Nữ TNXP Nghệ An trên trọng điểm Seng Phan

09/07/2010 11:47

(Baonghean) - Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, những ký ức sâu sắc, chiến công hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong vẫn còn sống mãi với non sông đất nước, mãi mãi là những tấm gương hy sinh quên mình vì Tổ quốc đối với các thế hệ mai sau. Xin giới thiệu bài viết về một trung đội nữ TNXP Nghệ An làm nhiệm vụ trên đất nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm 1965-1975.

Seng Phan nằm về phía Nam huyện Lằng Khằng (thuộc tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào), là vùng trọng điểm địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.


Đơn vị TNXP Nghệ An tuyên thệ trước khi hành quân vào chiến dịch Thượng Lào. Ảnh tư liệu


Khi địch đã phát hiện được ta đang mở các tuyến đường phía Tây và tập trung vận chuyển hàng vào Nam bằng cơ giới, chúng đã dùng đủ loại máy bay trinh sát, các loại máy bay cường kích đánh chặn, khống chế xe pháo ta qua và huy động tối đa các loại máy bay ném bom hạng nặng B52, B57 đánh vào các hầm, ngã ba, ngầm, cua đường độc đạo… đặc biệt tập trung vào trọng điểm Seng Phan.

Seng Phan có tên gọi là cao điểm 505, có núi cao thẳng đứng, dưới chân núi là con đường huyết mạch phải qua, một bên đường là bãi sình lầy, nhiều năm liên tục địch đã chà đi xát lại ném tới hàng chục vạn quả bom đánh phá ác liệt vào nơi đây nhưng không thể nào đạt được ý đồ là chặt đứt cái “yết hầu” bởi nhờ có thành đá đứng chặn bao che nên phần lớn lượng bom cứ rớt xuống bãi sình.

Tại đây, ngoài lực lượng công binh, phòng không triển khai hai đầu, ba phía còn có một Trung đội nữ Thanh niên xung phong (TNXP), hầu hết chị em quê Nghệ An, ngày đêm bám trụ dưới chân núi trọng điểm làm nhiệm vụ khắc phục đường ngầm khi địch đến đánh phá gây hư hỏng, ách tắc.

Với trọng trách vô cùng nặng nề ấy, Trung đội đã xây dựng phương án và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó. Khẩu hiệu được kẻ to bên vách đá: “Địch phá ta sửa để xe, hàng vào đạt kế hoạch trước mùa khô”. Để thực hiện đúng khẩu hiệu đề ra đâu phải dễ dàng, mà là đánh đổi cả những năm tháng dài sự gian nan, vất vả, thiếu thốn, hy sinh bằng suốt ngày đêm vật lộn với đạn bom, đất đá.


TNXP mở đường sang phía tây Trường Sơn. Ảnh tư liệu


Ai đã qua, đã từng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở vùng trọng điểm này, đã chứng kiến những chị em làm nhiệm vụ nơi đây, hễ sau mỗi đợt địch đánh phá là lập tức có tiếng súng báo hiệu. Khi biết đường ngầm bị hư hỏng, họ ùa tới như những mũi xung phong vào đồn giặc, súng khoác vai tay cầm cuốc xẻng hì hục hất đào san lấp hố bom. Những cô gái trẻ trung ở tuổi 18 đôi mươi mà mỗi chị đã có trên 4 đến 5 tuổi quân, đã từng dày dạn phong sương trong bộ đồ đồng phục TNXP khét “mùi thuốc súng trộn vào áo trận”. Những o Tư, o Bảy, o Loan, o Thắm… trông nhỏ nhắn mảnh mai như tuổi học trò mới rời ghế nhà trường mà vật lộn kéo đẩy những tảng đá to hàng mấy tạ xuống hố bom, sang bên vệ đường. Họ cần mẫn ghép từng viên đá, đóng cọc cắm tiêu qua ngầm, dọc hai bên đường khi đã khắc phục xong là tiếng súng báo hiệu cho xe pháo lại tiếp tục vào ra. Có cô trong khi làm nhiệm vụ không may gặp phải đạn bom nổ chậm hoặc máy bay đến đánh bất ngờ chưa kịp vào hầm trú ẩn, bị thương vong, để lại tuổi thanh xuân trên núi rừng đất bạn hoặc mang trong mình những vết thương theo suốt cuộc đời.

Cuộc chiến tranh kéo dài, mọi sự hy sinh mất mát thiếu thốn là đều mà tất cả TNXP đã xác định và vui lòng đón nhận. Nhưng nếu cũng phải chịu đựng hoàn cảnh đó đối với nam giới có thể dễ vượt qua hơn, đằng này là chị em nữ, thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu thuốc men, cả mọi thứ sinh hoạt của phụ nữ cũng không đảm bảo. Những cơn sốt rét rừng cứ hoành hành, nước da tái xám, môi thâm, đúng như nhà thơ Quang Tuyền viết “chỉ có miệng cười là nguyên vẹn riêng em”.

Gian khổ, thiếu thốn, hy sinh là vậy, nhưng tính của con gái xứ Nghệ hay hát, hay cười, trong đêm khuya khoắt nghe giọng nói tre trẻ, râm ran và vui cười thoải mái, những khúc hát, câu ví, điệu hò lại lanh lảnh cất lên trong đêm khuya khoắt nơi núi rừng hiểm trở. Niềm lạc quan yêu đời đó đã tác động mạnh mẽ vào tâm hồn người lính chúng tôi, nhất là những anh chị em lái xe khi có được những lần vượt qua trọng điểm Seng Phan này. Ngày ấy cánh lái xe cứ kháo nhau “Ai có qua trọng điểm Seng Phan, dù chỉ một lần thôi cũng đủ cảm phục tính gan góc và sáng tạo của Trung đội nữ TNXP nơi đây, thật xứng danh con cháu của Bà Trưng Bà Triệu, em của chị Út Tịch anh hùng”. Những gương dũng cảm trong phục vụ chiến đấu, thành tích, sáng kiến trong khi làm nhiệm vụ được báo cáo trước Hội nghị tổng kết cuối mùa khô hàng năm tại Binh trạm 12.


Nữ TNXP đang lấp hố bom, san đường, đảm bảo thông xe ra tiền tuyến.
Ảnh tư liệu


Cho đến nay, cuộc chiến tranh đã qua đi trên 35 năm, người viết bài này đã cùng một thời chia sẻ ngọt bùi với tất cả những ai, với Trung đội nữ TNXP Nghệ An trụ bám trên tuyến đường phía Tây của nước bạn trong những năm tháng bền gan đọ sức quyết liệt với kẻ thù.

Giờ đã ở vào cái tuổi trên 60 cả rồi, ai còn ai mất, cuộc sống mới có thể quên đi nhiều nhưng trong mỗi chúng ta luôn nhớ và tự hào thời tuổi trẻ ngày ấy, tất cả đã thể hiện rõ khí tiết, lòng quả cảm, trung thành, trọn tình đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của quê hương đất nước.

Nguyễn Hoạt Mười