Một mốc son Cách mạng

31/01/2011 09:59

Cách đây tròn 100 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên giàu lòng yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sau một chặng thời gian 30 năm đằng đẵng, ngày 28-1-1941, người công dân yêu nước với tên gọi Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày này của 70 năm trước đây, trở thành dấu mốc son không thể quên!

Cách đây tròn 100 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên giàu lòng yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sau một chặng thời gian 30 năm đằng đẵng, ngày 28-1-1941, người công dân yêu nước với tên gọi Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày này của 70 năm trước đây, trở thành dấu mốc son không thể quên!

Những ngày này của 70 năm về trước, Bác Hồ trở về sát với biên giới nước mình. Trước khi về nước, Người còn bận bịu với việc mở lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh do Người trực tiếp phụ trách. Đây là lớp huấn luyện đầu tiên gồm 40 học viên, chia thành 2 tổ, ở và học tại hai làng Nậm Quang và Ngằm Tảy (Tĩnh Tây-Trung Quốc). Thời gian huấn luyện khoảng 7 đến 10 ngày và kết thúc vào ngày 26-1-1941 (tức là ngày 30 tháng Chạp âm lịch).

Bác Hồ về nước (1941). Tranh sơn dầu của họa sĩ Trịnh Phòng


Mục đích của lớp huấn luyện là bồi dưỡng cho các học viên nắm được tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam; bồi dưỡng cho họ phương pháp xây dựng và lãnh đạo các đoàn thể cứu quốc cũng như phương pháp hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Cũng tại lớp huấn luyện này, Người còn căn dặn các học viên những điều nên làm và những điều nên tránh trong quan hệ với dân.

Với những điều nên làm, Người dạy các học viên cần giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày; tìm hiểu phong tục tập quán (chú ý những điều dân kiêng); học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây cảm tình tốt với dân; tùy nơi tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật để dân tin cậy.

Với những điều nên tránh, Người căn dặn : Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa, ruộng vườn của dân; tránh năn nỉ mua và mượn thứ gì cho bằng được của dân; tránh sai lời hứa; tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân; tránh lộ bí mật. Tối hôm kết thúc khóa huấn luyện, Bác Hồ và các học viên đang quây quần vui Tết tại một nhà dân ở Trung Quốc thì nghe tin quân đội Tưởng Giới Thạch sẽ kéo đến làng đó. Dân làng rất sợ vì quân Tưởng tham lam gặp gì vơ vét nấy nên ai cũng lo cất giấu của cải. Sợ bị lộ, Bác cùng các học viên lo sửa soạn chuẩn bị về nước.

Ngày 28-1-1941 (tức là ngày mồng 2 Tết), Người qua biên giới về nước. Khi đến bên cột mốc 108 trên biên giới Việt-Trung thuộc vùng đất của xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Bác đứng lặng hồi lâu, rồi hôn lên nắm đất đầu tiên của Tổ quốc, xúc động, rạo rực tâm can. Quả là "Bao nhiêu năm thương nhớ đợi chờ, hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình" (Vừa đi đường, vừa kể chuyện - T.L).

Về Pắc Bó, Người chuyển vào ở tại hang Cốc Bó. Nhưng trước đó, Người nghỉ đêm tại một hốc đá. Trên là vòm đá, dưới là đất. Các đồng chí cùng đi rải lá cho Người làm chỗ nghỉ. Sau khi nghe rõ đường đi lối lại đúng thế thuận lợi, Bác hỏi "Cốc Bó" nghĩa là gì ? Người đưa đường giải thích cho Bác là : "Đầu nguồn". Bác bảo : Thế là tốt! Hang Cốc Bó ở sát biên giới, có đường rút bí mật. Đứng trên cửa hang thấy rõ người lạ từ xa đi tới, hang này thuộc xóm Pắc Bó, tiếng Nùng có nghĩa là "Miệng nguồn".

Ở Pắc Bó lại có dãy núi dài giăng ngang biên giới Việt-Trung. Khi vào hang, nhìn thấy nhũ đá có hình ông già có râu, Người bèn tạc tượng Các Mác. Từ ngày mồng 4 đến 13 Tết Tân Tỵ, Bác tạc xong tượng Các Mác và khắc ở dưới ngày 8-2-1941. Đây là ngày Bác hoàn thành bức tượng, chứ không phải là ngày Bác về nước. Khi tình hình yên ổn, Người thường ra ngoài hang, rồi đặt tên cho suối đầu nguồn là suối Lê Nin, ngọn núi cao nhất là núi Các Mác.

Những ngày đầu xuân năm đó, Người sáng tác bài thơ "Pắc Bó hùng vĩ". Cũng tại đây, Người đã thay mặt Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII mang tầm quan trọng chiến lược của Đảng ta. Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết, tổ chức các mặt trận Việt Minh, tăng cường các lực lượng vũ trang, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ý nghĩa ngày Bác Hồ trở về nước cách đây 70 năm thật lớn lao, nhưng chuyến vượt biên giới trở về ngày ấy thật giản dị.

20 năm sau ngày Bác trở về, mùa xuân năm 1961, Bác Hồ lại có dịp lên Cao Bằng để thăm lại chốn xưa. Tuy đã vào cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng vừa từ máy bay bước xuống đất "Bác đã thoăn thoắt đi theo những lối mòn trong rừng.

Đến Pắc Bó, Bác leo lên các bậc đá, vào hang xưa Bác đã ở, nhìn lại các dòng thạch nhũ xanh rêu, ngắm cả tượng Các Mác mà Bác đã tạc nên thuở mới về. Bác ra ngồi bên tảng đá, nơi nguồn suối trong vắt chảy ra, có vẻ trầm ngâm một lát... Khi ra về, thấy bà con xóm bản đứng đợi, Bác vui vẻ chào hỏi, cho các cháu nhỏ mấy túi kẹo. Bác ghé vào nhà đồng chí Dương Đại Lâm, thăm nhà bà mẹ của Kim Đồng, đến tận nơi có dựng tượng chú bé liên lạc đã anh dũng hi sinh ngày xưa...". (Nhớ lại một thời - Tố Hữu).

70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào mùa xuân năm 1941 ấy vẫn còn in đậm mãi trong trái tim triệu triệu con người và lịch sử cách mạng Việt Nam; mãi mãi là mốc son không thể nào quên, không bao giờ được phép quên!


Nguyễn Viết Chính