Chuyện về những lao động trở về từ Libya

06/03/2011 17:55

(Baonghean) - Có mặt tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vào những ngày này, hầu hết ở mọi ngả đường, ngõ xóm… chuyện được người dân bàn tán chủ yếu là con em trong xã đang mắc kẹt lại Libya.

Từ 4 ngày nay, ngôi nhà 2 gian của anh Nguyễn Lệ Minh (sinh 1980, xóm 9, xã Xuân Hòa, Nam Đàn) luôn chật kín người đến thăm, bởi anh là người trở về sớm nhất trong huyện từ vùng bạo loạn tại Libya. “Từ hôm nó về, bà con đều đến hỏi thăm liên tục, vừa là chúc mừng vừa hỏi tình hình con em họ bên đó thế nào, có nhiều người thấy nó rồi khóc luôn ngay nhà tôi, nhìn họ tội lắm các chú à!” bác Loan - mẹ anh Minh cho biết.


Những người cha ngày đêm ngóng tin con từ Libya.

Theo anh Minh thì tình hình tại quốc gia Libya đang hết sức phức tạp và bất ổn, tiếng còi rú, đạn nổ chát chúa cả ngày đêm. Tất cả các công nhân Việt Nam nói riêng và các lao động nước ngoài đang làm việc ở đất nước này đều không được ra ngoài, thức ăn nước, uống đều sử dụng bằng con đường tiếp tế. “em được về trước là vì công ty của em làm trong sân bay nên sau khi có thông tin bất ổn liền được công ty thu xếp để về nước liền, còn nhiều rất nhiều người đang ở Liya, chen chân chật cứng cả sân bay”, anh Minh nói.

Theo như chúng tôi tìm hiểu thì tại xóm 9, xã Xuân Hòa có tất cả 13 thanh niên đang lao động tại Libya, tuy nhiên đến thời điểm này mới có anh Minh là người duy nhất đã về nước.


Bà Vinh ôm mặt khóc khi chưa biết tin con.

Theo chỉ dẫn của anh Minh, chúng tôi ghé qua nhà chị Lê Thị Tứ (sinh 1951) mẹ của lao động Trần Văn Tình (sinh 1987) khi chị đang nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Gặp chúng tôi, như một phản xạ chị chùi nước mắt và hỏi dồn dập, sau khi lấy lại bình tĩnh, chị tiếp lời: “Tình là con trai đầu, sau khi học xong phổ thông, nó đi xuất khẩu lao động sang Malayxia, nhưng rồi sau 3 năm làm ăn cũng trở về trong tay trắng. Năm 2008 nó lại tiếp tục đi lao động tại Libya… gia đình chạy vạy cũng đủ số tiền 38 triệu cho nó đi, trông cho nó bình an mà về, có nợ cũng cố gắng trả được”.

Cạnh nhà chị Tứ là gia đình bác Võ Trọng Vinh (sinh 1963), có con là Võ Trọng Thành (sinh 1989) cũng đi lao động tại Libya. Cũng giống như những gia đình khác, Thành đi xuất khẩu vào tháng 7/2010 với chi phí ban đầu gần 40 triệu đồng. “cả gia đình tôi như đứng trên đống lửa, mỗi ngày chúng tôi xem tivi không biết bao nhiêu lần, giờ chỉ mong các cấp giúp đỡ cho con em được trở về với gia đình” bác Vinh chia sẻ.

Nỗi niềm của những người cha người mẹ nơi mảnh đất nghèo này cũng là nỗi niềm của hàng nghìn bà mẹ đang có con làm việc tại Libya, tưởng rằng sẽ có công việc phụ giúp gia đình nhưng những hi vọng đó không thành hiện thực, khi mà những người con của họ đang mắc kẹt tại nơi hỗn loạn này.


Anh Nguyễn Lệ Minh là người trở về từ Libya sớm nhất huyện Nam Đàn.

Trong những thanh niên đang làm ăn tại Libya của xóm 9, xã Xuân Hòa thì buồn nhất vẫn là anh Nguyễn Lệ Thành (sinh 1982), bố là Nguyễn Lệ Quang (sinh 1958). Thành mới đến Libya được 3 tháng với chi phí hơn 30 triệu đồng và đến thời điểm này, người nhà vẫn chưa liên lạc được với anh. “Cách đây 4 ngày, nó có điện về bảo là con chuẩn bị về nước, nhưng từ hôm đó đến nay gia đình vẫn chưa liên lạc được với nó”, chị Vinh (mẹ Thành) nức nở.

Ông Trần Hồng Khuông (Chủ tịch xã Xuân Hòa) cho biết: toàn xã có hơn 35 thanh niên đang xuất khẩu lao động tại các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông…, trong đó có 15 lao động đang làm việc tại Libya. Sau khi biết được sự việc về các lao động đang làm việc tại Libya, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, lập danh sách, thống kê số lượng để có kế hoạch giúp đỡ cho phù hợp.


Nguyễn Phê - Bắc Vũ