Dấu ấn SABECO

10/03/2011 10:46

Vào đầu tháng 5/2010, Sabeco đã ban hành "Tuyên bố tầm nhìn, Sứ mạng, An toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường..." để làm tôn chỉ hoạt động, định hướng chiến lược và mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2025 của Sabeco là" Phát triển Sabeco trở thành Tập đoàn công nghiệp đồ uống hàng đầu của Quốc gia, có vị thế trong khu vực và Quốc tế".

Tự tin trên đường hội nhập

Những năm gần đây, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bia luôn nóng với không chỉ có sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng bia nội địa mà cả các tập đoàn bia nước ngoài.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngoài các chiến lược đúng và sắc nét trong kinh doanh, doanh nghiệp phải biết gắn sản phẩm của mình với văn hóa, phong tục của từng vùng miền. Bia Sài Gòn của Sabeco đã đi đúng hướng khi thương hiệu hàng đầu Việt Nam chọn slogan " Bia Sài gòn - Bia của người Việt Nam" như một thông điệp chủ đạo.

Ông Nguyễn Quang Minh- Tổng Giám đốc Sabeco trao tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ
tháng 10-2010.


Trong bối cảnh kinh tế đất nước vẫn còn nhiều phức tạp và khó khăn, Sabeco vẫn quyết tâm tăng trưởng hàng năm. Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2010 là đỉnh điểm cạnh tranh trên thị trường bia Việt Nam, dự kiến toàn thị trường sẽ tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia, riêng Sabeco đã đặt mốc phấn đấu là 1 tỷ lít.

Sự kiện vượt mốc sản lượng tiêu thụ 1 tỷ lít bia vào năm 2010 là một dấu ấn quan trọng tạo đà phát triển bền vững trong kế hoạch 5 năm 2011- 2015. Sabeco đã hoạch định mục tiêu 5 năm từ 2011 - 2015 với tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp là 14% - 16%, sản lượng bia tăng từ 13% - 15%/năm và đạt 1,8 tỷ lít vào năm 2015, nước giải khát tăng 8%/năm. Năm 2011, Sabeco đang phấn đấu đạt con số 1, 3 tỷ lít bia tiêu thụ và đến năm 2015 đạt 2 tỷ lít tiêu thụ.

Để đạt các mục tiêu trên, hàng loạt kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển thêm các nhà máy, các kế hoạch Marketing hỗ trợ thị trường. Trước tiên, phải kế đến sự tăng tốc của hàng loạt nhà máy hiện đại của Sabeco trên toàn quốc, bảo đảm cung cấp đủ sản lượng tiêu thụ với chất lượng tốt nhất và các sản phẩm bao bì phục vụ việc sản xuất bia. Theo chiến lược phát triển ngành Bia của Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn đến năm 2020, tầm nhìn những năm tiếp theo và quy hoạch tổng thể phát triển năng lực và hiện đại hóa các đơn vị sản xuất, SABECO sẽ tập trung đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ tại 5 trung tâm chính trong cả nước, gồm:

- Khu vực miền Bắc với trung tâm là Hà Nội - Hà Nam
- Khu vực Bắc Trung Bộ với trung tâm là Nghệ An - Hà Tĩnh
- Khu vực miền Trung với trung tâm là Quảng Ngãi - Phú Yên
- Khu vực miền Đông Nam bộ với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh.
- Khu vực mền Tây với trung tâm là Vĩnh Long, Hậu Giang.


Trong đó, Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam là một trong những nhà máy lớn của Sabeco được đầu tư tại Nghệ An - một trong năm khu vực trọng điểm mà Sabeco đầu tư theo định hướng phát triển bền vững của mình..

Dấu ấn Sabeco trong lòng xứ Nghệ

Ngày 7-2-2007 UBND tỉnh Nghệ An đã ký và trao giấy chứng nhận đầu tư, ưu đãi cho dự án số 271110000018; được sự chấp thuận của Tổng Công ty Bia Rượu NGK Sài Gòn. Ngày 9 tháng 12 năm 2007, tại khu Rú Mượu xã Nam Giang, huyện Nam Đàn - xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên - Thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An, Tổng công ty Bia Rượu NGK Sài Gòn đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam.

