Kỳ 2: Xuôi "miền đất mỹ nhân"

16/04/2010 17:45

Vui hội mùa xuân

Kỳ I: Vui hội mùa xuân

Theo chân đoàn cán bộ phòng Văn hoá huyện Kỳ Sơn vào xã Keng Đu trao bằng công nhận danh hiệu Làng Văn hoá cho bản Huồi Phuôn 2, thú thật, trước khi lên đường thấy bầu trời xám xịt, đài báo có gió mùa nên không khỏi ngần ngại, bởi con đường vành đai biên giới chúng tôi đã đi vài ba lần và có thể dự đoán được mức độ khó khăn khi mưa xuống. Nhưng rồi, thấy Đặng Thị Thuỷ, cô sinh viên thực tập ngành Văn hoá các dân tộc, Trường Đại học Văn hoá vẫn quyết tâm lên đường, sự ngần ngại trong tôi biến mất.


Đoàn chúng tôi gồm 05 người cùng đi trên 03 chiếc xe máy. Con đường từ thị trấn Mường Xén đi Keng Đu không thể đếm hết được đèo dốc, ngoằn ngoèo vô tận vắt qua các sườn núi cheo leo. Những đoạn sương mù chắn lối, như bồng bềnh trong mây. Có đoạn gặp rừng ban trắng muốt, lại thán phục sự tinh tế của người nhạc sỹ đã viết lên câu hát "Một rừng ban nở trắng giữa núi rừng mờ xa...". Khoảng 07 giờ đồng hồ vừa đi vừa nghỉ, vượt chặng đường gập ghềnh chừng 80 km, qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy mới đến được Keng Đu, thủ phủ của người Khơ mú Kỳ Sơn.

Vượt "trận địa đá".


Đến đây, tình cờ gặp đoàn công tác của Huyện uỷ Kỳ Sơn vào kiểm tra tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng các xã biên giới. Đêm vùng biên gió lùa tê tái nhưng hơi ấm của lửa trại, của tình người đã xua tan cái giá lạnh của đất trời. Đêm đó chúng tôi thức cùng Keng Đu và làn điệu tơm, điệu múa lăm tơi quyến rũ.


Sáng hôm sau, tại lễ trao tặng danh hiệu Làng Văn hoá cho bản Huồi Phuôn 2, ông Vi Hải Thành, Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn mời tôi gia nhập đoàn công tác tiếp tục xuôi dòng Nậm Nơn về xã Mỹ Lý. Rong ruổi cả tuần đã thấm mệt nhưng từng nghe Mỹ Lý là "đất mỹ nhân", nơi sinh ra những cô gái Thái đẹp nức tiếng núi rừng biên cương, hơn nữa lại có dịp khám phá dòng Nậm Nơn ở thượng nguồn, tôi không thể bỏ qua cơ hội.

Tạm biệt những người bạn ở Phòng Văn hoá, tạm biệt bà con bản Huồi Phuôn 2, chúng tôi lên chiếc xe u oát của Đồn Biên phòng 531, chạy chừng một tiếng thì đến được bến Keng Đu. Từ đầu xã Keng Đu đến khe Cành Lẹt thuộc xã Mỹ Lý (chừng 10 giờ chạy xuồng máy), phía hữu ngạn là đất Việt, phía tả ngạn là đất, Lào. Lúc này, tại bến Keng Đu, xã Mỹ Lý đã cử mấy chiếc xuồng ngược dòng lên đón đoàn. Ba chiếc xuồng máy nối đuôi nhau xuôi dòng. Ở thượng nguồn lòng sông hẹp, cơ man nào là ghềnh thác.

Từ Keng Đu xuống bản Xiềng Tắm, trung tâm xã Mỹ Lý phải vượt qua hàng chục, thậm chí hàng trăm thác ghềnh lớn nhỏ. Qua 8 thác lớn, đoàn phải lên bờ men theo mép đá hàng trăm mét, thậm chí có đoạn hàng cây số để qua, bỏ lại những người lái xuồng vật lộn với thác đá.

Những con thác ở đây tên gọi đều gợi lên vẻ hoang sơ và dữ dội: Cành Mỡ, Cành Xoóng Con, Cành Lôồng, Cành Sặc, Cành Xộc, Cành Hón, Cành Tạt, Cành Cạp... Có những đoạn thác chiếc xuồng bị vây bủa bởi "trận địa đá" và tốc độ dữ dội của dòng nước buộc người lái xuồng phải trổ hết tài nghệ, sự khéo léo và kinh nghiệm để vượt qua. Có khi họ phải giòng dây lên bờ, hì hục kéo xuồng qua từng luồng lạch. Sự hùng vỹ và nguy hiểm của Nậm Nơn cùng tài nghệ của người lái xuồng, nếu cụ Nguyễn Tuân sống lại hẳn sẽ có thêm thiên tuỳ bút không kém "Người lái đò Sông Đà". Chúng tôi lần lượt qua bản Piêng Xay, Xốp Xán và một số bản khác của huyện Hủa Phăn, tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Trên đường, ghé vào bản Cha Nga (Mỹ Lý) nghỉ chân. Bà con dân bản đã chuẩn bị cơm chờ sẵn.

