Thương lắm, những đứa trẻ Keng Đu

15/03/2011 11:10

Nằm cách thủ phủ Mường Xén hơn 70 km, Keng Đu ở độ cao trên 1.100m và là xã biên giới xa nhất của huyện miền núi Kỳ Sơn – tỉnh Nghệ An. Để đi Keng Đu phải qua các xã Phá Đánh, Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy, hầu hết đường đi đều là dốc cao, gấp khúc. Toàn xã có 775 hộ dân thì trên 90% là hộ nghèo, vì thế những đứa trẻ Keng Đu thiếu thốn mọi bề.

(Baonghean) - Nằm cách thủ phủ Mường Xén hơn 70 km, Keng Đu ở độ cao trên 1.100m và là xã biên giới xa nhất của huyện miền núi Kỳ Sơn – tỉnh Nghệ An. Để đi Keng Đu phải qua các xã Phá Đánh, Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy, hầu hết đường đi đều là dốc cao, gấp khúc. Toàn xã có 775 hộ dân thì trên 90% là hộ nghèo, vì thế những đứa trẻ Keng Đu thiếu thốn mọi bề.

Ăn bốc, ngủ sàn, tối học tập trung…

Trường Tiểu học Keng Đu 1- cách Huồi Phăn 1 (trung tâm Keng Đu) 7 km. Chiều Keng Đu lạnh se sắt, nhưng hầu hết các em chỉ khoác những cánh áo mỏng manh. Nhìn những đứa trẻ lam lũ nhưng hồn nhiên cười nhìn khách lạ và ngon lành nhai những vốc cơm chiều khiến ai cũng xót xa.


Cán bộ LĐLĐ tỉnh Nghệ An xem các em học sinh nội trú nấu cơm sáng.

Cụm Trường Trung học cơ sở nội trú Keng Đu, Trường tiểu học Keng Đu 2, Trường mầm non liền kề với trụ sở UBND xã. Mới hơn 5 giờ chiều nhưng các em THCS ở nội trú cũng đã dùng xong bữa cơm chiều. Trong những căn phòng thưng ván gỗ nhỏ hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, các em hiền lành đến rụt rè khi nói chuyện với khách lạ. Mỗi căn phòng diện tích khoảng 6m2 có 5 đến 7 em. Tất cả các phòng đều chưa có giường. Chỗ nằm của các em được kê bằng dăm tấm ván mỏng.

Gia tài chung của hầu hết các phòng là một chiếc chiếu bợt bạt, một chiếc chăn chiên mỏng, vài ba chiếc nồi nhôm đen đúa nhỏ xíu, cũ kỹ và một chiếc dây phơi treo lộn xộn trên đó là những bộ áo quần nhàu nhĩ. Cháu Lương Văn Xuân học lớp 9, nhà ở bản Huồi Tùng cho biết một ngày ăn hai bữa cơm do các cháu tự nấu. Hỏi cơm ăn với gì, có canh rau, có cá thịt không ? Xuân ngơ ngác lắc đầu. Với Xuân, cá thịt là điều gì đó xa vời.


Gia tài của học sinh nội trú.

Phòng nội trú của các học sinh nữ cũng không có gì khác biệt, có chăng là sạch sẽ hơn chút ít. Lương Thị Quyên nhà ở bản Huồi Tố, Lương Thị Lay, Khang Thị Châu, Lương Thị Kiên cùng ở bản Quyết Thắng cũng cho biết các cháu một ngày chỉ ăn hai bữa, 10h trưa và 5 giờ chiều. Cũng như phòng các bạn nam, phòng nội trú nữ cũng chỉ có vài ba chiếc xoong nhỏ mà không hề có bát đũa. Khi được hỏi, tất cả các cháu đều nhìn nhau cười, lắc đầu không nói. Anh Nguyễn Công Danh, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Nghệ An (người dẫn chúng tôi đi Keng Đu) nói nhỏ: “Trước khi lên bọn mình tìm hiểu thì biết các cháu khi ăn cơm phải bốc tay vì chưa có bát đũa. Vì thế, đợt này đã mua một số nồi, bát đũa làm quà cho các cháu”.

