Có một tiểu thuyết về Lý Công Uẩn

05/10/2010 17:31

Đó là cuốn Lê triều Lý thị của Phạm Minh Kiên, xuất bản năm 1931 ở Nam bộ. Trước đó chưa có cuốn tiểu thuyết nào về Lý Công Uẩn, nên Lê triều Lý thị được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, và Phạm Minh Kiên là Tiểu thuyết gia đầu tiên của Việt Nam viết về vị minh vương khai lập triều Lý, khai mở thời kỳ thái bình thịnh trị lâu dài của nước Đại Việt.

(Baonghean) - Đó là cuốn Lê triều Lý thị của Phạm Minh Kiên, xuất bản năm 1931 ở Nam bộ. Trước đó chưa có cuốn tiểu thuyết nào về Lý Công Uẩn, nên Lê triều Lý thị được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, và Phạm Minh Kiên là Tiểu thuyết gia đầu tiên của Việt Nam viết về vị minh vương khai lập triều Lý, khai mở thời kỳ thái bình thịnh trị lâu dài của nước Đại Việt.

Ông là tác giả của 20 cuốn tiểu thuyết với nhiều thể loại, trong đó 6 tiểu thuyết lịch sử (Vì nước hoa rơi (1926), Việt Nam anh kiệt - Vì nghĩa liều mình (1926), Việt Nam Lý trung hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt 1929), Lê triều Lý thị (1931), Tiền Lê vận mạt (1932), Trần Hưng Đạo (1933).

Dưới bút danh Dương Tuấn Anh, Tuấn Anh, ông còn để lại những bài viết sắc sảo trên các báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Đông Pháp thời báo, Nam Kỳ kinh tế báo…được đánh giá là Nhà báo cự phách trong làng báo nước nhà thời ấy.

Trong các tiểu thuyết lịch sử kể trên, Lê triều Lý thị là một tác phẩm xuất sắc viết về Lý Công Uẩn, cuốn tiểu thuyết thể hiện thành công cuộc đời, đạo đức, sự nghiệp của một vị vua lý tưởng đúng như người Việt Nam quan niệm.

Công Uẩn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thân mẫu tên là Cúc Hoa mồ côi cha mẹ, làm công quả cho chùa Tiên Sơn. Đêm Cúc Hoa chiêm bao thấy ông thầy tu trên núi đem cho một trái đào tiên, nàng kính cẩn đón nhận và ăn, tỉnh giấc thấy mình có thai. Có chàng nông dân nghèo khó tên là Lý Kỳ Xuân cùng cảnh ngộ mồ côi, ngày đi làm thuê đêm về trong chùa ngủ nhờ, Kỳ Xuân đem lòng yêu thương Cúc Hoa, hai người nên duyên vợ chồng. Thấy bụng Cúc Hoa càng ngày càng to, sư trụ trì chùa biết chuyện cho là hai người làm điều ô uế chốn thiền môn nên đuổi cả hai ra khỏi chùa. Hai mảnh đời lang thang đến một ngôi nhà hoang, cạnh ngôi nhà có giếng nước, Kỳ Xuân trong khi múc nước uống chẳng may bị sảy chân ngã xuống giếng, Cúc Hoa chưa kịp nhảy xuống cứu thì đất lở ào ào, loáng đã vùi lấp giếng. Nghĩ thương đứa con trong bụng không dám tự tử, Cúc Hoa đành quỳ khóc bên giếng lạy Kỳ Xuân ba lạy rồi ra đi.

Nhà sư trụ trì chùa Ứng Tâm đêm nằm mơ thấy Long thần mách bảo: Ngày mai có vua tới vãn cảnh chùa. Sư đợi suốt ngày chẳng thấy vua, đến tối mịt thấy một người đàn bà đói rách bụng mang dạ chửa lần tới chùa xin ngủ nhờ. Canh ba đêm ấy Cúc Hoa chuyển dạ sinh hạ chú bé khôi ngô, xung quanh chú bé có hào quang rực rỡ như ánh mặt trời. Sau khi sinh nàng lìa đời vì hậu sản, sư trụ trì bế đứa bé thấy hai bàn tay có hai chữ “sơn hà” và “xã tắc”, sư vui mừng đặt tên bé là Hoằng Trí.

