Tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

22/03/2011 10:59

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Nghệ An có hơn 7.200 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp vừa...

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Nghệ An có hơn 7.200 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 95%. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần được thực hiện khá tốt. Hầu hết các doanh nghiệp này đều có bộ máy làm công tác bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, khắc phục các nguy cơ về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Công tác khai báo, điều tra và giải quyết chế độ tai nạn lao động khá nghiêm túc. Các doanh nghiệp đều cố gắng đầu tư trang thiết bị nhằm giảm nhẹ sức lao động và cải thiện điều kiện làm việc.

Tuy vậy, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc bảo đảm an toàn lao động còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Hầu hết các doanh nghiệp này chỉ tập trung vào việc sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ. Trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp còn lạc hậu, vốn ít nên không có khả năng đầu tư cho cải thiện điều kiện làm việc, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường lao động. Bộ máy làm công tác Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động chưa được thành lập theo quy định. Phần lớn lao động làm việc tại các doanh nghiệp này là lao động nông nhàn, thời vụ, không được trang bị kiến thức cơ bản về ATVSLĐ.

Trong năm 2010, số vụ tai nạn lao động trong các doanh nghiệp tuy giảm nhẹ (63 vụ, so với 70 vụ năm 2009) nhưng số người chết do tai nạn lao động tăng (7 người, so với 4 người năm 2009). Đặc biệt, có vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Nhà máy đường Sông Lam vào tháng 6-2010, làm chết 3 người.

Công nhân duy tu, bảo dưỡng cung đường Giát - Yên Lý. Ảnh: Trần Tố


Từ nhiều năm qua, Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tỉnh đã có nhiều cố gắng chỉ đạo các ngành, các huyện, thành, thị tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện về an toàn lao động, tổ chức thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ở cấp huyện, hoạt động quản lý an toàn lao động chưa thật sự được chú trọng. Ngoài các huyện điểm tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn lao động thì ở các huyện còn lại, việc hưởng ứng tuần lễ quốc gia còn diễn ra sơ sài. Bà Nguyễn Thị Hường - Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết : Nhiều năm qua, các huyện, thành, thị mới chỉ có báo cáo tổng kết về việc thực hiện tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và hầu hết đều trình bày rất chung chung, thiếu đánh giá cụ thể về đặc thù của địa phương và các số liệu cần thiết.

Còn báo cáo chuyên đề 6 tháng đầu năm hay tổng kết năm thì không có huyện nào gửi lên. Công tác tuyên truyền ở nhiều địa phương còn nặng về hình thức, chưa thường xuyên, do đó, chưa đến được đối tượng cần tuyên truyền, nhất là người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, làng nghề. Việc xử lý các vụ vi phạm, các vụ tai nạn lao động xảy ra còn chưa nghiêm nên thiếu tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa việc tái diễn.

Bên cạnh đó hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động còn chồng chéo, không thống nhất; lực lượng thanh tra nhà nước về an toàn lao động còn ít, dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ chưa thực hiện thường xuyên (hằng năm mới chỉ có khoảng 7 - 8% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động).

Với chủ đề "An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp", tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm nay (diễn ra từ ngày 20 - 26-3-2011) tập trung vào việc nâng cao ý thức về an toàn lao động cho người lao động và các doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Hồng Vũ, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để thực hiện tốt hoạt động này, các ngành phải tập trung công tác tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn cán bộ làm công tác bảo hộ lao động tại cơ sở, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra tại cơ sở, doanh nghiệp.

Các cơ sở phải tăng cường công tác huấn huyện ATVSLĐ cho người lao động, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm các quy định về pháp luật lao động hoặc để xẩy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Các huyện, thành, thị, cần tăng cường vai trò chỉ đạo về hoạt động này.


Minh Quân