Sinh hoạt đã kham khổ, sự học của các cháu cũng hết sức nan giải. Bàn ghế, dụng cụ học tập thiếu thốn, ban đêm khu nội trú không có điện hay đèn thắp sáng nên tất cả học sinh phải lên lớp học bài tập trung. Thầy giáo Tuấn – Hiệu trưởng trường THCS nội trú Keng Đu cười buồn: “Trường đã có nhà học kiên cố nhưng khổ nỗi chưa có bàn ghế nên phòng để không. Để dạy cho 450 học sinh, trường phải phân các lớp học thành 2 ca. Buổi tối, khu nội trú không có điện nên chúng tôi chạy máy nổ thắp sáng 2 lớp cho các cháu học bài tập trung”.


Chiếc sạp mỏng là nơi ngủ, học bài của các em học sinh nội trú.

Các cháu mầm non bán trú ở Keng Đu cũng không khá hơn các anh chị mình. Cô giáo Phạm Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường mầm non bán trú cho biết: “Hiện nay, phòng chức năng, lớp mầm non bán trú rất thiếu thốn. Lớp mầm non bán trú chưa hề có đồ dùng phục vụ các cháu nhưng nhà trường không thể huy động được từ gia đình vì họ quá nghèo. Theo quy định, mỗi năm một gia đình phải nộp 155.000 đồng mua dụng cụ học tập nhưng họ không nạp nổi dù chỉ một nghìn đồng. Để không ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu, các giáo viên phải trích từ lương của mình mua dụng cụ học tập. Về ăn uống, các cháu được nhà nước hỗ trợ 75.000 đồng/tháng/cháu thuộc hộ nghèo, gia đình không có để góp thêm nên các cô phải xoay xở trong phạm vi đó …”

Cần lắm, những tấm lòng

Kỷ niệm 22 năm ngày Biên phòng toàn dân và 52 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng, LĐLĐ tỉnh Nghệ An, Bưu điện Nghệ An đã tổ chức đoàn công tác đi thăm các chiến sỹ Đồn biên phòng 531 đóng tại xã biên giới Keng Đu. Đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh đã đến thăm các trường ở Keng Đu và tặng các giáo viên và học sinh là một số vật dụng như xoong nồi, bát đũa, dầu gội, bột giặt… và bánh kẹo. Bưu điện Nghệ An tặng các cháu 1.534 chiếc quần áo do CBCNVC đóng góp, 178 áo đồng phục mùa đông và gần 2.000 cuốn sách Kim Đồng.


Những đứa trẻ Keng Đu ngon lành ăn vốc cơm chiều.

Trong buổi giao lưu với những con người sống trên mảnh đất Keng Đu, được biết sát cánh với các thầy cô giáo để quan tâm chăm sóc các cháu nhỏ phải kể đến các chiến sỹ biên phòng 531. Bên cạnh việc giúp trường dựng nhà nội trú, mở lớp xóa mù… cán bộ chiến sỹ Đồn 531 đã xuống tận từng nhà dân vận động bố mẹ cho các cháu đến trường. Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu Lô May Mằn đã xúc động khi nói về cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng 531: “Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, các anh còn tham mưu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án của nhà nước tại Keng Đu, giúp dân làm ruộng, chăn nuôi phát triển kinh tế… và giúp thầy cô giáo 4 trường làm tốt công tác dạy và học của các cháu. Năm học qua, Keng Đu đã có nhiều thêm những cháu học khá, học giỏi”.


Đánh khăng - Trò chơi chung của tất cả những đứa trẻ Keng Đu.

Theo Trung tá Nguyễn Sỹ Thành – Đồn trưởng Đồn biên phòng 531 thì: “Keng Đu có 10 bản với 775 hộ, 3.800 khẩu nhưng tới trên 90% hộ nghèo. Cuộc sống của dân chỉ sống nhờ vào một mùa rẫy và chăn nuôi. Những năm vừa qua, thời tiết khắc nghiệt lại thêm dịch bệnh nên làm rẫy và chăn nuôi rất kém, dân thường xuyên bị đói. Chính vì thế việc chăm lo cho các cháu đang thực sự là gánh nặng cho các nhà trường”.

Thiếu tá Chính trị viên Hồ Quốc Hải tâm sự: “Để giúp các cháu có cái nằm, chúng tôi đã xin được 15 chiếc giường tầng bằng sắt nhưng xe chuyên chở của đơn vị đang hỏng nên cũng chưa đưa về được. Hoàn cảnh các cháu tội lắm. Mong rằng các đơn vị kết nghĩa với đồn, các tổ chức cá nhân tiếp tục quan tâm ủng hộ vật chất cho các cháu”.


Ngô Nhật Lân