Lớn lên trong chùa, Hoằng Trí thông minh sáng dạ, hiếu động nghịch ngợm, bánh cúng cho Long thần bị chú lấy và khoét ruột ăn. Long thần mách sư trụ trì, bị nhà sư quở trách chú bèn viết vào lưng Long thần 4 chữ “Lưu tam thiên lý” (Đày đi ba ngàn dặm). Đêm ấy sư mơ thấy Long thần đến kêu than bị Hoàng đế đày đi ba ngàn dặm, nhờ sư xin Hoàng đế đại xá cho. Sáng ra sư cho người lau 4 chữ trên lưng Long thần nhưng không tài nào sạch được, sư đành nhờ Hoằng Trí, cậu bé dùng khăn ướt lau qua đã sạch bóng.

Sư Vạn Hạnh bên chùa Tiên Sơn sang chơi, sư trụ trì chùa Ứng Tâm cho Hoằng Trí đi theo để học kinh sách võ nghệ. Thời gian sau sư Vạn Hạnh chuyển Hoằng Trí cho sư Lý Khánh Vân (là anh em thúc bá trụ trì chùa Cố Pháp) dạy dỗ. Sư Lý Khánh Vân nhận Hoằng Trí làm con nuôi đặt tên là Lý Công Uẩn. Chiến tích đầu tiên của tiểu Uẩn là giết rắn dữ cứu dân lành. Sau khi sư Khánh Vân viên tịch, tiểu Uẩn bắt đầu quãng đời hành hiệp và kết giao anh hùng, đánh thắng nhóm cướp do Tần Mạnh Duy, Đào Quỳ đứng đầu khi bọn họ định đến cướp nhà một ông Viên ngoại. Nhưng đây là nhóm cướp có lý tưởng - “cướp của người giàu chia cho người nghèo”, nên Lý Công Uẩn nhận kết nghĩa anh em với chủ sơn trại, đồng thời lại được Viên ngoại gả con gái là Trần Bạch Loan cho. Sau đó Lý Công Uẩn giết chết tên tri huyện tham tàn để cứu người lương thiện khỏi nanh vuốt của hắn. Giữa đường sau khi đánh thắng một nhóm cường đạo, Lý Công Uẩn lại kết giao với tướng cướp là Châu Phước Nghĩa. Gặp toán thảo khấu người Nùng đang ức hiếp con gái nhà lành, Lý Công Uẩn giết chết tên đầu đảng, cứu được cô gái. Hỏi ra mới biết đó là Xuân Kiều, con gái một viên quan thanh liêm mà chàng từng quen biết trước kia, chàng đưa nàng về nhà người chú ruột ở Thái Nguyên. Đêm ngủ ở miếu ven đường, chàng nằm mơ gặp thần nhân, được thần cho 3 viên thuốc uống vào sẽ khỏi hết tai nạn, đồng thời cho một quyển Thiên thư để làm bửu bối. Thần cũng mách bảo cho biết: Xuân Kiều chính là người sẽ xe tơ kết tóc với chàng. Trên đường đi Lý Công Uẩn giết chết cọp dữ, cứu được quan Thượng thư bộ Binh là Đào Cam Mộc, nhờ thế mà chàng và nhóm anh em kết nghĩa được Cam Mộc thu dụng cho đi theo đánh giặc phương Nam giúp vua Lê Đại Hành.

Lý Công Uẩn được một người dân dâng cho một bộ áo giáp và mũ trụ bạc, một cây siêu nặng tám chín chục cân vừa đào được và mách bảo: Ngày mai ông sẽ gặp người cần những thứ này. Lý Công Uẩn hết lòng phò trợ chân chúa Lê Đại Hành: đánh thắng được giặc phương Nam là Lỗ Trí Viễn, rồi Thiên Oai động chủ, cứu được Liên Hoa công chúa em gái vua Lê Đại Hành. Chiến thắng trở về, Lý Công Uẩn được phong tước Quận công Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Đại nguyên soái tổng đốc toàn quốc binh mã, được vua Lê Đại Hành gả em gái cho. Lý Công Uẩn tâu xin rước 2 người vợ đã đính ước trước là Trần Bạch Loan con gái Viên ngoại,và Xuân Kiều - người chàng từng giải cứu đưa về nhà chú ở Thái Nguyên.

