Piêng Mựn mây ngàn

12/02/2010 17:38

Có một bản người Thái ở tận thượng nguồn dòng Nậm Nơn, họ sống trong thung lũng quanh năm mây phủ, người ta gọi là bản "4 không": không đường, không điện, không chợ, không phủ sóng điện thoại. Ở đó có chuyện "độc nhất vô nhị" hai anh em ruột làm bí thư và trưởng bản. Và còn lưu giữ được những nét riêng đáng chú ý... Đó là bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn (Tương Dương).


Gọi hồn "nàng Lúa"


Một góc Piêng Mựn

Để vào được Piêng Mựn chúng tôi phải hành trình cưỡi sóng Nậm Nơn hàng chục km đường sông. Trước con đường mòn vào bản là Đồn biên phòng Khe Pén, bất cứ ai qua đây đều phải xuất trình giấy tờ. Vào tới bản trời vừa xẩm tối, Piêng Mựn nằm lọt thỏm trong thung lũng Phà Vẻn nơi có con thác ngày đêm dội ầm ào tạo thành con suối chảy uốn lượn quanh bản gọi là suối Huồi Vẻn. Hầu hết các bản làng dọc sông ở Tương Dương đều phải di dời vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, nhưng các hộ dân ở Piêng Mựn không phải ra đi vì ở phía trong thung lũng địa thế cao hơn (chỉ một số hộ dân di vén tại chỗ). Khi nước dâng ngập vùng lòng hồ, Tương Dương hình thành "tua" du lịch, điểm đến cuối cùng nơi thượng nguồn của Nậm Nơn sẽ là Piêng Mựn. Du khách ngoài ngắm cảnh đẹp, họ đến Piêng Mựn còn để khám phá về nét văn hoá, truyền thống của người Thái. Có thể ngược vào Huồi Xá đi ngựa lên bản Phá Kháo của người Mông.

Đêm ở Piêng Mựn se sắt lạnh, trong ánh lửa bập bùng giọng già bản Kha Văn Hường như gió thoảng: "Bản ta trước đây tối đến cứ phải đốt đuốc thì ăn cơm mới sờ được cái đũa, cái bát, nghèo khó lắm, người dân chỉ biết vào rừng đào khoai mài kiếm sống, giờ đỡ khổ rồi." Trăng thượng nguồn lấp ló bìa rừng, dân bản tập trung ở một ngôi nhà sàn cao lớn, anh Kha Nguyên nói: "Hôm nay Piêng Mựn vừa tổ chức vui đón khách, vừa cúng hồn nàng lúa". Già Kha Hường mặc bộ trang phục màu đen của người Thái, chít khăn đen chuẩn bị làm lễ. Già kể cho tôi nghe: "Nàng Lúa vốn là một nàng tiên xinh đẹp nhưng lại ham chơi, nên mỗi khi gặt lúa đem về "nghia khầu" (kho lúa) phải làm lễ rước nàng về, nếu không nàng bỏ đi chơi, mùa sau dân bản sẽ đói khổ. Mỗi vụ thu hoạch người dân ở Piêng Mựn đều lên nương cắt những bông lúa chín sớm phơi đủ 7 nắng 9 sương để hạt gạo dẻo thơm như mùi hương cốm, kèm theo là cặp gà trống, rượu, trầu cau mỗi mâm 9 đôi.

Ông Kha Trung Tiến (bên phải) và ông Kha Xón Phon


Sau khi cúng lúa xong thì điệu khắp, điệu nhuôn vang lên hoà cùng nhịp múa, họ trao đổi chuyện làm ăn bằng lời ca tiếng hát. Những đôi trai gái nào quý nhau thì trao cho nhau những đùi gà thật ngon, những lời hát nồng cháy. Cuộc vui như bất tận, khi mặt trời hừng đông thì ai mới về nhà nấy, hẹn mùa lúa sau gặp lại, hi vọng sẽ được mùa to hơn, tổ chức cúng thần linh và Nàng Lúa sẽ linh đình hơn. Cúng lúa ở Piêng Mựn có thể không cần mời thầy cúng nhưng gia chủ phải thuộc lời cúng, có thể cúng lúa ngay ngoài ruộng để cho hồn Nàng Lúa được vui chơi thoả thích. Nhưng hầu hết người dân Piêng Mựn đều tổ chức cúng lúa ở nhà riêng, ngoài biết ơnđây cũng là cách bà con tổ chức liên hoan cho vụ lúa được mùa.


