lắm khe nhiều suối, chỉ có một số ít cửa ra vào, trong đó Cửa Luỹ là vị trí quan trọng nhất.
Mặt tiền đền Cửa Luỹ. |
Lúc bấy giờ, do đường hành quân gian nan, cuộc sống thiếu thốn, phải chiến đấu liên miên với kẻ địch, lại không hợp với thuỷ thổ nơi đây nên quân lính bị ốm đau nhiều, doanh trại thường xẩy ra dịch bệnh.
Dưới trướng của vị tướng quân có một nữ y hết lòng thương yêu binh sỹ, ra sức chăm lo cứu chữa và bảo ban họ giữ gìn sức khoẻ. Để có đủ thuốc cứu chữa cho mọi người, nhiều hôm không kể mưa gió, người con gái ấy sΩn sàng một mình băng rừng đi tìm cây thuốc quý. Việc làm này được mọi người nể phục và kính trọng, ai nấy đều gọi cô gái một cách thân mật, trìu mến là "cô".
Một hôm, doanh trại đang bị dịch sốt rét hoành hành, thuốc thang thiếu nghiêm trọng, cô gái lại một mình băng rừng tìm thuốc, do kiệt sức, cô dựa vào gốc cây cổ thụ ven đường ngồi nghỉ để rồi không bao giờ gượng dậy được nữa. Không thấy cô về, quân sỹ tản đi các hướng để tìm kiếm, cô được đưa về doanh trại, nằm im lìm trong võng mà tay vẫn cầm chặt nắm lá thuốc.
Vô cùng tiếc thương người nữ y tận tụy, vị tướng quân hạ lệnh an táng cô tại một cánh đồng trong vùng, từ đó anh em binh sỹ quen gọi là mộ nữ y công chúa, cánh đồng này được gọi là "Đồng Cô" (về sau gọi chệch âm thành "Đồng Cò").
Một hôm, tướng quân cùng binh sỹ ra viếng mộ, giữa đường gặp một con thỏ trắng từ gốc cây cổ thụ chạy ra, chạy mấy vòng quanh đoàn tướng sỹ rồi tiến lên phía trước, chồm hai chân lên như là để cản đường, một lúc sau thì biến mất. Thấy đây có thể là điềm dữ, vị tướng ra lệnh quân sỹ quay lại rồi lên kế hoạch tuần tra, canh phòng cẩn mật.
Sáng hôm sau bắt được một toán thám báo của quân Minh, chúng khai rằng nhận lệnh đi ám sát vị tướng trấn giữ vùng đất này. Tướng quân cho rằng thỏ trắng chính là nữ y công chúa hiện hình cứu mạng liền cho quân dựng đền thờ ngay dưới gốc cây cổ thụ mà thỏ trắng xuất hiện và lấy tên đền là Luỹ Sơn (nhân dân quen gọi là đền Cửa Luỹ), binh sỹ và nhân dân từ nay quen gọi cô là Bạch Y Công chúa. Khi tướng quân qua đời, quân sỹ và nhân dân lập đền thờ tại một gò đất cách đền Cửa Luỹ không xa và gọi là đền Đức Ông.
Về sau, do đền Đức Ông chung quanh là đầm lầy bao bọc, không tiện cho việc đi lại hương khói nên nhân dân rước bài vị ngài về thờ chung tại đền Cửa Luỹ. Tương truyền, đền Cửa Luỹ rất linh thiêng. Theo người xưa kể lại, về sau người nữ y được vua Minh Mạng phong là Thánh Mẫu Luỹ Sơn, đến đời vua Khải Định phong Dực Bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Rất tiếc, do chiến tranh, đền bị bom đạn tàn phá nên những sắc phong nói trên hiện không còn nữa.
Năm 1968, đền Cửa Luỹ bị bom Mỹ ném làm hư hỏng nặng, chỉ còn một bát hương đặt trên mỏm đá. Bà Trần Thị Cháu, quê ở Vinh theo chồng làm công nhân nhà máy điện lên đây sơ tán, nghe chuyện về sự linh thiêng của ngôi đền liền mua tre nứa, thuê người lợp lại. Đến năm 1988, bà Cháu quyết định làm thủ tục giấy tờ trình các cấp, các ngành liên quan xin phục dựng đền Cửa Luỹ. Nguồn kinh phí phục dựng đền chủ yếu do gia đình bà phát tâm công đức. Đền Cửa Luỹ hôm nay quy mô tuy chưa bề thế, nhưng có phong cảnh đẹp và yên bình, hàng ngày tiếp đón người người đến nguyện cầu bình an, phúc lộc.
Công Kiên