Cựu giáo chức Quỳnh Hồng xứng đáng dân tin, trò mến
Quỳnh Hồng, một xã có truyền thống lâu đời về giáo dục, nơi sản sinh ra nhiều nhà giáo nhân cách. Năm 1918,
Quỳnh Hồng, một xã có truyền thống lâu đời về giáo dục, nơi sản sinh ra nhiều nhà giáo nhân cách. Năm 1918, khi chữ Nho đi vào giai đoạn hết thời, các thầy đồ nhường chỗ cho thầy giáo. Thầy giáo Trần Hoành Viễn với tuổi trẻ sôi nổi đã dùng thơ phú của mình ca ngợi quê hương, lên án những thói hư tật xấu qua các bài "Nhân Sơn ca", " Chuyện con diều"... còn được người đời truyền tụng ngót trăn năm nay. Năm 1930-1931, phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh sục sôi.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Giảng là một trong 4 vị từng là Bí thư Huyện ủy đầu tiên. Tất cả đều là thầy giáo: Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang, Dương Vụ Bản. Sau này, thầy giáo Nguyễn Hữu Giảng chết vì đòn thù trong nhà tù Lao Bảo, ảnh hưởng của ông rất lớn. Năm 1945, đoàn thể tổ chức truy điệu ông.
Để chuẩn bị khí thế giành chính quyền 1945, các thầy giáo Hồ Tình, Nguyễn Giới, Vũ Bảng ra sức vận động toàn dân giành chính quyền về tay nhân dân. Và chính các ông giáo Tình, giáo Giới, giáo Bảng lần lượt được toàn dân đồng thuận bầu vào chức Chủ tịch lâm thời rồi Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính đầu tiên của xã.
Các cựu giáo chức xã Quỳnh Hồng chụp ảnh lưu niệm (2010). |
Thời kỳ đầu chống thực dân Pháp, trên địa bàn nhập chung là Cầu Giát, mà nòng cốt là Quỳnh Hồng, một số thầy giáo ngoài xã như Phan Hữu Thờm (Quỳnh Đôi), Bùi Ngọc Trân (Quỳnh Diễn) bồi dưỡng lên một lớp đảng viên trung kiên làm nòng cốt cho phong trào giáo dục, sản xuất và chiến đấu.
Thời chống Mỹ cũng như thời đổi mới, giáo dục Quỳnh Hồng luôn là điểm sáng của giáo dục Quỳnh Lưu và nhiều năm là của Nghệ An từ cấp II đến cấp I, từ tiểu học cũng như THCS. Nhiều giáo viên Quỳnh Hồng là cốt cán chuyên môn của huyện, của tỉnh; là cán bộ quản lý giáo dục.
Hiện tại, cả huyện Quỳnh Lưu có 10 NGƯT cư trú trên địa bàn thì Quỳnh Hồng đã chiếm đến 6. Đó là Nguyễn Đức Sâm (đã mất), Nguyễn Duy Hàm, Hoàng Ất, Kiều Ngọc Bát, Hồ Ngọc Dũng, Đặng Thị Hồng. Riêng cô giáo trẻ, NGƯT Đặng Thị Hồng sinh năm 1972 là một trong những giáo viên đứng lớp được phong NGƯT trẻ nhất Nghệ An đợt phong 2008.
Từ hoạt động trên bục giảng đến lúc nghỉ hưu tham gia vào Hội Cựu giáo chức, các cựu giáo chức Quỳnh Hồng đến cả non trăm người tuy làm giáo dục trong nhiều năm gian khó, sức khoẻ phần nhiều giảm sút nhưng khi về sinh hoạt với cộng đồng, đa số các cựu giáo chức đều mẫu mực nhiệt tâm cống hiến những ngày còn lại trong sự nghiệp chung.
Nhiều người tham gia vào cấp uỷ, làm bí thư hoặc phó bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Nhiều người tích cực tham gia làm Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh, Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức... đầu tiên của huyện và là thành viên tích cực trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳnh Lưu trong khối Đại đoàn kết toàn dân. Nhiều gia đình cựu giáo chức là gia đình mẫu mực trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, nuôi dạy con cái trưởng thành như các gia đình: Nguyễn Duy Hàm, Nguyễn Thái Kình, Vũ Ngọc Toản, Hồ Hữu Lộc, Hoàng Văn Thơ,...
Thời chống Mỹ, một đội ngũ học sinh tài năng quyết tâm rời ghế nhà trường ra đi cứu nước. Nhiều người là liệt sĩ, họ vĩnh viễn xa thầy, xa bạn nhưng tên tuổi họ còn mãi với quê hương, đất nước như các liệt sĩ Hồ Sĩ Giao, Vũ Ngọc Quế, Hồ Hữu Dũng, Trần Đình Quynh, Vũ Bá Tốp...
Giờ đây, đội ngũ học sinh cũ thành đạt từ trên ghế nhà trường nay dù làm việc trong các cơ quan nhà nước, trong hợp tác liên doanh, hay hoạt động trên thương trường trong và ngoài nước họ cũng luôn hướng tâm về quê hương, tri ân cùng thầy cô giáo cũ bằng nhiều hình thức kể cả về vật chất lẫn tinh thần như ThS. Đậu Văn Diên, TS. Đặng Ngọc Hân, ThS. Đặng Ngọc Long, Ks. Trịnh Xuân Tịnh, ThS. Hồ Thị Hà, ThS. Hồ Xuân Ngọc, PGS-TS. Hồ Khang, KS. Hoàng Quốc Truyền, KS. Nguyễn Duy Ninh,...
Được Đảng và dân tin yêu, được học trò nhiều thế hệ mến phục trước hết là nhờ quá trình cống hiến cho sự nghiệp trồng người của các cựu giáo chức Quỳnh Hồng. Nhưng, hơn ai hết họ là những người sống giản dị và trong sạch, nhân ái, không chuộng hư vinh... đấy là nét đẹp thanh cao để dân tin, trò mến!
Hồ Đức Thỉnh