Người góp phần làm nên "thương hiệu" Bóng đá Sông Lam

25/03/2011 20:51

Vốn được mệnh danh là "Khổng Minh xứ Nghệ"- người có công lớn trong việc làm nên thương hiệu Bóng đá Sông Lam Nghệ An, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, ông rất ngại kể về mình và chỉ say sưa khi nói về đội bóng Sông Lam của quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông là Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch CLB Bóng đá SLNA.


Ông Nguyễn Hồng Thanh.

Ngày đầu...

Tháng 8-1973, sau khi tổ chức hội thao toàn quân thành công, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh quyết định thành lập đội bóng đá. Lúc ấy, Nguyễn Hồng Thanh đang công tác tại phòng Hậu cần của Tỉnh đội. Ham mê thể thao, lại có năng khiếu bóng đá nên ông được tuyển chọn làm vận động viên, cùng với Ban Huấn luyện đi tuyển quân thành lập đội bóng. Sớm bộc lộ tài năng, từ vận động viên, ông được chọn làm đội trưởng, rồi nhanh chóng trở thành thành viên Ban Huấn luyện. Nguyễn Hồng Thanh thực sự trở thành người thầy của các cầu thủ mặc áo lính từ năm 1976. Dưới sự dẫn dắt của ông và các đồng nghiệp, năm 1978, Đội Bóng đá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh được lên hạng A2 toàn quốc.

Ngày 28-2-1979, Đội Bóng đá Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh được đổi tên thành Đội Bóng đá Sông Lam Nghệ Tĩnh do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh quản lý, Sở Thể dục Thể thao Nghệ Tĩnh chịu trách nhiệm về chuyên môn. Cuối năm đó, Nguyễn Hồng Thanh ra quân, chuyển về làm huấn luyện viên bóng đá tỉnh Bình - Trị - Thiên.

Vinh danh "Sông Lam Nghệ An"

Năm 1982, Đội Bóng đá Sông Lam Nghệ Tĩnh được chuyển giao cho Sở Thể dục Thể thao Nghệ Tĩnh quản lý. Nhớ đến tài năng của Nguyễn Hồng Thanh, lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao Nghệ Tĩnh mời ông trở lại. Trong vòng vài năm, ngày 28-10-1984, đội lên chơi hạng A1 - giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam lúc đó.

Năm 1989, phân hạng lên đội mạnh, Sông Lam là đội đầu tiên được đặc cách và được cử làm đại diện cho Bóng đá Việt Nam đi thi đấu giải 3 nước Đông Dương.


Các cầu thủ "thế hệ vàng" của SLNA Vô địch quốc gia năm 1999.
Ảnh: P.V

Suốt từ 1983 đến 2004, Nguyễn Hồng Thanh nắm giữ các chức vụ chủ chốt của Bóng đá xứ Nghệ: Đội trưởng, Trưởng đoàn bóng đá, Giám đốc điều hành CLB Bóng đá Sông Lam. Tên tuổi ông gắn bó với CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An-"Niềm tự hào của xứ Nghệ". Ông được cử đi học và tham gia các lớp huấn luyện của AFC, FIFA. Quá trình đó, ông nhanh chóng tiếp thu các kiến thức từ các nền bóng đá chuyên nghiệp về áp dụng và xây dựng thành công hệ thống đào tạo các tuyến trẻ. Những năm đó, SLNA "thống trị" trong các giải đấu lứa tuổi từ U11 đến U21 (U17 vô địch 6 lần liên tiếp, U21 vô địch 3 lần...). Lò đào tạo của Sông Lam đã đóng góp cho đội tuyển Việt Nam với nhiều lứa cầu thủ lừng danh như: Hữu Thắng, Văn Sỹ Hùng, Quang Trường, Văn Sỹ Thủy... rồi đến Huy Hoàng, Văn Quyến, Minh Đức, Công Vinh, Hồng Sơn... và mới đây là Đình Đồng, Trọng Hoàng, Quang Tình, Công Minh, Ngọc Anh... Cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo Sông Lam còn có mặt ở hầu hết các đội mạnh ở V.League như HN.T&T, Đà NΩng, HAGL, Bình Dương...đã góp công cùng các đội này đoạt các chức vô địch V.League.

