Bệnh viện ngoài công lập: Những bất cập

09/03/2011 10:57

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến thời điểm này Nghệ An có 34 bệnh viện, trong đó 8 bệnh viện ngoài công lập đi vào hoạt động, đưa tỉnh ta trở thành địa phương có số bệnh viện (BV) nhiều thứ 3 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội).

Là một tỉnh diện tích rộng, dân số đông nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho y tế công lập còn hạn hẹp thì sự phát triển các BV ngoài công lập trên địa bàn đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tải bệnh nhân ở các tuyến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị cho nhân dân.

Tính riêng trong năm 2010, với gần 450 tỷ đồng đầu tư của các bệnh viện ngoài công lập để phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đã góp phần nâng số giường bệnh đạt 18,5 giường/vạn dân, (tỉnh ta có bình quân giường bệnh/vạn dân thấp hơn bình quân chung cả nước, nhưng số giường bệnh ngoài công lập cao gấp đôi bình quân chung cả nước với 1,68 giường/vạn dân so với 0,86 giường/vạn dân cả nước).

Ở khía cạnh khác, việc các BV ngoài công lập tham gia tích cực vào cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đã tạo ra sự lựa chọn cho người dân, bước đầu hình thành dịch vụ và văn hoá phục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc phát triển hệ thống mạng lưới y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua vẫn còn một số bất cập.

Trước hết là về quy hoạch, kế hoạch phát triển các bệnh viện: Thực tế là các bệnh viện ngoài công lập ở tỉnh ta phát triển "quá nóng", chưa tuân thủ quy hoạch phát triển mạng lưới KCB của Chính phủ và của tỉnh.

Vì vậy mới có tình trạng như Bệnh viện Thái An ban đầu chỉ xin giấy phép thành lập Phòng khám đa khoa ở vị trí hiện tại, nhưng nay đã trở thành bệnh viện và đang tiếp tục mở rộng thêm; có bệnh viện chỉ đủ diện tích đăng ký 30 giường nhưng ghép lên đến hàng trăm giường bệnh dẫn đến tình trạng nhồi nhét bệnh nhân.

Phòng khám Nha khoa Bệnh viện Đa khoa Đông Âu (TP.Vinh) được đầu tư trang thiết bị hiện đại - Ảnh: S.M


Hơn nữa, việc phân bố các bệnh viện ngoài công lập còn chưa hợp lý, ngoại trừ BV Phủ Diễn đặt tại xã Diễn Yên (Diễn Châu) thì các bệnh viện ngoài công lập đang tập trung ở thành phố Vinh, các vùng nông thôn, trung du, miền núi rất cần sự chia sẻ của y tế ngoài công lập thì không có nhà đầu tư nào tham gia.

Theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện xây mới phải đảm bảo chuẩn diện tích khuôn viên/giường bệnh, xa khu dân cư, nhưng đến thời điểm này, vẫn có bệnh viện đang xây mới (cơ sở 2 BV Cửa Đông ở phường Hưng Dũng- Tp.Vinh) quá gần khu dân cư, gần chợ khiến dư luận người dân rất quan ngại về hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện liệu có đảm bảo.

Dù đã có quy định các bệnh viện bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải riêng nhưng tính đến nay mới chỉ có 6/8 bệnh viện ngoài công lập đi vào hoạt động là có hệ thống xử lý chất thải lỏng (BV Phủ Diễn chưa có, BV Thái An đang xây dựng; riêng hệ thống xử lý chất thải rắn các đơn vị chưa xây dựng lò đốt và đang hợp đồng với Bệnh viện tỉnh để xử lý. Với tình trạng đầu tư cuốn chiếu và khâu giám sát còn lỏng lẻo, người dân ở khu vực bệnh viện lo lắng việc xử lý chất thải y tế thì liệu có được đảm bảo khi thải ra môi trường?

Tiếp đến là vấn đề nhân lực và trang thiết bị y tế: do phát triển quá nóng, đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng nhưng do chưa chuẩn bị kịp về nhân lực nên các bệnh viện ngoài công lập đang rất thiếu y bác sĩ. Để hoạt động, các bệnh viện tư phải hợp đồng ngoài giờ với các bác sĩ bệnh viện công hoặc thu hút, thậm chí giành giật bác sĩ giỏi từ bệnh viện khác. Vì thu nhập, các bác sĩ phải làm việc hết công suất và làm việc nhiều hơn nên không thể đảm bảo chất lượng.

Có một chi tiết khá thú vị là giám đốc một bệnh viện tư đã bị kiện ra toà vì giữ bằng gốc của người lao động (cách làm của một số bệnh viện tư nhằm giữ chân các bác sĩ sau khi gửi đi đào tạo chuyên khoa ở lại phục vụ). Ngoài ra, theo đại diện các bệnh viện ngoài công lập, hiện nay nhu cầu huy động vốn rất lớn nhưng các bệnh viện ngoài công lập chưa được tiếp cận với các nguồn vốn vay viện trợ để đầu tư mua sắm trang thiết bị đồng bộ khác.

Bộ Y tế chưa có tiêu chí phân loại bệnh viện ngoài công lập nên một số bệnh viện như Thành An Sài Gòn, Bệnh viện 115, Bệnh viện Mắt Sài Gòn có trang thiết bị hiện đại, tiến hành một số dịch vụ kỹ thuật cao không kém bệnh viện công lập, nhưng đang bị coi là Bệnh viện cấp 3 (tương đương bệnh viện huyện). Điều này dẫn đến thiệt thòi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế khi tiến hành một số dịch vụ y tế chỉ được hỗ trợ 50% thay vì 80% kinh phí. Đại diện Hội bệnh viện ngoài công lập Nghệ An cho biết đã kiến nghị nội dung này nhiều lần lên Bộ nhưng chưa có hướng dẫn, phúc đáp.

Ngoài nội dung trên, đại diện các bệnh viện ngoài công lập còn kiến nghị về trách nhiệm của y tế công lập tuyến trên trong việc hỗ trợ chuyên môn cho y tế tuyến dưới theo đề án 1816 của Bộ Y tế; về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, kê đơn thuốc theo giá các bệnh viện công cho bệnh nhân BHYT tế là quá thấp và chưa phù hợp với bệnh viện ngoài công lập hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Rõ ràng, trong khi các BV ngoài công lập phát triển nhanh, lại không có quy hoạch chung, vì vậy, trong bối cảnh đó, các bệnh viện ngoài công lập phải đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế, không để rác thải y tế gây ô nhiễm môi trường đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Nguyễn Hải