Cần xây dựng thương hiệu đào tạo

11/04/2011 16:04

Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2011, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác tuyển sinh trong các trường nghề vẫn hết sức khó khăn; đa số các trường không đạt được chỉ tiêu đề ra...

Bắt đầu từ tháng 3, trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công-nông nghiệp Yên Thành đã trực tiếp xuống tận các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện để tư vấn tuyển sinh. Ông Trần Văn Tuấn- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 5.000 học sinh sau khi tốt nghiệp THPT và hoàn thành chương trình THCS không đủ tiêu chuẩn học lớp 10 và học lên ĐH, CĐ. Tuy nhiên, rất ít trong số đó theo học các trường nghề, mà chọn cách ôn thi lại, hoặc đi làm công nhân... Vậy nên, trường rất khó tuyển sinh. Trong năm 2010, trường chỉ tuyển được khoảng 60% so với chỉ tiêu đề ra, riêng ngành đào tạo trung cấp thú y đặt ra 70 chỉ tiêu nhưng không tuyển được học sinh nào... Năm nay, theo chủ trương phân luồng của ngành giáo dục, các trường học trên địa bàn đang "ráo riết" thực hiện mục tiêu 7% học sinh sau tốt nghiệp vào học trong các trường nghề, nhưng xem ra khó đạt".


Học sinh trường Trung cấp Nghề KT-KTCN Vinh trong giờ thực hành.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Trường Trung cấp nghề KT-KT Công nghiệp Vinh, dù đã rất nỗ lực thực hiện tư vấn học nghề, quảng bá hình ảnh của trường nhưng những năm gần đây vẫn gặp khó trong công tác tuyển sinh. Năm học vừa qua, trường tuyển sinh chưa đầy 40% so với chỉ tiêu đề ra, nhiều ngành nghề không có hồ sơ nào đăng ký xét tuyển.

Tuyển được học sinh vào học đã khó nhưng giữ được chân người học đến kết thúc khóa học lại càng khó hơn. Có không ít trường, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng chiếm khoảng 30%. Nhiều em sau 1 năm học nghề, vừa học vừa ôn thi nên khi đậu vào các trường khác, các em "sẵn sàng" bỏ dở, hoặc nhiều em "nôn nóng" tìm cho mình một việc làm để có thu nhập...

Một điều dễ nhận thấy là tâm lý trọng bằng cấp của phụ huynh, học sinh đang là rào cản lớn hạn chế công tác tuyển sinh trong các trường nghề hiện nay. Đa số phụ huynh, đều có chung nguyện vọng cho con em mình học lên lớp 10 hoặc theo học các trường ĐH, hoặc thậm chí cũng là CĐ. Năm học 2011-2012, là năm thứ 6 ngành giáo dục tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS. Có một nghịch lý trong những năm qua khi bước vào mùa tuyển sinh lớp 10, nhiều trường THPT công lập quá tải, trong khi các trường nghề lại rơi vào cảnh đìu hiu.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 50 cơ sở đào tạo nghề, trong đó 3 trường CĐ nghề, 10 trường trung cấp nghề và 1 trường ĐH. Ngoài ra còn có 2 trường CĐ, 4 trường TCCN có tham gia dạy nghề. Mạng lưới dạy quá "dày", các trường lại đào tạo nhiều mã ngành "trùng" nhau. Nếu như trường A có ngành quản trị doanh nghiệp, kế toán hay cơ - điện tử thì trường B cũng nhất định đưa ngành đó vào giảng dạy, mặc dù đây không phải là thế mạnh của mình. Chính sự giẫm chân lên nhau giữa các ngành nghề đào tạo đã khiến các trường chưa tạo được thế mạnh thu hút học viên.

Và cũng phải thừa nhận rằng, các trường nghề hiện nay chưa tạo dựng được cho mình một thương hiệu, một thế mạnh riêng. Ngoài số ít các trường có uy tín như CĐ Nghề Việt Hàn, CĐ Nghề Việt Đức, các trường ĐH, CĐ, TCCN tham gia dạy nghề thì đa phần các trường nghề còn lại chưa có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, do đó chất lượng đào tạo chưa cao.

Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2011 mà Sở LĐTB&XH đưa ra là: CĐ Nghề: 4.400 chỉ tiêu; Trung cấp Nghề: 5.945 chỉ tiêu. Để đạt được kế hoạch đề ra thì đòi hỏi các trường nghề bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và đặc biệt là phải bám sát nhu cầu sử dụng lao động ở các công ty, doanh nghiệp để mở các mã ngành đào tạo phù hợp, giải quyết tốt vấn đề việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Do đó, ngoài nỗ lực của các trường, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành hữu quan và của toàn xã hội.


Thanh Phúc