Nửa đêm "cạy cửa" tìm nhau


Đến với Piêng Mựn tôi còn biết thêm về phong tục "ngủ thăm" của người Thái. Tại đây ai cũng biết Lô Văn Dương, sinh năm 1986, đậu khoa Sử Đại học Vinh, được coi là sự kiện động mường vì bao đời nơi rừng núi hẻo lánh này có ai học hết cấp III. Nhưng Dương cũng gây sự kiện động mường nữa là vừa cưới vợ, vừa đi học đại học. Dương tiết lộ, mùa xuân theo đám bạn đi "ngủ thăm" thì phải lòng gái bản là Vi Thị Mai ở bản Na. Cả hai ưng cái bụng rứa là cưới, bố mẹ mở cho cô con dâu cái quán nhỏ bán hàng tạp hoá nơi đầu bản Piêng Mựn. Cuộc sống xem ra khá hạnh phúc vì theo như Dương là hai đứa ưng nhau thật lòng. Học đại học xong thì Dương sẽ xin về dạy tại trung tâm xã Mai Sơn để tiện việc chăm sóc con cái và hướng cho vợ học nghề y sau này về phục vụ bản. Anh Kha Văn Nguyên- xã đội trưởng Mai Sơn tủm tỉm: "Cũng nhờ "ngủ thăm" mà ta mới có vợ đấy chứ. Hồi ấy thích "noọng xáo"(cô gái) có mái tóc dài như suối Nậm Nợn, ngày nào cũng qua nhà thổi sáo. Cô gái cảm mến và gợi ý "khéo", tối đốt lửa đầu bếp nhà sàn, cửa hé mở là mình tìm đến...". Theo phong tục nơi đây: Không phải cứ đến nhà con gái là được "ngủ thăm", tối đến các cô gái đến tuổi trưởng thành cứ nhóm than hồng đầu bếp, nếu ngọn lửa to là chưa có ai đến. Chàng trai "ngủ thăm" chỉ nằm nói chuyện không được chạm vào người. Nếu cô gái không đồng ý thì chối: "Cối giã gạo nhà ta đã có người khác đâm rồi, ở đây không có việc gì cho anh làm cả..."


Già làng Kha Văn Hường cười móm mém: Việc cưới xin tuy đã có thay đổi nhưng cơ bản tục "ngủ thăm" ở Piêng Mựn vẫn là mối nhân duyên cho các cháu thành chồng vợ. Nếu đúng như nét văn hoá của người Thái thì hoàn toàn không có sự ép buộc mà chỉ tự nguyện giữa hai người. Đêm ấy tôi còn nghe được những lời hát đón đợi nhau trên nương rẫy. Giọng các chàng trai: "Mùa xuân đến rồi đó/ Con chim còn xây tổ/Lúa ngô đầy nhà/Mong em sớm lại nhà. Mấy cô gái tế nhị đáp: Nhà em còn thửa ruộng/vẫn chưa có người cày/ Nương ngô còn chưa phát/ Bố mẹ em chưa ưng /Phải đợi đến năm sau..." Lời hát cháy bỏng, duyên tình bén rễ từ đây !


