Lời Người vang mãi đến hôm nay

19/08/2010 10:51

"Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi khó khăn để đi đến thắng lợi cuối cùng..."

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cách đây 62 năm (11-6-1948) tưởng như mới hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị mà mỗi người dân Việt Nam cần ghi nhớ và làm theo. Nhiệm vụ đặt ra đã 62 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, nhưng hôm nay, trong những ngày tháng Tám lịch sử này, mỗi người chúng ta vẫn thấy cần tiếp tục phấn đấu, tiếp tục thi đua, tiếp tục trở thành những chiến sỹ "để đi đến thắng lợi cuối cùng".

Với mỗi người dân trên quê hương Xứ Nghệ, học tập và làm theo "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác chính là tham gia và hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, là việc làm thiết thực để thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Trung ương Đảng phát động. Đó là những phong trào thi đua của ngành Nông nghiệp: "chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi", "phủ xanh đất trống đồi núi trọc", "phấn đấu thu nhập cao trên một đơn vị diện tích canh tác"; ngành Công thương, Xây dựng, Giao thông - vận tải: "Thực hiện 8 chữ vàng chất lượng, tiến độ, an toàn, tiết kiệm", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi, bàn tay vàng", "phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề"; lĩnh vực văn hoá - xã hội: "Xây dựng nếp sống văn hoá", "xây dựng gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá", "Thực hiện kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "thi đua 2 tốt, thực hiện Cuộc vận động 2 không", "xây dựng trường chuẩn quốc gia", "xã đạt chuẩn quốc gia về y tế", "Thầy thuốc như mẹ hiền", "thực hiện 12 điều y đức"...và nhiều phong trào thi đua khác trong lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức đoàn thể, chính trị.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc. Chỉ trong vòng 5 năm (2006 - 2010) đã có 3 tập thể và 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 4 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 7 chiến sỹ thi đua toàn quốc; tặng thưởng và truy tặng hơn 350 Huân chương các mức hạng cho các tập thể và cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng hơn 650 Bằng khen, 60 cờ thi đua; nhiều cá nhân được phong tặng các danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", "Thầy thuốc ưu tú", "Nghệ sỹ ưu tú"; hàng nghìn tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, tập thể lao động xuất sắc, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn giỏi, giám đốc doanh nghiệp giỏi và nhiều bằng khen, giấy khen các loại...Ghi nhận những kết quả, thành tích Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đạt được, năm 2007 tỉnh Nghệ An vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Việc khởi xướng phong trào thi đua ái quốc của Bác chính là nhằm "làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần"; theo Người "Lấy gương người tốt, việc tốt đó để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức một cách đầy đủ tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước là "Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ Cuộc vận động thi đua yêu nước". Bác cũng khẳng định về chiều sâu của công tác thi đua là "Mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi gia đình đều nên ký giao kèo thi đua thực hiện kế hoạch chung của Chính phủ. Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm... phải chống nạn tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của, sức lực và thời giờ của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô lãng phí".

Lịch sử cách mạng và những thành tựu toàn Đảng, toàn dân ta đạt được qua các thời kỳ cách mạng đã chứng minh, trong bất kỳ thời gian nào cũng không thể thiếu phong trào thi đua. Bởi thi đua là sự "đọ sức" trong lao động và sáng tạo. Hơn nữa thi đua yêu nước còn làm cho con người đoàn kết, gắn bó và thân tình, cởi mở với nhau hơn, bảo đảm lợi ích cho mình, cho tập thể và cho xã hội. Chúng ta - những người con trên quê hương "Nghĩa trọng tình cao" của Người sẽ mãi mãi ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cách mạng càng khó khăn càng cần phải tổ chức phong trào thi đua để vượt qua mọi khó khăn và vững bước tiến lên".


Báo Nghệ An