Tiền của chúng ta, nhưng quyền có thuộc về chúng ta?
Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới năm nay có chủ đề "Tiền của chúng ta là quyền của chúng ta", đã qua cách đây không lâu, phần nào đã làm cho người tiêu dùng Việt Nam ý thức rõ hơn về quyền lợi mà mình được hưởng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn đặt dấu chấm hỏi: Tiền của chúng ta, nhưng quyền đã thực sự hoàn toàn thuộc về ta chưa khi lâu nay, ở đâu đó rất nhiều nơi, thái độ phục vụ "thượng đế" còn nhiều bất cập, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười vẫn còn đó bởi quyền người tiêu dùng bị xem nhẹ trước thái độ, tác phong phục vụ quá kém của không ít các nhà cung cấp dịch vụ, người bán hàng.
Từ chợ Vinh đến siêu thị
Chuyện lăng mạ khách hàng vẫn diễn ra ở chợ Vinh, một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ, nơi giao thương và cũng là nơi biểu hiện nhiều nét văn hoá của người Nghệ. Chợ Vinh ngày nay đã được xây mới, to hơn, đẹp hơn nhưng đã thực sự văn minh hơn chưa, thiết nghĩ còn nhiều vấn đề cần bàn.
Đành rằng, các gian hàng trong chợ đã được bố trí, sắp xếp theo nhóm, chủng loại đẹp mắt hơn, có gắn biển hiệu kinh doanh nhưng hầu hết các mặt hàng chưa được niêm yết giá. Và điều đáng buồn là thái độ phục vụ khách chưa được cải thiện. Vẫn những lời lẽ thiếu tôn trọng người mua khi không "vừa bán". Nhiều người tiêu dùng vẫn nơm nớp lo lắng: Đến bao giờ chúng tôi không bị chửi mắng, hứng chịu những lời lẽ thiếu văn hoá khi mua sắm ở chợ Vinh?
Người dân đi mua sắm tại siêu thị. Ảnh: T. H |
Siêu thị được xem là loại hình chợ hiện đại, phục vụ người mua một cách văn minh hơn nhưng vẫn không ít những điều làm phiền lòng khách. Vẫn biết siêu thị là đơn vị bán hàng theo phương thức tự phục vụ nhưng không phải vì thế mà nhân viên hướng dẫn khách mua sắm thờ ơ trước yêu cầu chỉ dẫn của người mua. Khi mua sắm ở siêu thị M, tôi thật bất ngờ khi tình cờ nghe được đoạn hội thoại ngắn giữa khách hàng và nữ nhân viên phục vụ. Vị khách kia hỏi: "Loại rượu này có ngon không cháu?" thì được trả lời ngay rằng: "Cháu cả đời có biết uống rượu đâu mà biết ngon hay không!".
Có lẽ siêu thị này tuyển nhầm nhân viên chăng? Không thể bình luận gì hơn! Cứ nghĩ, đó là trường hợp hạn hữu nhưng "nạn nhân" kế tiếp lại là tôi khi tôi hỏi một nam nhân viên về loại phô mai không có muối còn không, vì muốn mua hai hộp, nhưng trên kệ hàng chỉ còn một hộp. Anh ta liền đưa tôi hộp có muối. Tôi thắc mắc thành phần trên bao bì ghi có muối, liền được anh ấy đáp ngay: "Bao bì ghi thế, nhưng thành phần thì như nhau". Chẳng còn ai để thắc mắc nữa!, tôi đành "ngậm ngùi" bỏ đi. Thế mà tôi cứ tưởng, vào siêu thị thì khách hàng được tôn trọng hơn nhiều, nhân viên phục vụ hiểu biết loại hàng mà mình hướng dẫn, hóa ra...!
Ra ngân hàng
Không ít người dân vẫn còn thấy e ngại khi giao dịch với nhân viên ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng thuộc Nhà nước mới được cổ phần hóa. Nhiều người cho biết, họ thường xuyên gặp những nét mặt lạnh lùng có lúc đến vô cảm khi giao dịch. Thậm chí, có nhân viên còn xΩng giọng hay miễn cưỡng trả lời những thắc mắc mặc dù lúc đó tại quầy giao dịch chỉ có vài người. Biết rằng, làm giao dịch viên chịu nhiều áp lực nhưng như khi chấp nhận vị trí đó nghĩa là phải chấp nhận cả áp lực trong công việc. Đây cũng là tiêu chí mà phần lớn ngân hàng đặt ra khi tuyển dụng, nhưng thực tế thì thái độ, phong cách của giao dịch viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù nhiều ngân hàng có lãi suất cao, kèm nhiều khuyến mãi tiền, quà tặng nhưng xem ra thái độ ấy của nhân viên khiến những chiêu khuyến mãi tưởng chừng như hấp dẫn ấy trở nên vô nghĩa.
Sang dịch vụ thuê taxi
Nói đến dịch vụ thuê taxi, nhiều người lắc đầu ngán ngẩm: đi bằng xe máy đôi khi nhanh hơn! Bây giờ nhiều hãng taxi, kể cả taxi dù đang đua nhau "mọc lên", tính cạnh tranh cũng khốc liệt hơn nhưng không vì thế mà các hãng taxi đổi mới, hiện đại hóa tác phong phục vụ để làm hài lòng khách hàng. Nhiều người than phiền rằng: gọi taxi, chờ dài cổ mà vẫn không được, cứ gọi hết hãng này sang hãng khác và cuối cùng là im tịt, không đón được taxi mà cũng chẳng có lời giải thích từ phía hãng.
Đặc biệt dịp lễ tết thời tiết có mưa, thì cứ gọi là dịp để taxi lên mặt làm kiêu. Nếu khách gọi lại thì được trả lời là đang đến hoặc không biết đường. Bạn tôi tâm sự: có hôm mình gọi taxi của một hãng taxi lớn trong thành phố, nhưng đợi mãi mất gần 1 tiếng đồng hồ. Mặc dù đã gọi đi gọi lại nhiều lần nhưng cuối cùng mình vẫn phải chọn giải pháp đi bằng xe máy, dù mệt một tý nhưng "nhanh hơn"! Quá ư nghịch lý! Hết hãng này đến hãng nọ cứ đua nhau nâng cấp phương tiện, quảng cáo rầm rộ nhưng họ lại quên mất rằng điều đầu tiên cần quan tâm đổi mới để chiếm lĩnh thị trường chính là tác phong, thái độ phục vụ chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp, nhà sản xuất đang tồn tại và phát triển trong thế giới cạnh tranh gay gắt, thậm chí rất khốc liệt để giành thị phần, nhưng rất nhiều trong số họ đã và đang quên mất một điều tưởng chừng như rất nhỏ nhưng có tác động vô cùng lớn đối với việc thu hút khách hàng nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh: Đó là thái độ, phong cách phục vụ người tiêu dùng.
Lan Hương