Làng hoa đợi Tết

15/12/2010 10:26

Trong cái se lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến các làng hoa ven Thành phố Vinh. Những ngày này, các gia đình làm nghề trồng hoa cây cảnh đang tất bật vào vụ chuẩn bị hoa phục vụ thị trường Tết.

Từ cuối tháng 9 âm lịch, các hộ trồng hoa ở làng Trung Mỹ đã ra Hà Nội mua các giống cúc về trồng. Vừa trải qua trận lụt lịch sử, vườn nhà nào cũng ngập úng. Để kịp vào vụ mới, nước rút, bà con đã nhanh chóng vệ sinh vườn tược, rải vôi khử trùng và cày đất phơi ải.

Hoa giống nhập về, các hộ cấy theo đúng qui trình. Hoa bén rễ, các bóng điện tròn được thắp sáng suốt đêm, vừa giữ ấm cho hoa, vừa kích thích hoa sinh trưởng. "Để có hoa đẹp phục vụ Tết, phải "chăm hơn chăm con mọn", làm cỏ, bón phân, tỉa cành, theo dõi đà sinh trưởng để kích, để hãm đúng độ, đúng dịp..."

Bắt đầu vụ gieo trồng hoa phục vụ Tết


Anh Nguyễn Văn Thảo, một hộ dân trồng hoa xóm Trung Mỹ cho biết. Nghề trồng hoa cây cảnh xuất hiện ở Trung Mỹ từ năm 1992, ban đầu chỉ vài hộ, nay cả làng có 86 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích đất sản xuất 23,65 ha (chiếm 45%). Trung bình mỗi năm sản lượng trồng lên đến 668.000 cây cho thu nhập 2660,4 triệu đồng (chiếm 45% tổng thu nhập).

Vất vả nhất là những hộ trồng đào. Ở Trung Mỹ hiện chỉ còn lại vài hộ trồng đào, vì ngoài sự công phu chọn lựa giống, chọn cách đặt "mạ", cách chiết, dâm "mắt đào" người trồng còn phải có khiếu thẩm mỹ và kỹ thuật uốn dáng, tạo thế. Hiện tại trong làng chỉ có ông Trần Văn Dũng còn giữ được vườn đào.

Trong khu vườn rộng hơn 600m2 của ông có khoảng 300 gốc đào các loại: đào Nhật Tân, đào đá, đào phai... Từ tháng Giêng, khi mọi người còn du Xuân thì ông đã cuốc đất, đào hố, bỏ phân để đặt "mạ đào"; ghép mắt đào từ tháng Hai, tháng Ba để hoa nở kịp Tết.

Năm nay, thời tiết biến động thất thường, nắng nhiều hơn rét nên để đào nở đúng dịp, ông đã lên lịch trảy lá cho đào, bó cây tạo dáng, phun thuốc kích thích. "Nhìn vườn đào hôm nay trơ trụi lá thế thôi, chứ quãng dăm tuần nữa, lộc non sẽ ra, ở các nách lá sẽ bung nụ, trổ hoa. Vất vả, công phu nhưng đào lại dễ bán, chủ yếu là khách quen từ các nơi về đặt hàng trước cả tháng trời, không phải chở đi các chợ, giá lại cao...", ông Dũng cho biết.

Còn ở xã Nghi Liên, đã thành lệ, cứ đến tháng 9, 10 âm lịch, người trồng hoa ở xóm 4 lại bắt đầu một vụ mới để phục vụ Tết nguyên đán. Đây là mùa làm ăn của bà con làng hoa. Vụ hoa Tết năm ngoái, nhà lãi ít nhất cũng từ 15-20 triệu, có hộ lãi cả trăm triệu từ hoa. Không chỉ trồng hoa, các tư thương trong làng còn tìm ra tận Hà Nội, Hưng Yên, vào tận Đà Lạt mua các loại hoa, cây cảnh cao cấp cung ứng cho thị trường.

Các làng hoa ở Nghi Ân cũng nhộn nhịp không kém. Ngoài các loại hoa truyền thống, dễ trồng như: cúc, thược dược... năm nay, nhiều hộ đã mạnh dạn trồng thử nghiệm các giống hoa cao cấp như: lay ơn, lyly, loa kèn.

Các loại hoa này khó trồng, đòi hỏi công phu và kỹ thuật cao nhưng lãi gấp nhiều lần các loài hoa khác. "Bắt đầu trồng thử hoa ly vào năm ngoái, năm nay tôi mạnh dạn mở rộng diện tích, trồng thêm vài tăm cây. Loại hoa này giống đắt, khó chăm sóc nhưng lại được nhiều người ưa chuộng. Vào dịp Tết, cứ 3-5 cây bỏ vào chậu sứ trắng, chở vào Vinh với giá 150 nghìn-200 nghìn bán dễ như chơi. Tết ni, nếu hoa nở đúng dịp, đẹp thì lãi vài chục triệu là cầm chắc." - anh Hoá, một hộ dân trồng hoa ở làng Kim Chi, xã Nghi Ân phấn khởi cho biết.

Chỉ vài tuần nữa thôi, những nụ hoa còn giấu mình trong cành lá tốt tươi kia sẽ lớn lên, sẽ bung nở chào đón Xuân về. Đến quãng rằm tháng Chạp người dân làng hoa lại bận rộn chở hoa vào thành phố tiêu thụ. Những cúc, ly, hồng...theo chân người làng hoa rong ruổi khắp các ngõ phố, làng quê làm đẹp cho muôn nhà trong dịp Tết...


Thanh Phúc-Khánh Ly