Anh hùng Liệt sỹ Hồ Thị Cúc
Hồ Thị Cúc sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được bảy tháng tuổi thì cha chết trong trận đói năm 1945, lên hai thì mẹ tái giá, vì nghèo quá phải tìm nơi nương tựa. Không thể theo mẹ, Cúc sống trong tình yêu thương của ông nội, o Loan. Rồi ông nội qua đời. Từ ấy o cháu đùm bọc nhau, cô gái côi cút lớn dần lên, làm tất cả những việc của con nhà nông, chăn bò, cắt cỏ, hái củi... Cho đến khi chú Hồ Dũng đi bộ đội về, chú lập gia đình thì Hồ Thị Cúc về ở với chú mự, được chú mự coi như con gái lớn trong nhà.
Quê Cúc ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn Hà Tĩnh, một làng quê nhiều cây trái, nhất là cây tro (cọ) và cây chạc chìu mọc dài theo ngõ xóm, có mùi hương như hương hoa sữa. Đêm đêm, nhất là những đêm hè, hương hoa chạc chìu nồng nàn thấm đẫm cả những giấc mơ. Dòng sông Ngàn Phố trong xanh bốn mùa, mềm như một dải lụa vắt qua quê Cúc, là dòng sông của tuổi thơ Cúc. Quê Cúc còn có cầu Nầm, cách nhà Cúc một đoạn. Dưới đó nữa là chợ Choi, bán chè xanh, mía đỏ và nhiều nhất là mít và trám đen, o Loan đôi lần cũng đã cho Cúc đi chợ Tết.
Mười cô gái Đồng Lộc.
Tuổi thơ của Cúc như vậy, dù được cô chú thương yêu đùm bọc nhưng vẫn lam lũ, không được đi học nhiều. Mười tám tuổi, Cúc đã là một cô thiếu nữ duyên dáng, tuy nhỏ người nhưng chăm làm, cẩn thận. Thấy Cúc đến tuổi gả chồng, có một người mự bên ngoại liền làm mối cho Cúc lấy anh Cứ, người Sơn Tây trong huyện. Đám cưới rất đơn sơ.
Rồi Cúc về nhà chồng trên con đò nhỏ ngược sông Ngàn Phố trong một buổi chiều lá cây hai bên bờ sông vàng như nhuộm. Chồng Cúc cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại bị bệnh tâm thần Nhà của đôi vợ chồng mới cưới là một cái lều tranh nép bên chân đồi. Cúc đã rơi nước mắt khi đứng trước gia cảnh nhà chồng nhưng nghĩ số phận đã vậy thì đành yêu thương nhau mà sống. Không ngờ chồng Cúc ngày nào cũng lên cơn, mỗi lần lên cơn là đập phá, đánh đập Cúc.
Cuộc sống vợ chồng đã không chút hạnh phúc lại còn rất ngắn ngủi. Anh Cứ một lần đi chở vôi cho hợp tác xã về đến Hói Động bị lật thuyền và tử nạn. Cúc còn lại một mình trong căn lều heo hút dưới chân đồi hoang vắng, không biết ngày mai sống thế nào? Chú mự xót Cúc lại lên Sơn Tây đón Cúc về.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ nổ ra, thanh niên cả làng ra trận. Tháng 7 năm 1965, Cúc tình nguyện lên đường gia nhập thanh niên ba sẵn sàng. Những người đồng đội của Cúc là những chàng trai và cô gái trong tỉnh, tuổi rất trẻ. Cúc ở tiểu đội 4, toàn con gái, đại đội 552, P18. Thời gian đầu, tiểu đội của Cúc làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông và bốc chuyển hàng hóa ở bến phà Địa Lợi, phía nam huyện Hương Khê. Phà Địa Lợi qua sông Ngàn Sâu, trên đường 15, là cửa ngõ đường Trường Sơn ngày liền đêm giặc Mỹ đánh phá vô cùng tàn khốc.
Hai năm trong bom đạn, Cúc cùng chị em trong tiểu đội 4-C552 đã kiên cường bám trụ, bảo đảm thông xe, thông tuyến. Sang năm 1967, tiểu đội Cúc chuyển về Phú Lộc. Rồi đầu năm 1968, Cúc lại cùng chị em trong tiểu đội hành quân về Đồng Lộc - "yết hầu" tuyến giao thông nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Đáng lý ra đầu năm 1968, Cúc và Võ Thị Tần nữa đã hết hạn nghĩa vụ TNXP được chuyển ra công tác, hoặc đi học, nhưng cấp trên yêu cầu hai người ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Tính Cúc hay nghĩ cho người khác trước mình. Như hôm ở Hương Trạch, trên đường 15, khi sắp xếp dụng cụ để chuyển quân, thấy thiếu một cái xẻng, biết chị em đánh rơi xuống ngầm, Cúc mò tìm cho bằng được, khi lên mọi người đã lên xe đi hết, Cúc đành một mình cuốc bộ mấy chục cây số trong đêm.
Về đến làng Mai Long, xã Mỹ Lộc, dân đi sơ tán hết, nhà cửa hoang vắng đến ghê người, tiểu đội trưởng Võ Thị Tần lấy than viết lên bức tường đổ ngày tiểu đội về tử địa Đồng Lộc: 12-7-1968 A4 - C552 - P18. Không hiểu sao Hồ Thị Cúc lại lấy hòn than đó ghi thêm dưới dòng chữ ấy con số 15. 15 không phải là quân số tiểu đội.
Tiểu đội 4 Võ Thị Tần có 17 người. Ngày 24 tháng 7 năm 1968, tiểu đội nhận nhiệm vụ làm hầm ở giữa Ngã ba Đồng Lộc ban ngày, cái ngày định mệnh ấy thì có sáu người đi làm nhiệm vụ khác, như Lan, Nhị, Nguyễn Thị Hường đi lĩnh dụng cụ ở xã Nga Lộc, Tịnh và Xuân (Đức Hồng) làm việc ở nhà ăn, Hồng đi chặt gỗ ở Quảng Bình. Những người còn lại kể như thế. Vậy con số 15 bí ẩn mà Cúc ghi bên dưới là con số gì? Nếu lấy con số ngày 12 cộng với con số 15 của Cúc thì được con số 27, đó là ngày mà anh chị em trong đơn vị 552 làm lễ truy điệu một mình Cúc sau cùng! Và vì sao đơn vị lại truy điệu một mình Cúc sau cùng? Cúc vẫn là người như vậy, hay nghĩ và lo cho người khác.
Là tiểu đội phó, Cúc phải xem mọi người đã xuống hết hầm chưa và khi bom rơi xuống, Cúc chỉ kịp ẩn vào một cái ngách nhỏ nào đó, và người ta chỉ tìm được có 9 cô gái trong hầm, phải ba ngày sau, mới tìm được thi hài Hồ Thị Cúc ở một cái hố cá nhân cách chỗ 9 cô vài chục mét. Hồ Thị Cúc có Thanh con chú Dũng, kém Cúc dăm tuổi, chị em thân thiết với nhau từ tấm bé. Lớn lên Thanh đi bộ đội, chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, những lúc cam go thường mơ thấy chị Cúc, cảm giác như chị luôn luôn đi theo mình và có một tiếng nói xa xôi giống tiếng chị "Thanh ơi, có chị đây" và Thanh đã nhiều lần thoát hiểm kể cả những lúc cận kề cái chết!
Bây giờ thì chỗ người nữ Anh hùng yên nghỉ chưa có cây chạc chìu nào, nhưng hương hoa chạc chìu sẽ từ Hương Sơn, quê Cúc, toả về với Cúc đêm đêm...
Đức Ban