Quá trình chuẩn bị dự án được thực hiện với rất nhiều khó khăn tưởng chừng không thể về đích như: Tỷ giá ngoại tệ Euro tăng từ 23.000 đồng lên 30.000 đồng/Euro dẫn đến suất đầu tư của Dự án nhảy vọt lên gần 90 cent/lít bia; Lãi suất tiền vay có lúc lên đến 20% đã làm nao núng các ngân hàng và chủ đầu tư về hiệu quả vốn vay tài trợ dự án; Xuất hiện những khó khăn về phương án thi công và chi phí xây dựng khi tiến hành khảo sát nền móng công trình là tầng đá mẹ với những độ cao khác nhau, gây khó khăn cho việc thiết kế hệ thống thoát nước và xây dựng các công trình ngầm; Việc xác định nguồn nước và phương án xử lý nước phục vụ sản xuất; Phương án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sao cho đảm bảo yêu cầu chất lượng nước xả thải sau xử lý nghiêm ngặt của tỉnh...

Toàn cảnh Nhà máy Bia Sài Gòn- Sông Lam.


Ngoài ra đặc điểm thời tiết của khu vực ảnh hưởng đến phương pháp và tiến độ xây dựng...Tuy nhiên nhờ sự quyết tâm của Hội đồng quản trị Công ty, cán bộ CNV ban quản lý dự án, sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh và các đơn vị chức năng, với tình cảm và lòng kính yêu đối với quê hương Bác Hồ, sau 1 thời gian nỗ lực khắc phục những khó khăn, ngày 13-7-2009, nhà máy đã được chính thức xây dựng.

Dự án đầu tư Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam được thực hiện tại khu vực Núi Mượu, trên địa bàn giáp ranh 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn, trên lô đất diện tích 32,2 ha. Các hạng mục chính của Dự án bao gồm: Phân xưởng động lực; Phân xưởng Công nghệ (lưu trữ, xử lý nguyên liệu, nấu, lên men và lọc bia), Phân xưởng Chiết gồm dây chuyền chiết chai công suất 30.000 chai/giờ và chiết lon công suất 30.000 lon/ giờ. Nhà máy được trang bị phòng thí nghiệm với các thiết bị thí nghiệm chuyên ngành hiện đại đáp ứng yêu cầu của Ban kỹ thuật SABECO về kiểm soát các chỉ tiêu hóa lý, đảm bảo chất lượng bia ở các công đoạn sản xuất;

Hệ thống kho vật tư, nguyên vật liệu, vỏ chai két rỗng, thành phẩm đảm bảo công suất 100 triệu lít bia; Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy với công suất xử lý 2.500 m3/ ngày đêm và hồ sinh thái được thiết kế và thi công đảm bảo chất lượng nước xả thải sau xử lý theo yêu cầu của Sở KHCN & MT tỉnh Nghệ An đạt tiêu chuẩn 0,9A theo quy chuẩn Việt Nam số QCVN 24 - 2009 ngày 23/4/2010 UBND tỉnh Nghệ An đã kiểm tra và cấp phép xả thải cho Nhà máy hoạt động;

Tổng thầu thiết kế và xây lắp Nhà máy là Công ty Kroness AG - CH LB Đức; Nhà thầu xây dựng là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Uy Nam (Unicons); Nhà thầu tư vấn xây dựng - Công ty Royal Haskoning - Việt Nam; Nhà thầu gói xử lý nước thải: Công ty công nghệ môi trường Á Đông (ASIA TECH); Nhà thầu cung cấp thiết bị động lực: Công ty TNHH cơ nhiệt điện lạnh Bách khoa - POLYCO và một số Công ty khác. Tài trợ vốn cho dự án là Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietin Bank; Tổng giá trị thực hiện dự án giai đoạn 1 là 1.045 tỷ VNĐ, trong đó phần thiết bị trị giá 859,797 tỷ.

