VFF tìm người thay HLV Calisto: Chọn xong 5 ứng viên vào “chung kết”

17/03/2011 14:49

Hôm qua, lãnh đạo VFF đã có buổi làm việc cùng Hội đồng HLV QG để quyết định về danh sách các ứng viên sẽ lọt vào vòng tuyển chọn cuối cùng. Từ danh sách 25 ứng viên ban đầu, sau khi bàn bạc, lãnh đạo VFF và Hội đồng HLV QG đã cùng thống nhất chọn ra 5 cái tên sẽ được VFF trực tiếp tiến hành thẩm định và thương thảo.

Trong số 5 ứng viên này, có tới 2 ứng viên mang quốc tịch Đức là Hans Juergen Gede và Franz Goetz, trong đó, ông Gede từng có tên trong danh sách 5 ứng viên sáng giá nhất khi VFF tuyển chọn HLV trưởng cho ĐTVN hồi năm 2008 (nhưng cuối cùng HLV Gede đã bị HLV Calisto “đánh bại”), còn HLV Goetz xuất thân từ bóng đá CHDC Đức (cũ) và được Hội đồng HLV QG đánh giá là có nền tảng chuyên môn rất vững chắc, cả về lý thuyết cũng như thực tiễn.


HLV Steve Sampson (trái) và HLV Pierre Lechantre, những ứng viên sáng giá cho chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN

Ứng viên thứ 3 là HLV người Pháp Pierre Lechantre, nhà cầm quân từng đưa Olympic Cameroon của Samuel Eto’o đoạt chức vô địch bóng đá nam Olympic Sydney 2000 và ông được xem là một trong 2 ứng viên có bản lý lịch hoành tráng nhất được VFF và Hội đồng HLV QG đưa vào vòng tuyển chọn cuối cùng.

Không chỉ giúp Olympic Cameroon giành HCV bóng đá nam Olympic Sydney 2000, HLV Lechantre còn đưa ĐTQG Cameroon đến với ngôi vị quán quân giải vô địch bóng đá châu Phi CAN năm 2000 sau khi vượt qua Nigeria ở loạt đá luân lưu 11m.

Trong sự nghiệp huấn luyện của mình, nhà cầm quân người Pháp này từng kinh qua rất nhiều cấp độ khác nhau, từ ĐTQG (Cameroon, Mali, Qatar) cho tới CLB (Al Ahli, Al Siliya, Al Rayyan) hay Bắc Phi (MAS Fes, Africa, Sfaxien), từ châu Phi cho tới Tây Á. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà HLV Lechantre được lãnh đạo VFF cũng như Hội đồng HLV QG đánh giá rất cao, và tên của ông được xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách 5 ứng viên lọt vào vòng chung kết của VFF.

Không nổi danh bằng HLV Lechantre, song nhà cầm quân người Bồ Đào Nha Eduardo Martinho Viganda cũng nhận được sự chú ý đặc biệt từ VFF. HLV Viganda đã đảm nhận rất nhiều cương vị thuyền trưởng tại các đội bóng khác nhau, trải dài từ châu Âu tới châu Á. Trong bản lý lịch do HLV Viganda giới thiệu, ông thầy này từng có thời gian dẫn dắt ĐT trẻ và ĐTQG Bồ Đào Nha, và thành tích nổi bật nhất của ông với đội bóng áo bã trầu là danh hiệu hạng 4 bóng đá nam tại Olympic Atlanta 1996.

Với yêu cầu của VFF là phải có kinh nghiệm về bóng đá châu Á, HLV Viganda cũng có thể đáp ứng đầy đủ, bởi ông từng làm việc ở UAE, Hàn Quốc, Iran… Dưới sự dẫn dắt của ông Viganda, ĐT Saudi Arabia đã đoạt chức vô địch châu Á ở kỳ giải năm 1996.

Ứng viên thứ 5, Steve Sampson, là cái tên có thể còn xa lạ với người hâm mộ VN, nhưng rất nhiều thành viên của Hội đồng HLV QG lại đặc biệt hâm mộ ứng viên này bởi lý lịch quá “khủng” của ông. HLV Sampson từng là trợ lý số một của HLV trưởng ĐT Mỹ Bora Milutinovic tại World Cup 1994, và sau khi ông Milutinovic từ chức, HLV Sampson đã dẫn dắt ĐT Mỹ thi đấu ở World Cup 1998 và Copa America 1995.

Trong số các ứng viên xin làm HLV trưởng ĐTVN từ trước tới nay, HLV Sampson là người duy nhất từng trực tiếp làm việc ở những giải đấu hàng đầu thế giới như World Cup và Copa America. Bởi vậy, dù lãnh đạo VFF hơi e ngại khi điền tên ứng viên này vào danh sách tuyển chọn cuối cùng bởi lo rằng sẽ không đủ tiền để đáp ứng yêu cầu về lương bổng của HLV Sampson, một thành viên của Hội đồng HLV QG đã trấn an: “Yên tâm, tiền nào của nấy, đắt mới xắt ra miếng, HLV nổi tiếng như vậy thì chế độ đãi ngộ cao một chút cũng là bình thường”.

Sau khi chia tay ĐT Mỹ vào năm 1998, HLV Sampson có 2 năm dẫn dắt ĐT Costa Rica (2002-2004) và sau đó ông trở về Mỹ làm việc tại CLB Los Angeles Galaxy, đội bóng hiện tại của David Beckham, nhưng HLV Sampson chỉ trụ lại đây tới giữa năm 2006 thì bị sa thải.

Trên đây là 5 ứng viên được VFF và Hội đồng HLV QG thống nhất lựa chọn trên cơ sở xem xét thông tin chuyên môn từ lý lịch của họ. Trong thời gian sắp tới, sớm nhất là cuối tuần này, VFF sẽ phải trực tiếp liên hệ với LĐBĐ QG của các HLV này, cũng như làm việc với từng người để kiểm chứng thông tin, đồng thời tiến hành thương thảo về mức lương và thời hạn hợp đồng. Một lãnh đạo của VFF cho biết, đây mới là công việc vất vả nhất, còn việc lựa ra 5 cái tên sáng giá từ 25 hồ sơ đầu tiên mới chỉ là sự khởi đầu.


Theo TT&VH