Vua Lê Đại Hành băng hà, Thái tử Trung Tôn lên nối ngôi. Trung Tôn bị người em ruột là Long Đĩnh giết. Long Đĩnh hoang dâm tàn ác vô độ, làm vua được hai năm thì chết. Lý Công Uẩn về cư tang, mới tới thành thì được các quan đại thần Đào Cam Mộc, Phạm Cự Lượng và bá quan văn võ tung hô vạn tuế, xin Công Uẩn lên làm vua để yên thiên hạ, Công Uẩn từ chối không được bèn lên ngôi xưng là Lý Thái Tổ. Nhà vua tri ân bố đức, mở mang trong nước “từ đây bốn bể lặng trang, chẳng còn sóng gió vỡ tan bờ cõi”.

Lê triều Lý thị viết theo thể loại tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. Chuyện hấp dẫn từ đầu đến cuối với nhiều tuyến nhân vật đan xen, nhiều thế lực đấu tranh lẫn nhau, thắt nút mở nút xung đột liên tục, chuyện nọ nối tiếp chuyện kia; có người hiền lương bị hãm hại, kẻ cô thế bị đoạ đày, gái kiên trinh bị nạn; có cứu nạn phò nguy (đánh cướp, giết thú dữ, bình giặc biên cương…). Là cuốn tiểu thuyết lịch sử hư cấu là chủ yếu, chỉ dựa vào ít trang viết về Lý Công Uẩn trong các sách sử ký Đại Việt sử ký, Đại Nam thực lục tiền biên, Việt Nam sử lược và sách tiểu truyện danh nhân như Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính, tính hư cấu của tiểu thuyết át hẳn tính chân xác của lịch sử. Có thể nói Lê triều Lý thị “hai phần thực, tám phần hư”. Nhờ tính hư cấu ấy mà tác phẩm đã diễn tả một cách sinh động hình tượng vị anh quân, minh quân Lý Công Uẩn trải bao sóng gió, lập nhiều công trạng, lên ngôi chí tôn, mở ra một thời kỳ thái bình thịnh trị kéo dài, đặt nền móng vững chắc xây dựng một đất nước văn hiến hùng mạnh ở cõi trời Nam. Truyện được viết bởi lời ăn tiếng nói của người bình dân Nam bộ chân chất, khoẻ khoắn, gợi đến áng văn Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu trước đó, những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt… cùng thời.

Việc Phạm Minh Kiên và một số nhà văn Nam bộ cùng thời viết tiểu thuyết về lịch sử dân tộc là hiện tượng đặc biệt, khác với truyền thống văn học trước đó. Trong văn học Nam bộ từ TK 19 về trước, ý thức về nền thống nhất đất nước thì rất mạnh nhưng cảm hứng về cội nguồn dân tộc thì còn mờ nhạt. Trong khi đó người ta lại thấy lịch sử dân tộc trước triều Nguyễn được nói đến rất nhiều trong các sáng tác của các tác giả Trung - Bắc như: Cao Bá Quát, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng, Chu Mạnh Trinh… Vì vậy, việc các nhà văn Nam bộ từ thập niên 20 của thế kỷ 20 trở về sau viết nhiều về lịch sử dân tộc là một hiện tượng mới mẻ thú vị. Khi viết về lịch sử dân tộc, các Nhà văn ý thức rất rõ về công việc của mình là nhằm phổ biến quốc sử vào dân chúng, qua đó hun đúc lòng yêu nước tự hào dân tộc. Trong lời tựa tiểu thuyết Lê triều Lý thị Phạm Minh Kiên viết: Sự tích ly kỳ của ông Lý Công Uẩn chẳng khác nào Triệu Khuông Dẫn bên Tàu: mà Triệu Khuông Dẫn người ta đã có đem ra thêu thùa bày vẽ, sắp đặt nên truyện nên tuồng rất dài để bia danh nên giá; còn Lý Công Uẩn nhà ta thì chôn chặt ở trong hòm quốc sử.

Tóm lại, đầu thế kỷ trước, các nhà văn Nam bộ lấy đề tài từ cảm hứng lịch sử dân tộc đã cho thấy bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng các nhà văn. Đằng sau loại văn chương tưởng như giải trí là cả một ý thức rất cao, một tình cảm nồng nàn về cội nguồn và sự thống nhất dân tộc. Đó cũng là một trong những đóng góp quan trọng của những nhà tiểu thuyết lịch sử Nam bộ đối với tư tưởng và văn học dân tộc. Trong số các nhà tiểu thuyết lịch sử cùng thời để lại dấu ấn trên văn đàn, Nhà văn Nhà báo Phạm Minh Kiên chiếm vị trí trang trọng nhất trong lòng bạn đọc.


Mai Thạch Anh (Sưu tầm và biên soạn)