Công suất sản xuất đạt 100 triệu lít bia/năm (có thể mở rộng nâng công suất lên 200 triệu lít/năm). Đây là nhà máy thứ hai của Sabeco với sự đầu tư máy móc và kỹ thuật hiện đại tiêu chuẩn Châu Âu được xây dựng trên quê hương Bác kính yêu trong sự hân hoan chào đón của người dân xứ Nghệ đối với sản phẩm Bia Sài Gòn - dòng sản phẩm đã trở thành "Gu" chọn lựa nay được sản xuất trên chính quê hương mình.

Nằm ở vị trí chiến lược của khu vực Bắc Trung bộ, sát khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, Vũng Áng và giáp nhà máy bao bì lon 2 mảnh, bao bì carton Sabeco - Sông lam, Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông lam có lợi thế rất lớn về gia tăng sản lượng, mở rộng sản xuất. nhà máy được thiết kế mở có thể nâng công suất lên 200 triệu lít bia / năm với chi phí thấp nhất.

Ngoài ra, công tác giữ gìn bảo vệ môi trường cũng rất được chú trọng, nhà máy cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, rác thải phù hợp với quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại và thân thiện với môi trường. Hiện tại, hệ thống xử lý nước thải đã hoàn thành và hoạt động ổn định. Xây dựng nhà máy xanh - sạch - đẹp cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác quy hoạch khi xây dựng nhà máy;

Ngày 12-7-2010, mẻ bia thương mại đầu tiên đã được nấu và ngày 12-8-2010, nhà máy đã xuất xưởng mẻ bia thương mại đầu tiên và sau năm tháng hoạt động của năm 2010, nhà máy đã đạt sản lượng sản xuất 13 triệu lít bia lon 333 và bia chai 355, nộp ngân sách tỉnh khoảng 81 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, sản lượng của nhà máy đạt ổn định 90 - 100 triệu lít bia, nộp ngân sách dự kiến 450 - 500 tỷ đồng cũng như giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Ngày 10-3-2011, Sabeco long trọng khánh thành nhà máy trong niềm hân hoan và tự hào của toàn thể cán bộ công nhân viên. Với thời gian thi công chỉ trong 1 năm, đây là công trình được xây dựng với tiến độ nhanh nhất trong hệ thống các nhà máy bia của Sabeco trên toàn quốc nói riêng và các công trình xây dựng nhà máy Bia quy mô tương đương của Việt Nam nói chung.

Vậy là Sabeco đã chính thức tự hào ghi danh thêm một nhà máy góp tên vào chuỗi các nhà máy hiện đại của mình trên toàn quốc, ghi thêm một dấu son trên chặng đường dài phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp đồ uống tại Việt Nam. Mảnh đất xứ Nghệ lịch sử một lần nữa lại đang góp phần bồi đắp và làm rạng rỡ hơn một thương hiệu đáng tự hào của người Việt Nam - thương hiệu Bia Sài Gòn...

Gửi gắm trong niềm vui hân hoan của ngày lễ khánh thành còn có cả những sự chia sẻ của toàn thể cán bộ CNV Sabeco và nhà thầu chính Krones đối với đồng bào nghèo tỉnh Nghệ An, với tổng số tiền ủng hộ khoảng 150 triệu đồng. Trong tiết trời vẫn còn se lạnh của miền Bắc, chợt thấy ấm áp khi nghĩ đến niềm hạnh phúc của những đồng bào nghèo khi họ biết rằng ở phương Nam xa, vẫn có những tấm lòng đang hướng về mình. Trong dòng chảy vàng óng của bia vẫn như đang chuyển tải cả dòng chảy của tình yêu thương và sự chia sẻ, cũng là một nét đẹp văn hóa mà Sabeco luôn tự hào.


Hồng Hạnh