Có thể thấy thời điểm Nguyễn Hồng Thanh "phát tiết" nhất chính là lúc làm Trưởng đoàn U16 Việt Nam tại Vòng Chung kết châu Á năm 2000 tổ chức ở Đà NΩng. Lúc ấy, Sông Lam đóng góp 11 cầu thủ cho tuyển U16 thì 10 người nằm trong đội hình chính. Dàn cầu thủ xứ Nghệ với Văn Quyến, Minh Đức, Lâm Tấn, Như Thuật, Đức Anh... đã vinh danh lò đào tạo Sông Lam. Năm đó, lần đầu tiên U16 Việt Nam lọt vào tốp 4 của châu lục, Văn Quyến là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Đấy cũng là thời thịnh trị của ông cùng Sông Lam, 2 năm liền vô địch quốc gia (1999, 2000-2001), 3 lần đoạt siêu cúp, 2 lần vô địch Cúp quốc gia... và nhiều năm liền ở tốp đầu của V.League. Năm 2002, ông được cử làm Trưởng đoàn tuyển U20. Với kinh nghiệm của mình, ông đã giúp U20 Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Vòng Chung kết châu Á sau khi đánh bại đội chủ nhà Malaysia.

Ông đã có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Bóng đá xứ Nghệ và cho cả bóng đá Việt Nam. Ông đã trải qua các khóa huấn luyện, đào tạo HLV của AFC và đạt đến bằng A (bằng cao nhất của HLV bóng đá). Với đẳng cấp này, ông trở thành huấn luyện viên cấp quốc tế. Hiện ông là giảng viên của AFC, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Những người làm bóng đá lâu năm nhận định: Nguyễn Hồng Thanh là người thể hiện rõ tính quyết đoán trong quản lý, mưu lược chỉ đạo đấu pháp trên sân cỏ, đã góp phần quan trọng vào sức mạnh chiến thắng của Sông Lam. Ngoài ra, ông còn có uy tín trong thu phục cầu thủ, và mối quan hệ với các CLB khác, nên từ lâu ông được mệnh danh là "Khổng Minh xứ Nghệ".

Vì người hâm mộ

Bên cạnh những thành công, ông cũng trải qua những giai đoạn khó khăn trong môi trường bóng đá bán chuyên nghiệp của Việt Nam. Năm 2004, ông xin nghỉ hưu trước thời hạn và được bầu Kiên của ACB trải thảm mời ra Thủ đô với chức Tổng Giám đốc Công ty CP thể thao ACB kiêm chức HLV. Ông đã cộng tác với đội bóng Hà Nội 5 năm.

Năm 2009, sau khi tiếp quản CLB, với mong muốn gây dựng lại hình ảnh "niềm tự hào" một thuở, bà Thái Hương-Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á quyết định giữ nguyên tên Đội Bóng Sông Lam Nghệ An và mời Nguyễn Hồng Thanh trở lại quê nhà làm Tổng Giám đốc kiêm chủ tịch CLB Bóng đá SLNA.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thanh khiêm tốn nói rằng, Sông Lam Nghệ An có được những thành công đó là do sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, là tấm lòng của người hâm mộ xứ Nghệ. Chính những điều đó đã thôi thúc ông, các HLV và cầu thủ Sông Lam mỗi khi ra sân luôn thi đấu hết mình. Ông còn nhớ, những năm người hâm mộ ở các huyện thức trắng đêm, bắt xe khách xuống Vinh, nhưng vẫn không vào được "chảo lửa", họ phải dùng thang trèo qua tường, ngồi lên mái nhà, cành cây xem đội nhà thi đấu. Những lúc ấy, ở băng ghế chỉ đạo, lòng ông như lửa đốt, ông chỉ thầm mong đội nhà thắng để không phụ lòng khán giả.

Ông cũng góp phần vạch ra chiến lược đưa CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An phát triển theo hướng chuyên nghiệp: Xây dựng đội 1 ổn định và nằm trong tốp đầu V.League; tổ chức các trận đấu an toàn; xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng với yêu cầu quốc tế; liên kết với một câu lạc bộ ở Anh xây dựng Học viện Bóng đá thay thế cho các tuyến trẻ hiện nay để cung cấp cầu thủ cho đội 1 và thị trường chuyển nhượng. Theo ông, làm bóng đá chuyên nghiệp là phải biết làm kinh tế, tuy điều này ở Việt Nam còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, ông còn trăn trở về thành lập một Hội cổ động viên, cổ động chuyên nghiệp, có văn hóa, để làm cho thương hiệu "Sông Lam Nghệ An" ngày càng đẹp hơn trong mắt người hâm mộ cả nước.


Đức Chuyên