Anh bí thư, em trưởng bản


Có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị khi mà ở Piêng Mựn có hai anh em ruột cũng làm "lãnh đạo" bản, ông Kha Trung Tiến làm bí thư là anh, ông Kha Xón Phon làm trưởng bản là em. Thông thường thì người dân sẽ cho rằng đó là "phe cánh", có sự sắp đặt. Anh Chương Ngọc Tình kể: Tuy hai anh em ruột làm "lãnh đạo" bản rất đoàn kết, chăm lo cuộc sống cho nhân dân, hai ông là người tiên phong làm kinh tế để bản làng đi lên. Hết nhiệm kỳ, bà con Piêng Mựn lại tín nhiệm, tiếp tục bầu hai anh em họ làm, có lần ông Tiến xin bà con được nghỉ vì đã làm đến 3 khoá rồi nhưng các hộ dân không chịu vì không thể chọn được ai có năng lực và tâm huyết. Những năm 2002 về trước, Piêng Mựn là bản có số người nghiện khá cao, do địa hình giáp ranh với nước bạn Lào (khoảng 2 km), giáp ranh với Mường Lống -Kỳ Sơn chỉ cách con sông Nậm Nơn. Nạn buôn bán và xách thuê ma tuý tràn qua khiến cho Piêng Mựn trở nên tiêu điều. Có những hộ nghiện từ 2-3 người. Hai anh em ông Tiến và Phon ngày đêm nghĩ cách cứu dân, kết hợp với đồn biên phòng khe Pén vận động nhân dân không xách thuê ma túy, không nghiện ma túy. Thời điểm này Piêng Mựn đã sạch bóng ma tuý, nhưng Piêng Mựn lại là con đường tiểu ngạch để vận chuyển ma tuý.

Kho lúa ở Piêng Mựn.


Hàng tuần, hàng tháng hai ông đều họp dân, tổ chức quán triệt về tác hại ma tuý, tổ chức bỏ phiếu kín tố giác các trường hợp nghi ngờ xách thuê ma tuý. Lòng nhiệt huyết chân tình của hai anh em khiến bà con cảm động lắm, ai cũng một lòng nghe theo.Giờ Piêng Mựn thật sự đổi thay từ khi được Nhà nước đầu tư quan tâm, người dân đã được sử dụng nước sạch, các em học sinh đã được học trong những ngôi trường kiên cố. Con đường nối từ bản vào trung tâm xã Mai Sơn đang được khảo sát đầu tư "nhựa hoá". Dân bản ở Phá Kháo xuống Piêng Mựn sẽ không còn phải đi ngựa nữa. Đặc biệt là cuộc sống càng đổi đời khi người dân biết làm lúa nước.

Chính hai ông đã xắn quần khai hoang ruộng nước đầu tiên, tự tay ngâm ủ hạt giống cho cây lúa mọc được dưới nước. Bây giờ dọc khe Huồi Vẻn lúa tốt bời bời, hạt chắc, thóc nhà ai giờ cũng đầy bồ, đầy kho. Trưởng bản Kha Xón Phon khoe: "Bản ta làm được hàng chục ha lúa, chủ động lương thực không còn cảnh sống đói cơm lạt muối nữa, chăn nuôi phát triển, cả bản có trên 100 con bò, 220 con lợn, 44 ao cá. Nhiều gia đình đã giàu lên nhờ chăn nuôi. Để có được thành quả đó thì chính hai ông phải làm gương trước thì nói dân mới nghe. Ngay như trưởng bản Phon làm đến 8 sào ruộng nước và chăn nuôi trên 10 con trâu bò. Đêm ở Piêng Mựn sáng rực trong ánh điện từ những máy phát điện nhỏ đặt ở khe suối, con em được sáng cái chữ, nhà nào cũng có ti vi, Tết này được đón cầu truyền hình cùng cả nước.


Xuôi dòng Nậm Nơn, Piêng Mựn ngợp trong sắc lúa vàng mênh mông, lúa trĩu hạt, căng tròn đung đưa trong gió, dồn đuổi nhau trên nương rẫy. Giọng già Hường vẫn rền rã cúng lúa, già đang gọi "Nàng Lúa" để mang lại mùa vàng no ấm cho dân bản.


V.T