Lê Viết Thuật và ngôi trường mang tên ông

16/09/2010 11:20

Xanh,

(Baonghean) - Lê Viết Thuật sinh năm 1902 trong gia đình nghèo ở phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thuỷ), thành phố Vinh. Năm 14 tuổi, anh theo người lớn vào làm thợ trong nhà máy Diêm. Cùng làng và làm việc với anh có Lê Mao, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Duệ... Hàng ngày chứng kiến cảnh lao động khổ cực và chịu bao đòn vọt của chủ nhà máy Diêm, anh vô cùng căm tức và anh bắt đầu được giác ngộ được ý thức giai cấp và dân tộc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng


Sau khi Hội Phục Việt ra đời, anh được kết nạp vào Hội và là hội viên của tổ chức Công hội. Anh hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày của anh em công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Ngoài ra anh còn cùng các anh Lê Mao, Nguyễn Phúc vận động nhân dân phố Đệ Thập đấu tranh chống bọn hào lý phù thu lạm bổ, đưa người tiến bộ làm phố trưởng. Sau đó lần lượt anh được Công hội bố trí sang làm việc tại nhà máy xe lửa Trường Thi để xây dựng cơ sở cách mạng.

Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ và phát triển tổ chức vào Trung Kỳ. Đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc đã vào Nghệ An cùng Võ Mai thành lập Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng Trung Kỳ, đặt trụ sở tại Làng Vang (nay thuộc phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú ý phong trào công nhân Vinh – Bến Thuỷ và gặp Lê Viết Thuật, Lê Mao, Lê Doãn Sửu làm nòng cốt để tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng trong giai cấp công nhân.

Từ một đảng viên Tân Việt, Lê Viết Thuật đã trở thành đảng viên và là Bí thư chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng nhà máy Trường Thi năm 1929. Sau Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Đông Dương (3/2/1930), Tỉnh bộ Vinh được hình thành do Lê Mao làm Bí thư, Lê Viết Thuật là uỷ viên Tỉnh uỷ lâm thời Vinh.

Lê Viết Thuật cùng Lê Mao, Lê Doãn Sửu chỉ đạo cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930. Các đồng chí Nguyễn Lợi, Hoàng Trọng Trì được phân công trực tiếp chỉ huy đội ngũ công nhân và nông dân tham gia biểu tình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Lần đầu tiên trong lịch sử xứ ta, Công – Nông – Binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. Sau sự việc giả chết đuối để rút vào hoạt động bí mật, Lê Viết Thuật được Xứ uỷ phân công vào xây dựng phong trào ở Hà Tĩnh. Tháng 12/1930, đồng chí được bầu là uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ.

Trong thời gian các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Hồng Kông, Lê Viết Thuật trở về cơ quan Xứ uỷ cùng đồng chí Lê Doãn Sửu (Bí thư Khu uỷ Bến Thuỷ), Nguyễn Phúc ...chỉ đạo phong trào hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhằm duy trì thành quả Xô Viết và đối phó với những âm mưu thủ đoạn mới của địch.

Từ tháng 4/1931, cán bộ lãnh đạo của Xứ uỷ lần lượt bị hy sinh và sa lưới địch. Trước sự khủng bố tàn khốc và âm mưư thủ đoạn xảo quyệt của địch như rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận, lập hội đồng tộc biểu, đoàn thể luân lý... đồng chí Lê Viết Thuật là người đứng đầu Xứ uỷ đã tìm mọi cách để hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của quần chúng, bảo vệ tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể cách mạng. Chúng treo giải thưởng cao cho người nào bắt được Lê Viết Thuật và Nguyễn Lợi.

Từ khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị bắt (3/5/1931), Lê Mao bị bắn chết, đường dây liên lạc với Trung ương bị đứt, Lê Viết Thuật lo củng cố lại tổ chức Xứ uỷ Trung Kỳ. Cuối tháng 6/1931, Xứ uỷ họp mở rộng và bầu bổ sung thêm 3 uỷ viên là Phan Thái Ất, Lê Xuân Đào, Nguyễn Xuân Thanh.

