Phát hiện tiền cổ quý dưới sông Lam

03/12/2010 11:34

Trung tuần tháng 11 năm 2010, trong lúc đang cào hến trên sông Lam thuộc địa phận Nam Đàn và Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, một số ngư dân ở đây đã tình cờ phát hiện ra túi tiền cổ gồm hơn 300 đồng.

Số tiền cổ này hiện đang được ông Đào Tam Tỉnh (Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An) lưu giữ. Những đồng tiền cổ này phong phú về niên đại. Mặc dù trải qua thời gian, sự bào mòn hủy hoại của ngoại cảnh nhưng hầu hết đồng tiền đều nguyên vẹn. Dựa vào chữ Hán khắc trên bề mặt, ông Đào Tam Tỉnh đã phân loại trong số 311 đồng có 125 đồng, mang niên hiệu các triều đại Trung Quốc và 186 đồng mang niên hiệu các triều đại Việt Nam.


Ông Đào Tam Tỉnh đang đọc và phân loại số tiền cổ mới phát hiện.

Tiền Trung Quốc mang niên hiệu các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh và Thanh. Đồng cổ nhất là loại tiền Ngũ Thù, đúc từ thời Hán (niên đại khoảng 2000 năm). Tiếp đến, là loại tiền Đường Quốc thông bảo và Khai Nguyên thông báo đời Đường (khoảng năm 1400 năm). Tiền thời Tống gồm các loại: Thánh Tống, Hoàng Tống, Thiệu Thánh, Cảnh Đức, Nguyên Phong, Hàm Bình, Nguyên Hựu, Thiên Hòa, Thuần Hóa, Hy Ninh, Thiên Thánh, Tường Phù, Chí Đạo, Cảnh Hựu, Thiên Khải. Tiền thời Minh gồm có 2 loại: Chiêu Vũ và Hồng Hóa. Những loại tiền của Trung Quốc có niên đại gần nhất, gồm những đồng tiền triều Thanh như: Thuận Trị (1644 - 1661 ), Khang Hy (1662 - 1722) và Càn Long (1736 - 1796). Hầu hết những đồng tiền của Trung Quốc này đều nguyên vẹn, trong đó phải kể đến những đồng tiền Đường Quốc thông bảo cách đây khoảng 1400 năm, chữ Hán khắc trên bề mặt vẫn còn rất rõ. Đặc biệt, phải kể tới 2 đồng tiền đúc thời Càn Long, mặt trước đắp hình đôi Rồng chầu rất tinh vi và mặt sau khắc 4 chữ "Nhất bản vạn lợi" (một vốn vạn lời).

Các đồng tiền Việt Nam có niên đại gần hơn so với tiền Trung Quốc. Cổ nhất là loại Minh Đạo nguyên bảo (3 đồng), có từ thời Lý (cách đây khoảng gần 1000 năm) và loại tiền Nguyên Phong mang niên hiệu vua Thái Tông, triều Trần (cách đây khoảng gần 800 năm). Tiếp đến là các loại tiền thời Lê như: Đại Hòa thông bảo, Cảnh Hưng thông bảo, Cảnh Hưng vĩnh bảo, Cảnh Hưng chính bảo, Đại Bảo. Tiền thời Tây Sơn có 2 loại mang 2 niên hiệu Quang Trung và Cảnh Thịnh. Tiền có niên đại gần nhất là các đồng tiền đúc thời Nguyễn như: Gia Long thông bảo (1802 - 1820), Minh Mệnh thông bảo (1820 - 1840), Thiệu Trị thông bảo (1840 - 1847), Tự Đức thông bảo (1847 - 1883). Khải Định thông bảo (1916 - 1925). Trong số này, có những đồng tiền từ thời chúa Nguyễn đúc ở đàng Trong như: Thiệu Thánh, Đại Thánh và Thánh Nguyên. Những đồng tiền Việt Nam có chất lượng đúc khá tốt, nét chữ thể hiện đẹp, không hề thua kém tiền đồng của Trung Quốc!

Lý giải vì sao tiền Trung Quốc lại có ở Việt Nam, ông Đào Tam Tỉnh cho biết ngày xưa tiền tệ được dùng chung cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, ở Việt Nam vẫn có thể dùng tiền Trung Quốc và ngược lại. Vì thế khảo cổ tại Trung Quốc đào được rất nhiều tiền Việt Nam. Và vì sao tiền chúa Nguyễn lại có ở Nghệ An (thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thuộc đàng Ngoài), ông Tỉnh cho biết thêm có thể đây là tiền lúc chúa Nguyễn đánh ra Bắc Hà đem ra, sau khi chiếm được vùng đất ở tả ngạn sông Lam?!


Trần Tử Quang