công trình đạt GIảI thưởng Sáng Tạo KHCN Nghệ An 2010

14/03/2011 10:14

Đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất ngói màu gốm sứ

Đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất ngói màu gốm sứ
Tác giả công trình: KS Nguyễn Trọng Thắng,
KS Phan Thị Hoàng Yến và cộng sự
Đơn vị: Nhà máy gạch Granite Trung Đô thuộc Công ty CP Trung Đô
Giải Đặc biệt

Nhà máy gạch Granite Trung Đô (Công ty CP Trung Đô) sản xuất gạch ốp lát granite; sản phẩm đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong nước và được xuất khẩu sang một số nước như Thái Lan, Irăc. Năm 2008, nhà máy tổ chức thăm dò, khảo sát thị trường và quyết định nghiên cứu, đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất sản phẩm ngói màu gốm sứ có chất lượng tương đương với các loại ngói gốm sứ nhập khẩu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà máy.

Trên cơ sở dây chuyền sản xuất gạch granite hiện có, công trình khoa học nói trên đã nghiên cứu và đầu tư thành công dây chuyền công nghệ sản xuất ngói gốm sứ với mức độ tự động hóa 90% các công đoạn sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định trên 95%; nghiên cứu thành công bài toán phối liệu xương men, lắp đặt, bổ sung thiết bị phù hợp, xây dựng được các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu chất lượng của bán thành phẩm tại các công đoạn trong dây chuyền; xây dựng được phần mềm tích hợp các công đoạn đảm bảo dây chuyền hoạt động đồng bộ, chất lượng đáp ứng quy định; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm ngói màu gốm sứ các loại.

Đây là công nghệ sản xuất ngói màu gốm sứ đầu tiên được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam theo công nghệ ép bán khô, xương bán sứ, nung trong lò nung con lăn, sử dụng 30% nguyên liệu địa phương. Với sản phẩm ngói màu gốm sứ, doanh thu nhà máy tăng thêm 20-26 tỷ đồng/năm, làm lợi 1-1,5 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Công trình đã được áp dụng thành công và hiệu quả tại Nhà máy gạch Granite Trung Đô, đồng thời có thể áp dụng tại các nhà máy sản xuất gạch granite trong nước và nước ngoài.

Đập mềm ngăn sông Cấm
Tác giả công trình: KS Bạch Hưng Tuyên
Đơn vị thực hiện: Công ty TNHH 1TV thủy lợi Nam Nghệ An
Giải Nhất

Năm 2010 thời tiết diễn ra hết sức phức tạp, hạn hán lớn đã xảy ra trên khu vực Nghệ An nói chung và hệ thống thủy lợi Nam (cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò) nói riêng.

Đặc biệt, vào tháng 7, 8/2010, mực nước trên sông Lam chỉ còn 0,2-0,3m, thậm chí có ngày chỉ đạt 0,1m, thấp hơn rất nhiều so với mực nước thiết kế (1,15m). Hệ thống thủy lợi Nam vừa không có nước ngọt, vừa gặp phải nguy cơ mặn lấn sâu vào nội đồng, không đủ nước cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, dẫn đến những hệ quả phức tạp về kinh tế - xã hội. Trước tình thế đó, công trình "Đập mềm ngăn sông Cấm để chống hạn và tạo nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Vinh" do Công ty TNHH 1TV thủy lợi Nam Nghệ An triển khai thực hiện đã góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề trên.

Công trình đã tiến hành đắp đập mềm bằng đất trên sông Gai để giữ nước ngọt, dâng mực nước sông lên cao, ngăn mặn triệt để, khoanh vùng lại đảm bảo cho các trạm bơm phía thượng lưu hoạt động, sau một thời gian cần thiết đủ nước thì phá đập và tiếp tục đắp đập ở phía sau... Từ đó cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất của các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nam Nghi Lộc, đặc biệt tạo nguồn nước cho hai trạm bơm của Công ty cấp nước Nghệ An hoạt động hiệu quả, đảm bảo cấp nước liên tục cho thành phố Vinh.

Với thành công của công trình, Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi Nam Nghệ An đã tạo nguồn nước cho các trạm bơm hoạt động hiệu quả, cứu được 3.760ha diện tích lúa và hoa màu của các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh thoát khỏi nguy cơ mất trắng, thu được: 3.760ha x 3 tấn/ha x 4.000 đồng/kg = 45 tỷ 120 triệu đồng. Nhân dân thành phố Vinh, các cơ quan, bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên thành phố được đảm bảo nước sản xuất và sinh hoạt bình thường, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo trật tự an ninh khu vực nông thôn và thành thị.

Từ thành công của công trình, có thể nghiên cứu, áp dụng xây dựng đập mềm ngăn sông Lam hoặc các dòng sông khác ở vị trí hợp lý để nâng mực nước trong mùa kiệt và ngăn mặn không cho lấn sâu vào nội địa, giải được bài toán thiếu nước trong mùa khô.