Kỳ 1: Nỗi niềm quê cũ, quê mới!

28/02/2011 11:21

Trước Tết Nguyên đán, trên Báo Nghệ An đã phản ánh về thực trạng một số đồng bào tái định cư ở Thanh Chương (thuộc Dự án Thủy điện Bản Vẽ) rời nơi ở mới quay trở về quê cũ làm ăn. Đến nay hiện tượng này vẫn đang tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng.


Từ bến đò mới Thượng Lưu, ngay sát trên đập Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), đi thuyền ngược dòng Nậm Nơn mất 1 tiếng, cộng thêm hai tiếng đi bộ nữa, chúng tôi mới vào được khe Kim Hồng (thuộc bản Kim Hồng, xã Kim Tiến cũ nay là xã Hữu Khuông).

Bất ngờ lớn là tại khe Kim Hồng có tới 65 lán trại bằng tre nứa do người dân bản Kim Hồng đã di dời đến TĐC tại xã Ngọc Lâm- Thanh Chương nay quay về dựng tạm để phát rẫy, nuôi thả trâu bò. Có hộ đi cả nhà và ăn tết ngay trên quê cũ như hộ ông Lô Lợi (4 khẩu), Lô An ( 4 khẩu) hộ Lô Khăm Bông (4 khẩu)....

Những chiếc lán dựng tạm ven sông của đồng bào tái định cư


Gặp anh Lô Khăm Bông trong ngôi lán tạm trên quê cũ, anh rầu rầu nói: "Về nơi ở mới tại Thanh Chương từ tháng 5 năm 2009, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được bàn giao đất sản xuất. Không có đất, muốn trồng cây rau, cây sắn cũng chịu, nên phải tạm đưa trâu bò về quê cũ làm ăn thôi, không lẽ ngồi bó gối chịu đói?". Về quê mới làm ăn là trái chủ trương đấy! Gợi ý vậy, thì phần lớn đồng bào về lại quê cũ đều bày tỏ những nỗi niềm phấp phỏng. Rừng cũ, rẫy cũ nhưng lòng người đầy ắp cái khó mới mất rồi...


Trở ra huyện, chúng tôi bất ngờ hơn với con số mà UBND huyện Tương Dương cung cấp: số hộ từ khu TĐC huyện Thanh Chương và Tương Dương quay trở lại khu vực lòng hồ làm ăn lên tới 119 hộ, trong đó đông nhất là bản Kim Hồng 33 hộ, bản Tổm 27 hộ, Nhạn Mai 21 hộ, Nhạn Pá 21 hộ... Ông Nguyễn Hồ Cảnh- Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Việc đồng bào tái định cư quay trở về quê cũ dựng lều, phát rẫy là trái phép. Họ ở rải rác và thường "đi không ai biết, đến không ai hay" nên rất khó khăn cho chính quyền trong vấn đề nắm bắt và quản lý hành chính. Một hệ quả nữa là ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của hơn 52 hộ dân khác đang sống trong vùng lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ chưa kịp di dời. Về lâu dài, tình trạng trên còn gây khó khăn cho vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực lòng hồ..."


Trở lại vùng tái định cư ở Thanh Chương, đến ngay bản mới Kim Hồng (xã Ngọc Lâm), cảnh làng bản đìu hiu, vườn tược xơ xác. Ông Chưởng Văn Điệp- Bí thư chi bộ bản Kim Hồng phản ánh: "Sau sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, chế độ cho người dân đã được giải quyết kịp thời, Ban Quản lý Thuỷ điện 2 đã khắc phục hệ thống nước sạch tự chảy, trang bị các thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hoá, làm lại cây cầu dẫn vào bản...

Song, điều mà bà con thực sự mong mỏi là được cấp đất để sản xuất. Sau tết, lương thực cạn kiệt, nguy cơ thiếu đói xảy ra nên lao động chính trong bản phải đi làm thuê hoặc quay về quê cũ làm ăn. Toàn bản có 102 hộ, 436 khẩu, đi đi về về giữa quê cũ, quê mới cũng có ước chừng hơn 100 khẩu, trong đó có 3 hộ đã bán nhà ở khu tái định cư mới là Quang Văn Hoành, Quang Văn Đào, Lương Văn Hùng"...

Người dân tái định cư tiếp tục trở về quê cũ đốt nương làm rẫy.


Nỗi lo lớn là trong thời gian tới, rất có thể con số người dân bỏ quê mới về quê cũ sẽ tăng cao, nếu các cấp ngành không có giải pháp, biện pháp để kiên quyết xử lý. Ngoài do đồng bào đến nơi mới chưa được cấp đất sản xuất theo qui định nên họ phải tạm quay về quê cũ phát rẫy làm ăn, kiếm sống; thì còn do chưa bắt nhịp được với cuộc sống mới, vẫn quen với phương thức quảng canh nên dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại...


Đặc biệt, hiện nay đang có tình trạng xâm chiếm đất sản xuất trên các khu đất của đồng bào tái định cư ở 2 xã mới Thanh Sơn và Ngọc Lâm (Thanh Chương). Người lấn là chủ các trang trại dân bản địa và các hộ đồng bào tái định cư đến trước lấn đất của bản đến sau. Cụ thể tại xã Thanh Sơn ( từ khu số 1 đến khu số 7) diện tích đất sản xuất đã chia đến thời điểm hiện nay là 1.021 ha cho 785 hộ.

Diện tích còn lại chưa chia là 512 ha do phần diện tích này đang bị dân các khu 3,4 di dời về trước lấn chiếm đất của khu 1A, 2. Tính đến thời điểm hiện tại các khu tái định cư chưa được bàn giao đất sản xuất ở Thanh Sơn là 1B,1C, 1D, 7B gồm 178 hộ, diện tích chưa thể tiến hành chia là 386 ha, nguyên nhân là do bị người dân bản địa lấn chiếm và do đồng bào tái định cư chê đất xấu, không chịu nhận đất. Ở xã Ngọc Lâm (từ khu số 8 đến khu số 14) diện tích đất sản xuất đã chia là 1.234 ha cho 762 hộ.

Diện tích còn lại chưa chia là 195 ha do đang bị dân sở tại xã Thanh Hương trồng cây lấn chiếm và một một phần diện tích là đất sỏi đá nên dân bản kiến nghị không nhận. Các khu tái định cư đã chia đất nhưng chưa bàn giao đất là 8, 11A, 13, 14A gồm 417 hộ với diện tích 852 ha do đang bị người dân các bản di dời về trước trồng cây lấn chiếm và dân không chịu nhận đất vì chê đất ít. Theo qui định tạm thời về bồi thường, di dân tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ thì mỗi hộ trung bình được cấp 1,5 ha đất nhưng hiện nay xã Ngọc Lâm có tới 7/14 bản vẫn chưa được giao đất.

Riêng bản Kim Hồng theo qui hoạch được bàn giao 258,65 ha đất trong đó diện tích đất ở là 12,5 ha, đất sản xuất 227,8 ha, đất ao cá 4,1 ha, đất giao thông thuỷ lợi 1,55 ha, đất hoang hoá 12,7 ha. Hiện tại người dân Kim Hồng vẫn chưa được nhận đất do đang bị 4 trang trại của người dân Thanh Hương và 86 hộ dân các bản đến trước như bản Tà Xiêng, bản Mà lấn chiếm trồng cây lâu năm như keo, sắn trên đất canh tác...

(Còn nữa)


Gia - Thanh Phúc