Luẩn quẩn ở "hội làng"

04/03/2011 11:25

SEA Games 26 sắp tới, Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu đạt từ 70-90 HCV và "đứng trong tốp đầu". "Tốp đầu" ở đây có thể là thứ nhì mà cũng có thể là... thứ tư!

Còn nhớ, tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam (2003), đoàn thể thao Việt Nam đã đứng đầu bảng tổng sắp với 158 HCV, bỏ xa người Thái tới 68 chiếc. Trong khi các đối thủ chính, như Thái Lan, Malaysia đã và đang bứt ra khỏi SEA Games, xem đây chỉ là một sân chơi mang tính giao lưu, thì Việt Nam vẫn đang luẩn quẩn chạy theo thành tích, gắng đạt "tốp đầu" mỗi khi tham dự kỳ đại hội này.


Môn "lần đầu nghe tên" Tarung Derajat sẽ được chủ nhà Indonesia đưa vào tranh tài ở "hội làng" sắp tới.
Ảnh: Internet

Tại ASIAD 16, Thái Lan đoạt 11 HCV xếp thứ 9, Malaysia 9 HCV, xếp thứ 10, Việt Nam 1 HCV, xếp thứ 24. Việc Thể thao Việt Nam thất bại tại ASIAD 16 đã chứng tỏ hơn bao giờ hết mặt trái tai hại của SEA Gemes đối với Thể thao Việt Nam. Từ trước đến nay, chúng ta đã luôn đầu tư và phát triển thể thao theo tiêu chuẩn và cách thức của "hội làng" này: cào bằng, dàn trải, nặng về số lượng và thành tích trước mắt. Mặt khác, chi phí cho một lần dự "hội làng" cũng không hề rẻ. Theo tính toán, SEA Games 26 này đoàn TTVN tiêu tốn khoảng 1 triệu USD !


Người ta gọi SEA Games là "hội làng" vì chương trình thi đấu mỗi kỳ thay đổi tới 1/3 nội dung! Thêm, bớt môn thi đấu nào là do nước chủ nhà quyết định. Rất nhiều môn thi đấu tại SEA Games nhưng không hề có tên tại các kỳ thế vận hội Olympic. Thậm chí, có những nội dung thi đấu mà chỉ có nước chủ nhà biết luật như võ gậy của Philippines, và sắp tới là một môn "lạ hoắc" Tarung Derajat của nước chủ nhà Indonesia. Biết vậy, nhưng trong chiến lược phát triển, TTVN vẫn coi SEA Games là một đấu trường chính?!


Olympic 2012 đang cận kề, người Thái, người Mã đã đặt chỉ tiêu phải có mấy HCV tại kỳ thế vận hội này. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn đang say sưa chuẩn bị cho "hội làng" SEA Games 26.


Đức Chuyên