6 nội dung công tác mặt trận trong bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp

09/03/2011 10:36

Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 vào ngày 22 tháng 5 năm 2011.

Trong cuộc bầu cử sắp tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Nắm vững Chỉ thị số 50-CT/TƯ, ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Bộ Chính trị, các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết liên tịch số 01/2011/NQLT/UBTVQH-CP- ĐCTUBTW MTTQVN ngày 08 tháng 02 năm 2011 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tiến hành đồng bộ sáu nội dung công tác Mặt trận tham gia bầu cử đã được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà trọng tâm là nắm chắc công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần người được giới thiệu và tiến hành hội nghị hiệp thương thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ thời gian quy định cho từng công việc.

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải xây dựng tiến độ các công việc thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo kế hoạch chi tiết, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội để hoàn thành tốt công tác Mặt trận trong cuộc bầu cử này.
Sáu nội dung công tác Mặt trận trong bầu cử gồm:

1. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp để thành lập Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động thực hiện các bước của Quy trình hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử, các nghị quyết liên tịch giữa ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn khác của Hội đồng bầu cử; chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận thực hiện đúng quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, làng, bản, khu dân cư, tổ dân phố... (gọi chung là thôn, tổ dân phố).

3. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cư trú thường xuyên tại địa phương.

4. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với chính quyền cùng cấp chỉ đạo và hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức các hội nghị cử tri, để những người ửng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo hướng dẫn, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương để tổ chức tốt các hội nghị cử tri để những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử.

5. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức, thực hiện cuộc bầu cứ đảm bảo thật sự dân chủ và đúng luật.

6. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân trong công tác tuyên truyền bầu cử, nắm chắc diễn biến tư tưởng trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân để kịp thời làm công tác tuyên truyền, đặc biệt đề phòng không để xảy ra tình huống xấu. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần làm tốt công tác vận động đối với các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các già làng, trưởng tộc... đế triển khai công tác vận động đối với các tầng lớp nhân dân.


Nguyễn Hồng Nhị