Hồn quê về lại…

10/02/2011 14:05

(Baonghean) - Đến hẹn lại lên, không ai bảo ai, đêm 30 tháng Chạp, nam thanh nữ tú quê tôi – làng Phong Nậm, Ngọc Sơn, Thanh Chương (Nghệ An) tập trung đông đủ về nhà văn hóa xóm đốt lửa đón giao thừa.

Thuở còn nhỏ, tôi ước mình một lần dám ngồi lên chiếc đu để bay cao lên không trung. Nhưng rồi, thanh niên và người lớn trong làng tất bật với công việc làm ăn mà quên đi thú vui ấy, hình ảnh nam thanh nữ tú quần hồng phấp phới chỉ còn trong thơ ca nhạc họa. Và ước mơ của tôi một lần được bay cao trong không trung cùng với chiếc đu sao mà xa vời thế? Giữa cuộc sống bộn bề, dịp cuối năm, người làm ăn xa, kẻ ở gần chỉ có thể hội ngộ, chuyện trò bên bếp lửa, hát vang khúc hát chúc mừng năm mới, trong hơi men cay của rượu. Chừng đó cũng đủ để gợi nhớ hồn quê, đưa tôi về với những năm tháng tuổi thơ khi tết đến xuân về.

Cuộc vui rục rịch từ xế chiều. Củi được thanh niên làng tập trung về nhà văn hóa xóm, dựng thành hình tháp bút. Cặp loa đại kèm theo micoro có công suất lớn được khiêng tới. Chịu trách nhiệm cho khâu chuẩn bị không chỉ là Ban chấp hành đoàn xóm mà còn là cả những thanh niên hăng hái. Mọi người chờ đợi thời khắc giao thừa và tập trung đông đủ tại nhà văn hóa lúc còn sớm.


Đón giao thừa bên ánh lửa bập bùng.

Làng tôi tựa lưng vào ngọn núi, dân cư đông đúc, sum vầy, lâu nay, dù cuộc sống có trăm phần bộn bề thì nét đẹp văn hóa, hồn quê vẫn còn được lưu giữ. Trong thời khắc thiêng liêng đất trời chuyển mình qua năm mới, mọi người quây quần bên bếp lửa. Tiếng loa vang lên, mọi người chúc nhau chén rượu, ly bia, cùng “zô” trong niềm hân hoan đón chào năm mới. Khi rượu nồng nồng, sắc hồng trên các khuôn mặt đã được điểm tô thì coi như cuộc vui mới thực sự bắt đầu. Các cụ già là chứng nhân lịch sử đã trải qua bao nắng gió đã có một thời vui vầy bên bếp lửa nay đứng nhìn lớp con cháu hăng say ca hát; bậc trung niên cũng bị cuốn vào vòng tròn nhảy múa cùng với thanh niên làng. Lúc này, loa phát thanh được tăng hết công suất, trong tiếng nhạc chúc mừng năm mới, bên bếp lửa bập bùng, người nhảy, người hát tưng bừng rộn rã. Không còn tiếng pháo nổ như ngày xưa, không còn những hiểm nguy rình rập, thay vào đó là những thanh âm rộn rã cộng hưởng làm nên sắc tết mới. Trời vẫn rét căm căm, gió vẫn thổi nhưng lòng người ấm lại, không se sắt mà rộn rã tưng bừng. Lửa được tiếp sức vụt cháy thành cột lửa, tàn củi đỏ bay mịt bầu trời tạo nên những hoa văn đẹp như tranh vẽ. Lửa không tàn trước lúc trời sáng, thanh niên làng chưa về nhà khi rượu chưa cạn…

Sáng mai thức giấc, trời lất phất mưa phùn, se se lạnh, gió nhẹ đưa, hương xuân ngập tràn ngõ trên xóm dưới. Mọi người bắt đầu ra đường, rẽ về nhà thờ họ để cúng bái tổ tiên, gặp lại anh em họ hàng và bắt đầu hành trình chơi xuân mới. Các cụ già thường ở nhà nhận những lời chúc phúc của con cháu, họ hàng; nam thanh nữ tú tay trong tay đi từ nhà này đến nhà khác chúc mừng năm mới để chuẩn bị sang những làng bên cạnh du xuân. Năm nào cũng thế, ngày mừng thọ các cụ trong làng thường được tổ chức vào mồng 3. Anh em họ hàng tập trung rước các cụ ra nhà văn hóa xóm mừng lễ yến lão. Chừng đó không sưởi ấm cả một mùa xuân rét buốt nhưng đủ sức gợi lại trong lòng người những ngày xưa cũ.


Võ Văn Dũng