Vài suy nghĩ về cải thiện môi trường đầu tư ở Nghệ An

25/03/2011 20:51

Môi trường đầu tư được coi là yêu cầu số một để khơi thông các dòng vốn từ mọi tầng lớp dân cư trong nước và nước ngoài. Môi trường thuận lợi thì các doanh nghiệp, doanh nhân mới toàn tâm, toàn ý tập trung trí tuệ, vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh.

Môi trường đầu tư được coi là yêu cầu số một để khơi thông các dòng vốn từ mọi tầng lớp dân cư trong nước và nước ngoài. Môi trường thuận lợi thì các doanh nghiệp, doanh nhân mới toàn tâm, toàn ý tập trung trí tuệ, vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 14-1-2010 cho thấy, Nghệ An từ hạng 42 (2008) xuống 54 trong tổng số 63 tỉnh thành (năm 2010). Cả 9 lĩnh vực liên quan đến năng lực điều hành của tỉnh đều điểm thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường đầu tư - kinh doanh của Nghệ An kém cạnh tranh so với các địa phương khác. Do đó, Nghệ An cần phải coi cải cách hành chính, giảm thời gian và công đoạn trong quá trình giải quyết công việc có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài là yêu cầu quan trọng và thường xuyên. Có như vậy, Nghệ An mới có thể hấp dẫn hơn, trở thành điểm đến thuận lợi hơn trong con mắt các nhà đầu tư.


Các tổ chức quốc tế hỗ trợ Thành phố Vinh phát triển hạ tầng đô thị.
-Ảnh: H.V

Nghệ An hiện đang có nhiều lợi thế cho việc đầu tư. Vị trí địa lý của Nghệ An cũng là một trong những điều kiện thuận lợi đầu tiên cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên tuyến giao lưu Bắc Nam và Đông Tây, hội đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển; là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam và là cửa ngõ thông ra biển Đông của Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cảng Cửa Lò. Bên cạnh đó, Nghệ An còn có tiềm năng về phát triển công nghiệp chế biến, kinh tế rừng và biển. Tiềm năng về du lịch của Nghệ An rất đa dạng. Với nhiều bãi biển đẹp, khu dự trữ sinh quyển phía Tây Nghệ An với nhiều khu rừng nguyên sinh và vùng sinh thái hấp dẫn, Nghệ An sẽ nhanh chóng trở thành một trọng điểm du lịch của cả nước và khu vực.

Trong những năm gần đây, kết quả thu hút đầu tư của Nghệ An đã có chuyển biến tích cực. Tính từ năm 2001 đến nay, Nghệ An đã thu hút được 24 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký 251,15 triệu USD và 235 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 54.253,66 tỷ đồng. Cũng trong thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đăng ký và triển khai dự án đầu tư tại tỉnh Nghệ An.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Nghệ An chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn và hiệu quả hơn các khu vực khác nhưng tình hình đầu tư còn kém sôi động. Với lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật hiện đại, hệ thống giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, kết nối với cảng biển, sân bay thì Nghệ An hoàn toàn có khả năng thu hút những dự án có quy mô lớn hơn. Có thể nhận thấy một số khó khăn trong công tác thu hút FDI như sau:

Thứ nhất, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 đánh dấu sự tiến bộ về môi trường pháp lý đối với hoạt động đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên việc hợp nhất hai Luật cũng đặt ra một số khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là vào giai đoạn đầu cuối năm 2007, 2008. Không ít vướng mắc trong việc thực thi và tuân thủ đúng, đủ kịp thời nội dung Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư và các Nghị định hướng dẫn thi hành chưa giải quyết kịp thời, một số nội dung chưa được hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết.

Thứ hai, còn nhiều dự án FDI hoạt động kém hiệu quả, nhiều dự án bị chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, một số dự án thì chậm trong công tác triển khai. Bên cạnh đó nhiều dự án thiết bị công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhiều dự án chưa tiếp nhận được công nghệ nguồn, nhiều lĩnh vực sản xuất mang tính gia công, lắp ráp chưa phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ

Thứ ba, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Nghệ An còn thấp, có sự chênh lệch quá cao giữa người quản lý và người lao động trực tiếp, đây là điểm khác biệt so với các doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, chưa có các dự án lớn đầu tư hạ tầng kỹ thuật mạnh để xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh đồng bộ, nhất là kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp. Những yếu tố cơ bản tạo nên kết cấu hạ tầng còn kém chất lượng, như: đường giao thông vào các vùng sâu, vùng xa; thông tin, nhất là mạng internet chưa phát triển rộng khắp, chất lượng chưa ổn định; chất lượng điện cung cấp chưa cao... làm cho các nhà đầu tư gặp không ít trở ngại trong quá trình hoạt động.

Thứ năm, mặc dù tình hình thu hút vốn đầu tư của Nghệ An giai đoạn gần đây có nhiều cải thiện nhưng so với các tỉnh có cùng điều kiện tương đồng về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thì luồng vốn và số dự án đầu tư vào Nghệ An còn thấp so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Số dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại. Tạo nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, sản phẩm mới mang tính đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa nhiều.

Trong xu thế cạnh tranh để thu thu hút đầu tư giữa các vùng như hiện nay thì việc cải thiện môi trường đầu tư cần phải được đặt lên hàng đầu trong đó phải có những biện pháp thực sự cụ thể và hữu hiệu. Hoạt động này đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của tất cả các cấp các ngành từ tỉnh tới các địa phương, hơn thế nữa là sự tham mưu của các bộ ngành để quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư nói chung và hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng không những đối với Việt Nam mà tại Nghệ An đạt kết quả cao nhất.


ThS. Trần Mai Ước