Số đại biểu quốc hội, HĐND, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu được phân bổ, xác định như thế nào?

08/03/2011 11:27

+ Theo điều 8 chương II thì tổng số đại biểu QH của cả nước không quá 500 người. Căn cứ để phân bổ đại biểu QH của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (như Nghệ An) là ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương (dự kiến nhiệm kỳ tới, Nghệ An được bầu 13 đại biểu QH).

+ Số đại biểu HĐND (điều 9 Luật bầu cử HĐND) mỗi cấp được ấn định như sau: HĐND cấp xã, phường: nếu là ở miền xuôi có từ 4.000 người trở xuống được bầu 25 đại biểu, có trên 4.000 người thì cứ thêm 2.000 người được bầu thêm 1 đại biểu; nếu ở miền núi và hải đảo, từ 3.000 người trở xuống đến 2.000 người được bầu 25 đại biểu, có trên 3.000 người thì cứ thêm 1.000 người được bầu thêm 1 đại biểu; xã có từ 2.000 người trở xuống đến 1.000 người được bầu 19 đại biểu, dưới 1.000 người được bầu 5 đại biểu. Phường có 8.000 người trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 8.000 người thì cứ thêm 4.000 người được bầu thêm 1 đại biểu. Các trường hợp được bầu thêm trên nhưng tổng số đại biểu HĐND cấp xã không quá 35 đại biểu.

HĐND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: nếu miền xuôi và có từ 80.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu, nếu có trên 80.000 thì thêm 10.000 người được bầu thêm 01 đại biểu; huyện miền núi, hải đảo từ 40.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu, trên 40.000 thì cứ thêm 5.000 người được bầu thêm 01 đại biểu; thị xã có từ 70.000 người được bầu 30 đại biểu, có trên 70.000 người thì cứ thêm 10.000 người được bầu thêm 01 đại biểu... Tương tự cấp xã, cấp huyện được bầu thêm nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

HĐND tỉnh, nếu là tỉnh miền xuôi có dưới 1 triệu dân được bầu 50 đại biểu; trên 1 triệu dân thì cứ 50.000 dân được thêm 1 đại biểu; tỉnh miền núi có từ 500.000 dân thì được bầu 50 đại biểu, có trên 500.000 dân thì được bầu thêm cứ 30.000 dân được thêm 1 đại biểu nhưng không được quá 85 đại biểu. Các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ khác (ví dụ như Nghệ An, Hà Nội) có trên 3 triệu dân được bầu không quá 95 đại biểu.

+ Theo điều 12, Luật bầu cử đại biểu QH: mỗi đơn vị bầu cử đại biểu QH và HĐND được chia thành nhiều khu vực bỏ phiếu; khu vực bỏ phiếu bầu đại biểu QH đồng thời là khu vực bỏ phiếu đại biểu HĐND các cấp. Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ 300 đến 4.000 cử tri; ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung dù chưa có tới 300 cử tri cũng được lập một khu vực bỏ phiếu. Việc chia khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định, UBND cấp trên phê chuẩn. Đơn vị vũ trang nhân dân, bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng... có từ 50 cử tri trở lên có thể lập khu vực bỏ phiếu riêng.
(còn tiếp)


Phòng Bạn đọc