Như vậy cùng 4 uỷ viên cũ: Lê Viết Thuật, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Lợi, Mai Kính, Xứ uỷ có 7 đồng chí uỷ viên chỉ đạo phong trào hai tỉnh. Nhưng đến tháng 12/1931, đồng chí Phan Thái Ất, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Lợi, Nguyễn Tiềm đều bị bắt. Đầu năm 1932, cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ bị lộ, đồng chí Lê Viết Thuật, người Bí thư Xứ uỷ cuối cùng bị sa vào tay địch. Sau một thời gian chịu đựng tra tấn của kẻ thù tại nhà lao Vinh, đồng chí Lê Viết Thuật hy sinh tháng 3/1932.

Và ngôi trường mang tên ông

Tên tuổi của Lê Viết Thuật đã được gắn liền với nhiều danh hiệu như Xưởng cơ khí Lê Viết Thuật (thời kỳ kháng chiến chống Pháp), đường Lê Viết Thuật và đặc biệt là ngôi trường THPT Lê Viết Thuật đóng tại đường Phong Định Cảng, phường Bến Thủy, TP Vinh ngày nay. Trên mảnh đất giàu truyền thống, được vinh dự mang tên người chiến sỹ cách mạng Lê Viết Thuật. Vượt qua những khó khăn, gian khổ của những ngày đầu mới thành lập, trường THPT Lê Viết Thuật đã và đang từng bước trưởng thành, thay đổi nhanh chóng và toàn diện, uy tín nhà trường đã được khẳng định.

Đến thời điểm này, Trường THPT Lê Viết Thuật là một ngôi trường mạnh về chất lượng giáo dục, vừa đạt tiêu chuẩn Xanh, sạch, đẹp và khang trang. Trường có đội ngũ nhà giáo với những gương mặt tiêu biểu như: Phan Hòa, Nguyễn Thị Toàn, Nguyễn Trọng Bé, Nguyễn Như Cường, Nguyễn Văn Đờn, Trần Đăng Ngân, Phạm Hoàn, Đinh Thị Băng Tâm, Nguyễn Phấn Thành, Phan Cẩm Thành và rất nhiều thầy cô giáo khác cùng đội ngũ trẻ kế cận vừa hồng vừa chuyên, như: Thái Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Hoa, Đào Thị Hường, Thúc Văn Tài, Trần Nghĩa Công, Võ Xuân Lam, Phan Mạnh Hà... Nhờ đội ngũ này mà chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định tốt và trở thành một trong 100 trường THPT được Bộ Giáo dục - Đào tạo xếp có chất lượng cao của Việt Nam. Chỉ tính trong khoảng 15 năm trở lại đây, trường có hàng ngàn em đậu vào các trường cao đẳng, đại học; có trên 1.400 em đậu học sinh giỏi tỉnh, 15 em đạt học sinh giỏi quốc gia, 13 năm liên tục là trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, được tặng thưởng 22 bằng khen của bộ và tỉnh.

Được chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc năm học 2005 - 2006, được chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng ba năm 2004. Năm học 2009 -2010 vừa qua, với mục tiêu giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia, từ ban giám hiệu đến các tổ chức đoàn thể, tổ chuyên môn, nghiệp vụ đã đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra (có 24 lượt em học sinh lớp 12 đạt HSG cấp tỉnh ở tất cả các môn học, trong đó có 5 giải nhất, 3 giải nhì, 11 giải 3 và 3 giải khuyến khích) trường xếp thứ nhì toàn tỉnh. Và điều quan trọng hơn cả đó là trường thực sự là một địa chỉ tin cậy về giáo dục đào tạo không chỉ cho học sinh trong thành phố Vinh mà còn trên địa bàn toàn tỉnh.

Thanh Thủy