Nếu "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng"...

21/03/2011 11:23

Khoa Hồi sức cấp cứu, chẩn đoán, cai nghiện, giám định pháp y Bệnh viện Tâm thần Nghệ An là một khoa đặc biệt. Bởi ở đây, ngoài việc tiếp nhận bệnh nhân thông thường, khoa còn phải cùng với ngành công an làm nhiệm vụ điều tra các loại tội phạm...

Bước đến khoa 5 (Khoa hồi sức cấp cứu, cai nghiện, giám định pháp y) cảm giác đầu tiên của những người mới đến lần đầu là "tim đập chân run" vì trước đó đã nghe không ít câu chuyện về sự dữ dằn của bệnh nhân tâm thần.

Cảm giác đó không phải là thừa khi nhìn quanh khu vực điều trị, đâu đâu cũng thấy những ánh mắt vô hồn và hoang dại. Số bệnh nhân được điều trị ở đây chiếm hơn 90% chủ yếu là bị nghiện rượu và nghiện ma tuý nặng. Số còn lại là phạm nhân tâm thần đang được theo dõi để giám định pháp y.


Các bệnh nhân đang điều trị tại khoa 5 Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.


Nguy hiểm hơn, bệnh nhân được chuyển đến đây đều trong tình trạng cấp cứu nên thường có trạng thái kích động mạnh, la mắng, đánh đập om sòm. Nếu không có biện pháp kịp thời thì rất dễ xảy ra hỗn loạn và tạo nên hiệu ứng tập thể...

Hiểu rất rõ điều đó, nên y, bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần mỗi khi điều chuyển luân phiên chẳng ai muốn đến với khoa 5. Những người làm việc ở đây ngoài bác sỹ ra cũng không ai muốn gắn bó lâu dài... Chuyện về y tá Sen bị bệnh nhân bỗng nhiên phát bệnh đánh đập khi chị đang cho ăn cách đây 2 năm về trước được mọi người lấy làm bài học " xương máu" cho chính mình.


Điều trị cho bệnh nhân bị bệnh tâm thần cũng rất cần sự nhẹ nhàng bởi trạng thái tâm lý người bệnh thường không ổn định. Có người vừa la hét, quậy phá ầm ĩ nhưng một phút sau lại quay sang khóc lóc, than vãn. Như trường hợp bệnh nhân Thanh ở Nghĩa Hành (Nghĩa Đàn), một tuần trước khi đưa vào cấp cứu anh còn rơi vào trạng thái hoang tưởng. Vậy mà chỉ sau 7 ngày dùng thuốc anh lại trở nên bẽn lẽn, ít nói.

Chị Trang- y tá - tiếc nuối nói: Thanh từng có hai bằng đại học nhưng vì mắc chứng nghiện rượu nên trở thành người vô dụng. Với những người như thế này, sau khi cho bệnh nhân uống thuốc để dứt cơn chúng tôi chủ yếu điều trị bằng biện pháp tâm lý. Với hi vọng cứ thủ thỉ nói chuyện hàng ngày bệnh nhân sẽ từ bỏ được chứng thèm rượu... Thông thường ở khoa 5 mỗi một đợt điều trị cho bệnh nhân có thể kéo dài từ 1 - 3 tháng.

Thế nhưng do người bệnh ở đây đều mắc chứng "nghiện" nên không ít trường hợp bệnh nhân mới ra viện tháng trước, vài tháng sau lại thấy gia đình "tay xách nách mang" xin bác sỹ nhập viện thêm vài tháng nữa. Việc điều trị cho bệnh nhân nghiện rượu không quá phức tạp.

Tuy nhiên với bệnh nhân nghiện ma túy khi đã rơi vào tinh thần hoảng loạn thì rất nguy hiểm, chuyện bệnh nhân ở đây đòi cắt tay, cắn lưỡi là chuyện "như cơm bữa". Điều trị cho bệnh nhân là phạm nhân lại cần sự tỉnh táo của một người điều tra bởi không ít trường hợp bệnh nhân giả vờ mắc bệnh để xin giảm tội.


Dù là một khoa nhưng hiện nay số bệnh nhân luôn luôn quá tải, gấp 2, 3 lần so với chỉ tiêu giường bệnh. Khó khăn nhất hiện nay không chỉ củariêng khoa mà của toàn bệnh viện tâm thần đó là thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu bác sỹ. Trao đổi với chúng tôi bác sỹ Cường Trưởng khoa tâm sự: so với bạn bè đồng nghiệp ở các bệnh viện khác chúng tôi thiệt thòi hơn nhiều. Ở đây chẳng mấy ai trong chúng tôi nghĩ tới chuyện làm thêm.

Bác sỹ Châu - Phòng kế hoạch của bệnh viện cũng cho chúng tôi biết thêm: Gần 10 năm nay bệnh viện không nhận được thêm một bác sỹ nào. Để lấp vào chỗ trống, hàng năm ban giám đốc bệnh viện phải động viên những người trẻ đi học thêm để nâng cao trình độ... Giữa muôn vàn những khó khăn đó, bác sỹ Cường nói vui" Ai cũng chọn công việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai"...Sự lạc quan đó cũng là động lực để các y, bác sỹ ở đây luôn hoàn thành tốt công việc của mình, để họ thực sự là những "từ mẫu" trong lòng các bệnh nhân...


Ly - Hà