Bữa cơm thân tình, ấm cúng với rượu nếp, thịt lợn rừng và cá nướng. Lúc lên đường, cả bản tiễn ra tận bến và dùng xô, chậu té nước những vị khách xa. Tiếp tục xuôi dòng, qua bản Xằng Trên (nơi đang quy hoạch xây dựng thuỷ điện Mỹ Lý), rồi bản Xằng Dưới cuối cùng cũng xuôi đến bến Xiềng Tắm. Toàn bộ dân bản và học sinh ra đón đoàn. Những cái bắt tay, lời chào nồng nhiệt. Tranh thủ khi trời còn sáng, tôi mượn xe máy dạo qua bản Xốp Tụ và Hoà Lý.

Cảm nhận về Mỹ Lý lúc này là một đại công trường, các nhà thầu đang tập trung thi công tuyến đường từ Mỹ Lý đi thị trấn Mường Xén và tuyến đường vành đai biên giới qua huyện Tương Dương và Quế Phong và các công trình phúc lợi dân sinh khác. Đã có đường bộ, người dân Mỹ Lý giờ đã sắm sửa xe máy, xe đạp nên việc đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Tác giả (áo xám) giao lưu với các thầy cô giáo
bản Cha Nga (Mỹ Lý).


Mặt trời khuất sau rặng núi, tôi thơ thẩn dạo bến Xiềng Tắm. Hàng chục chiếc xuồng gối đầu lên bãi cát. Dòng Nậm Nơn đoạn chảy qua đây xanh mượt, hiền hoà như dáng hình thiếu nữ Mỹ Lý. Thiếu nữ Xiềng Tắm nối bước nhau ra giặt giũ và hồn nhiên "tắm tiên", cho dù cách họ không xa hiện diện một người khách lạ. Có lúc họ đùa nghịch nhau rồi quay về phía người khách vẫy chào.


Sau bữa cơm tối, các vị khách chừng như mệt mỏi vì đã rong ruổi khá nhiều ngày nên kế hoạch giao lưu văn nghệ không thực hiện được. Tôi lại thơ thẩn ra bến đò để cảm nhận làn gió mát lành nơi đầu nguồn Nậm Nơn.

Kế hoạch giao lưu văn nghệ không thành, trai gái Xiềng Tắm và các bản khác lại kéo nhau ra bến sông tâm tình. Họ nhóm lên bếp lửa rồi cùng múa lăm vông, cùng cất lên điệu nhuôn, điệu xuối hoà âm với tiếng dặt dìu của khèn bè và khúc nhạc rì rào của dòng Nậm Nơn hùng vỹ. Lời đồn về "đất mỹ nhân" quả không ngoa, bởi thiếu nữ nơi đây ai cũng xinh đẹp, da trắng môi hồng, mái tóc óng mượt, bước chân nhịp nhàng...

Tôi hỏi Lương Thị Hảo, một thiếu nữ Xiềng Tắm: "Con gái Mỹ Lý nổi tiếng xinh đẹp, chắc có loại lá rừng tắm gội làm cho da dẻ mịn màng, mái tóc óng ả hơn?". Sau thoáng e ấp, Hảo trả lời: "Bao đời nay người dân quê em chỉ tắm gội nước sông Nậm Nơn, làm chi có cây lá thần kỳ hả anh. Nhưng bà nội em nói đất Mỹ Lý là nơi đầu nguồn dòng sông nên hội tụ nhiều khí thiêng, từ giọt nước, cỏ cây đến các sinh linh khác.

Vì thế, con gái quê em xinh đẹp nhất vùng". Đêm nay lại chếnh choáng men rượu cần và hương thơm từ những mái tóc dài của thiếu nữ Mỹ Lý cùng nhịp chảy muôn đời của dòng Nậm Nơn.


Sau buổi làm việc giữa đoàn công tác và lãnh đạo xã, bữa cơm trưa tiễn đoàn được dọn ra. Lại những lời chúc, những cái nắm tay thật chặt. Rồi điệu múa lăm vông nhịp nhàng. Lúc lên đường, bà con lại tiễn chân tận bến. Thiếu nữ Xiềng Tắm không quên mang theo xô, chậu để té nước. Sau khi té nước làm tôi ướt hết áo quần, Lương Thị Hảo còn với theo câu nói: "Gửi anh một ít tình cảm về xuôi để anh nhớ mãi người em gái Xiềng Tắm, Mỹ Lý".


Công Kiên