Hai năm triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

10/04/2011 18:00

Sau 2 năm triển khai, chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (MTQGNS&VSMTNT) giai đoạn 2 ở Nghệ An đã đạt được kết quả tốt, góp phần nâng cao điều kiện sống, sức khỏe của người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn…

(Baonghean) - Sau 2 năm triển khai, chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (MTQGNS&VSMTNT) giai đoạn 2 ở Nghệ An đã đạt được kết quả tốt, góp phần nâng cao điều kiện sống, sức khỏe của người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn…

Năm 2009, ngành Y Tế Nghệ An bắt đầu triển khai hợp phần vệ sinh chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn. Nhờ sự vào cuộc tích cực, chương trình đã được triển khai đồng bộ với mục tiêu đến hết năm 2010: 63% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh (tăng 6% so với trước khi thực hiện); 100% số trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (tăng 7%) so với trước khi thực hiện.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, các hoạt động thông tin - giáo dục - tuyên truyền (gọi tắt là IEC) đã được lồng ghép nhiều phương pháp và hình thức khác nhau như xây dựng các phóng sự tuyên truyền trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh ở các xã vùng nông thôn; tuyên truyền bằng ấn phẩm (pano, tờ rơi, sổ tay hướng dẫn kiểm tra công trình cấp nước và vệ sinh hộ gia đình, sổ tay truyền thông giáo dục sức khoẻ vệ sinh môi trường). Bên cạnh đó đẩy mạnh truyền thông trực tiếp bằng cách thành lập mạng lưới tuyên truyền viên từ cấp xã đến thôn xóm. Việc lồng ghép, phối hợp nhiều phương pháp IEC đã mang lại hiệu quả lớn trong công tác vận động người dân tự xây nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vùng nông thôn. Song song với hoạt động tuyên truyền, Ban chỉ đạo cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa phương, đặc biệt là các là các tuyên truyền viên, kỹ thuật viên cơ sở cấp xã, thôn, xóm. Trong 2 năm qua đã tổ chức được 24 lớp hướng dẫn kỹ thuật lựa chọn, sử dụng, bảo quản các loại nhà tiêu hợp vệ sinh gia đình; hướng dẫn kỹ thuật kiểm tra, giám sát công trình cấp nước và vệ sinh gia đình cho 1260 người; 19 lớp kỹ năng truyền thông giáo dục sức khoẻ vệ sinh môi trường, thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nông thôn cho 1022 người. Đối tượng tham gia là cán bộ chuyên trách VSMT các huyện, xã, trưởng trạm y tế, phụ trách y tế thôn, bản, xóm trưởng, hội trưởng hội phụ nữ xã, tuyên truyền viên VSMT…

Năm 2009, Ban chỉ đạo đã triển khai xây dựng điểm mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh gia đình tại 2 xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) và Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu). Đến 2010 tiếp tục triển khai tại 3 xã điểm là Nghi Thiết (Nghi Lộc), Diễn Vạn (Diễn Châu) và Hùng Tiến (Nam Đàn). Trong 5 xã được chọn triển khai xây dựng mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình có 3 xã vùng biển, người dân có tập quán không dùng nhà vệ sinh, còn 2 xã vùng ven đê thường xuyên bị ngập lụt, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, người dân quen dùng nhà tiêu tạm bợ, không hợp vệ sinh. Do vậy đội ngũ thợ xây cũng như các gia đình đã được cung cấp thông tin để xây dựng các loại nhà tiêu phù hợp với điều kiện địa phương. Với vùng ven biển, mật độ dân số cao, không có đất trồng trọt, ngành nghề chủ yếu là đánh bắt thuỷ sản và buôn bán, người dân không tái sử dụng phân để làm ruộng nên mô hình nhà tiêu phù hợp là mô hình tự hoại. Với vùng đồng bằng ven đê, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, phải sử dụng nhiều phân phục vụ cho trồng trọt nên ở đây được triển khai xây dựng nhà tiêu hai ngăn sinh thái. Kết quả sau khi triển khai mô hình, tỷ lệ số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh ở xã Quỳnh Phương đạt 47,3% (tăng 11,2% so với mục tiêu đặt ra); ở xã Hưng Nhân đạt 69,5% (tăng 14% so với mục tiêu); ở xã Diễn Vạn đạt 58,7% (tăng 4,1%), ở xã Nghi Thiết đạt 40,8% (tăng 0,8%), ở xã Hùng Tiến đạt 48,5% (tăng 0,2% so với mục tiêu đặt ra).

Về công trình trạm y tế xã, theo kết quả rà soát năm 2009 thì hầu hết số lượng công trình vệ sinh chỉ đủ cho nhân viên trạm y tế sử dụng, chưa có công trình vệ sinh dành riêng cho bệnh nhân. Năm 2010, Chương trình MTQG NS&VSMTNT đã hỗ trợ xây dựng mới 21 công trình vệ sinh tại 21 trạm y tế với tổng số vốn hỗ trợ 700 triệu đồng. Hiện có 468 / 478 trạm y tế có công trình cấp nước hợp vệ sinh (đạt 98%); 456 / 478 trạm y tế có công trình vệ sinh đạt chuẩn (đạt 95%)… Như vậy, sau hơn 2 năm thực hiện, tỷ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 63,1% (vượt mục tiêu đề ra) nhưng tỷ lệ trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh lại thấp hơn mục tiêu. Hầu hết các trạm y tế xã có công trình vệ sinh nhưng việc bảo quản và vệ sinh chưa được chú trọng trong khi kinh phí hỗ trợ để xây dựng còn hạn chế nên nhiều công trình bị xuống cấp. Đặc biệt đợt bão lụt năm 2010 vừa qua đã làm hư hỏng 13 công trình cấp nước, 13 công trình vệ sinh của trạm y tế xã...

Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng dự án đã góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức, hành vi, cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện sống và sức khỏe của người dân nông thôn. Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 3 (2011-2015) góp phần xây dựng hình ảnh nông thôn mới xanh, sạch, văn minh.


Gia Huy