Bằng cấp...

14/12/2010 11:42

Báo chí đã không biết tốn bao nhiêu giấy mực nêu vụ việc bằng cấp giả của một số cán bộ các cấp các ngành...

Báo chí đã không biết tốn bao nhiêu giấy mực nêu vụ việc bằng cấp giả của một số cán bộ các cấp các ngành muốn hợp pháp hóa cái ghế của mình. Báo chí cũng phàn nàn nhiều về chất lượng ngày càng kém của nhiều trường tại chức, trường đại học mở, lớp học từ xa... thế nhưng gần đây cũng chính báo em lại khen, và chê khi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ra quyết định: "không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan Nhà nước và "nói không với tình trạng "xin-cho".

Nếu cán bộ quan chức nào có con em tốt nghiệp hệ tại chức cũng không thể xin được vào bộ máy nhà nước vì thành phố đã công khai quy định này.

Năm 2010, thành phố Đà NΩng thực hiện đã nhận 2 tiến sỹ, 16 thạc sỹ và 64 sinh viên khá, giỏi về địa bàn và sắp xếp đúng nghề nghiệp. Khen là như vậy nhưng băn khoăn thì lại lo "bỏ sót người tài" và quan niệm thế nào là học tại chức? Số băn khoăn cho rằng học tại chức bây giờ có tên gọi mới là hệ "vừa học vừa làm".

Tức là đối tượng đã có việc làm muốn đi học thêm, nghĩa là làm trước học sau mục đích để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ chứ không nặng tính xin việc như các hệ đào tạo khác. Vậy thì, sau khi được "nâng cấp" nếu họ muốn xin việc nơi khác, sao lại không nhận ?

Tôi nghĩ, đã quy định theo một tiêu chí nào đó thì tất nhiên sẽ có một bộ phận thiệt thòi, nhà quản lý không thể đáp ứng tất thảy mọi đối tượng được. Vấn đề là cách thức ấy có làm cho tình hình tốt lên, hiệu quả công việc có thuận hơn. Tất nhiên như ta biết: chất lượng cao đôi khi không đồng nghĩa với bằng cao; nhưng nó cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá, sàng lọc đầu vào.

Đơn vị hành chính công là nơi sử dụng nhiều lao động và người dân là đối tượng chính thụ hưởng từ hoạt động của các đơn vị hành chính công. Chẳng hạn, nếu tuyển một người không trình độ chính quy vào bộ máy rồi thì khó còn chỗ và cơ hội cho người đào tạo bài bản, giỏi giang khác vào công tác. Còn việc "vừa học vừa làm" thì rất nên khuyến khích nhưng khi học xong nên quay về nơi đang làm việc để cống hiến.

Ở đó cũng đang cần người giỏi và hơn nữa cách ấy là sống ân nghĩa với nơi gửi mình theo học. Làm như Đà Nẵng tôi nghĩ cũng không bỏ sót nhân tài vì còn nhiều kênh chiêu hiền đãi sỹ khác thành phố đã và đang áp dụng.


Thành Nam